Không thu hồi Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc gia

Thứ tư, 11/04/2018 12:50
(ĐCSVN) – Liên quan đến việc dư luận băn khoăn liệu Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc gia có bị thu hồi do giải ngân chậm, ông Lê Xuân Định, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định, không có chuyện Nhà nước hay Bộ Tài chính thu hồi lại tiền Quỹ này.

 

Ông Lê Xuân Định, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ KH&CN) phát biểu

 tại buổi họp báo chiều 10/4. Ảnh: BL

Tại buổi họp báo của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra chiều 10/4, ông Lê Xuân Định cho biết: Năm 2015, Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF) ra mắt với tổng vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng để đầu tư cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Thời gian qua, Quỹ cũng ký hợp đồng khoảng 100 nhiệm vụ, tuy nhiên, tốc độ giải ngân rất chậm. Theo Nghị định 95/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thay đổi mới nhất là ngoài hợp phần nghiên cứu phát triển (R&D) trước đây, hợp phần đổi mới sáng tạo (Inovation) đã được thêm vào. Việc đổi mới sáng tạo cần phải thông qua doanh nghiệp. Để thực hiện điều này, một trong những công cụ tiên phong là Quỹ NATIF, Quỹ giúp đưa tri thức của nhà khoa học, thiết bị vào sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê, tính đến hết năm 2017, NATIF ký hợp đồng tài trợ cho 21 nhiệm vụ, với tổng kinh phí thực hiện là 774 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước là 221 tỷ đồng. Sau 3 năm triển khai, Quỹ tiếp nhận và xét chọn 85 nhiệm vụ, với đề xuất thực hiện khoảng 3.674 tỷ đồng, trong đó, dự kiến nguồn chi phí từ ngân sách khoảng 1.035 tỷ đồng

Ông Lê Xuân Định cũng thừa nhận, hiện NATIF mới thực hiện được 50% chức năng, chưa đạt như kỳ vọng do sự đổi mới đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ không chỉ riêng vai trò của NATIF. Một trở ngại thực tế khác, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ cần thời gian càng sớm càng tốt, trong khi quy trình của NATIF phải mất hàng tháng đến vài năm mới được xét duyệt nên bị chậm.

Ông Lê Xuân Định cũng cho biết: Đối tượng của NATIF là doanh nghiệp, hoàn toàn khác đối tượng trước đây của các quỹ là tổ chức công lập, viện nghiên cứu, trường đại học. Do đó, để đảm bảo kinh phí Nhà nước không bị thất thoát và đến đúng địa chỉ, cùng với những yêu cầu và quy định hiện nay, thì không thể bỏ qua bất cứ thủ tục nào.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác hậu kiểm theo hướng không một mình giám sát các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ, mà sau khi thẩm định về mặt đầu tư, kinh doanh các doanh nghiệp có khả thi. Quỹ sẽ phối hợp với ngân hàng đảm bảo phần hỗ trợ về công nghệ. Từ đó, sẽ giảm thời gian thẩm định, tăng cường hậu kiểm và đảm bảo kịp thời các phương án sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực