Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em Việt Nam

Thứ năm, 29/06/2017 15:33
(ĐCSVN) - Ngày 29/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo tổng kết dự án "Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và các nhóm có nguy cơ tại Việt Nam".


Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) Nguyễn Đức Vinh cho biết: Dự án do Chính phủ Tây Ban Nha hỗ trợ kinh phí thông qua Quỹ Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng và thực hiện chiến lược lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực. Dự án được Chính phủ giao cho Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan Liên hợp quốc triển khai từ năm 2015-2016 (gia hạn đến tháng 6/2017) tại Trung ương và 2 tỉnh (Lào Cai và Ninh Thuận).

Mục tiêu của dự án là: Hỗ trợ xây dựng và thực thi các chính sách, hướng dẫn dựa trên khuyến cáo toàn cầu dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, về nước sạch, vệ sinh và an ninh lương thực; nâng cao năng lực cho cán bộ Trung ương và địa phương trong việc thực hiện các can thiệp bền vững nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và bảo đảm an ninh lương thực cho các hộ gia đình. Đối tượng hưởng lợi từ dự án là đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn và người nghèo tại 2 tỉnh Lào Cai và Ninh Thuận giúp giảm mức độ chênh lệch, hướng tới mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em dưới 5 tuổi.

Hội thảo tổng kết dự án "Lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực cho trẻ em và các nhóm có nguy cơ tại Việt Nam"
Ảnh: ĐT

Sau gần 2 năm thực hiện, dự án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Các hướng dẫn kỹ thuật nhằm phát hiện và điều trị sớm đối với trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính trầm trọng đã được Bộ Y tế phê duyệt; hướng dẫn tháp dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ dưới 5 tuổi đã được xây dựng; đánh giá về giới trong các chính sách và chương trình dinh dưỡng, an ninh lương thực đã được hoàn thiện... Đặc biệt, Đề án "Tái cơ cấu ngành lúa gạo" đã được thông qua vào tháng 6/2016 và được phổ biến để áp dụng rộng rãi trong cả nước. Trong đó, 7 mô hình về cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản tại hộ gia đình đã được xây dựng và triển khai tại tỉnh Lào Cai, Ninh Thuận... Đồng thời, mô hình lồng ghép dinh dưỡng, sức khỏe dựa vào cộng đồng và an ninh lương thực nhằm giảm tỷ lệ thấp còi ở trẻ nhỏ đã được xây dựng, triển khai tại 2 tỉnh thuộc dự án...

Đại diện Ban quản lý dự án tỉnh Lào Cai nêu rõ: Trong khuôn khổ của dự án, mô hình Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng tại xã Bản Phố, huyện Bắc Hà và xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nặng cân/tuổi chung của 2 xã giảm từ 24,2% xuống còn 16,6% (giảm 7,6%); tỷ lệ bà mẹ có kiến thức đúng về đa dạng tối thiểu khẩu phần ăn của trẻ tăng từ 15,5% lên 56,9%; việc thực hành cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh tăng từ 47,9% lên 71,9%; tỷ lệ bà mẹ có thực hành đúng về đa dạng tối thiểu khẩu phần ăn của trẻ tăng từ 54,8% lên 74%... Thông qua dự án, ngành y tế và ngành nông nghiệp có điều kiện triển khai, tuyên truyền, áp dụng những kiến thức về y tế, chăm sóc sức khỏe cũng như các kỹ thuật canh tác mới đến người dân; đặc biệt là đồng bào vùng cao- nơi còn gặp nhiều khó khăn...

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nội dung như: Bài học kinh nghiệm khi triển khai dự án tại 2 tỉnh Lào Cai và Ninh Thuận; đánh giá về khó khăn và thuận lợi của dự án; hoạt động duy trì và bền vững của dự án./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực