Lượng hóa các chỉ số phát triển để hoạch định chính sách

Thứ năm, 17/10/2019 16:47
(ĐCSVN) - Việc lượng hóa các chỉ số phát triển sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thông tin khách quan trong hoạch định và xây dựng chính sách. Sau khi các bộ có hệ thống riêng, sẽ xây dựng thành hệ thống của Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa giới thiệu hệ thống Dashboard theo dõi và đánh giá các chỉ số phát triển ngành thông tin và truyền thông. Chức năng chính của hệ thống này là theo dõi và phân tích số liệu của 6 ngành gồm: Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Công nghiệp ICT và Thông tin tuyên truyền.

Tại hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu Hệ thống Dashboard. (Ảnh: Vương Hạnh)

Các lĩnh vực này sẽ được phân loại tổng cộng thành khoảng 150 chỉ số phát triển trên hệ thống để theo dõi đánh giá. Đây là cách làm mới nhằm hướng tới việc sử dụng số liệu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Hệ thống do chính doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển.

Tại hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông quý III/2019 diễn ra ngày 14/10, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu người đứng đầu các đơn vị thuộc bộ cần dựa vào số liệu để điều chỉnh và ra quyết định hàng ngày đối với lĩnh vực mình quản lý. Để làm được việc đó, các đơn vị trong ngành cần cung cấp dữ liệu chính xác và bổ sung thêm các chỉ số mới để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng cho quản lý của Bộ TT&TT. Đây là yêu cầu bắt buộc, vì nếu không có dữ liệu đúng và đủ sẽ không thể có chính sách “trúng và kịp thời”.

Bộ TT&TT xác định sẽ tiên phong trong công tác quản lý nhà nước bằng cơ sở dữ liệu. Sau đó, Bộ TT&TT sẽ chia sẻ để các bộ đều có hệ thống riêng. Kết nối khai thác hệ thống của tất cả bộ, ngành sẽ trở thành hệ thống của Chính phủ. Việc quản lý bằng số liệu sẽ giúp Việt Nam có thể nhìn ra các bất cập, từ đó hoạch định chính sách.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045, trong đó, ngành ICT là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đối với việc triển khai Sand-box (thử nghiệm các công nghệ mới, dịch vụ mới…). Do vậy, các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành có thể đề xuất thí điểm các sản phẩm dịch vụ mới thông qua Bộ TT&TT. Bộ có trách nhiệm đại diện các đơn vị làm việc với các bộ, ngành có liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp, hiệp hội trong ngành ICT cần mạnh dạn đề xuất các ý kiến mang tính chiến lược quốc gia, chính sách cho ngành, cho đất nước. Trước hết là góp ý xây dựng văn kiện đại hội đảng các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đối với rất nhiều lĩnh vực liên quan đến ngành ICT như đô thị thông minh, chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số... Đây là trách nhiệm với Đảng, với đất nước, với ngành và chính với mỗi doanh nghiệp, tổ chức./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực