Lai Châu: Phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản

Thứ ba, 28/03/2017 23:25
(ĐCSVN) - Với đặc điểm có tới trên 70% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các vùng sâu, vùng xa nên công tác khám, chữa bệnh, tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân Lai Châu gặp khá nhiều khó khăn.

Những năm qua, thông qua việc phát huy có hiệu quả vai trò của đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản, tỉnh Lai Châu đã làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu; phòng, chống dịch bệnh cho người dân…

Nhân viên y tế thôn, bản ở huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) khám bệnh cho người dân. (Ảnh: QĐ)

Là tỉnh miền núi, Lai Châu hiện có 108 xã, phường, thị trấn với gần 1.200 thôn, bản, tổ dân phố. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung chủ yếu tại các thôn, bản của các xã vùng sâu, vùng xa. Do đặc điểm địa hình, những khu vực này thường bị chia cắt bởi đồi, núi, sông, suối nên việc đi lại của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa lũ. Thực hiện phương châm phòng bệnh là chính, nhiều năm qua, tỉnh Lai Châu đã chú trọng củng cố đội ngũ nhân viên y tế ở các thôn, bản để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và tuyên truyền kiến thức phòng, chống dịch bệnh, xây dựng môi trường sống hợp vệ sinh. Từ năm 2014 đến nay, ngành y tế tỉnh đã tổ chức đào tạo, đào tạo lại từ 6 đến 9 tháng cho tất cả cán bộ, nhân viên y tế thôn, bản chưa bảo đảm trình độ; đồng thời cấp phát túi nhân viên y tế thôn, bản. Nhờ đó, nhìn chung đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản đã phát huy tốt vai trò trong công tác phòng tránh bệnh bước đầu ngay từ hộ gia đình, thôn xóm. Họ đã trở thành những “trạm y tế di động” đến tận hộ gia đình, góp phần rất lớn trong công tác duy trì phòng tránh bệnh, phát hiện dịch bệnh sớm, đồng thời có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền kế hoạch hoá gia đình; phòng, chống dịch bệnh, HIV… Do vậy, nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Lai Châu cơ bản không xảy ra dịch bệnh lớn, kết quả đó có sự góp sức không nhỏ của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế thôn, bản.

Mường Tè là huyện vùng cao và khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Trong đó 90% số dân địa phương là người dân tộc thiểu số, gồm: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú… Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại các vùng dân tộc thiểu số được địa phương coi là nhiệm vụ quan trọng. Vượt lên những khó khăn, thiếu thốn, lực lượng nhân viên y tế thôn, bản ở Mường Tè đã thực sự trở thành những cánh tay nối dài của tuyến y tế cơ sở, bởi tại các vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn; công tác khám, chữa bệnh ban đầu hay việc sơ cứu đối với các trường hợp bị cấp cứu là yếu tố quyết định đến thành công của việc điều trị sau này. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản thường là người dân tộc thiểu số ngay trong thôn, họ biết tiếng dân tộc, am hiểu phong tục địa phương, vì thế việc tiếp cận và tuyên truyền tới đồng bào sẽ cho hiệu quả cao hơn.

Chị Lò Thị Nhất, nhân viên y tế bản Huổi Cuổng, xã Vàng San, huyện Mường Tè cho biết: Tôi thường xuyên tuyên truyền cho bà con trong bản vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, chuồng trại để phòng tránh các dịch bệnh có thể xảy ra; tuyên truyền về các biện pháp tránh thai, các vắc-xin cần thiết cho phụ nữ, trẻ em... Việc tuyên truyền được thực hiện lồng ghép với các buổi sinh hoạt thôn hoặc sinh hoạt của các chi hội cho nên mọi người rất hào hứng, nắm vững và thực hiện tốt.

Theo thống kê, tính chung trong toàn tỉnh Lai Châu, đến hết năm 2016 đã có 90,89% thôn, bản có nhân viên nhân viên y tế thôn, bản hoạt động; 72% số nhân viên y tế thôn, bản được trang bị túi y tế; 87,96% xã, phường, thị trấn có nữ hộ sinh trung học hoặc y sỹ sản nhi. Nhờ phát huy tốt vai trò của đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản nên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trẻ em dưới 1 tuổi toàn tỉnh đạt 93,42%; tỷ lệ lượt người dân được khám chữa bệnh trung bình/người/năm là 2,7 lần; 93,5%, người dân tham gia bảo hiểm y tế…

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu Bùi Tiến Thanh cho biết: Với sự quan tâm thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp và tinh thần nỗ lực vượt khó của đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản, những năm qua chất lượng hoạt động y tế cơ sở của các địa phương trong tỉnh đã được nâng lên đáng kể. Đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản có vai trò quyết định trong công tác tăng cường năng lực hệ thống y tế, nhất là giúp tuyến y tế cơ sở, góp phần duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân thực hiện công tác phòng ngừa và giúp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.

Có thể thấy, đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản ở Lai Châu đã luôn là lực lượng đi đầu trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, giúp bà con phòng, chống các loại dịch bệnh, thực hiện khám chữa bệnh ban đầu tại khu dân cư, đảm bảo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Thời gian tới, Lai Châu sẽ tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng nhân viên y tế thôn, bản tại trên địa bàn. Trong đó tập trung vào tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh, các kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe nhân dân tại cộng đồng… Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để tăng mức hỗ trợ, phụ cấp nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản gắn bó với công việc. Đồng thời, việc cấp phát các trang thiết bị y tế thiết yếu, thuốc men, tài liệu truyền thông đầy đủ sẽ góp phần giúp các nhân viên y tế thôn, bản thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động ở cộng đồng./.

Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực