Không được thu học phí vượt mức trần quy định

Thứ tư, 24/08/2016 16:36
(ĐCSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn gửi các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lưu ý về việc điều chỉnh tăng học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.

Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Theo đó, để đảm bảo việc thực hiện chính sách học phí theo đúng quy định của pháp luật, Bộ GD&ĐT đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện đúng các nội dung của Nghị định số 86 của Chính phủ, trong đó lưu ý thực hiện các nội dung sau đây:

Căn cứ mức trần học phí quy định tại Nghị định số 86 tương ứng với từng năm học, từng loại hình đơn vị, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp quy định cụ thể mức thu học phí đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học và phải thực hiện công khai cho người học biết trước khi tuyển sinh, trong đó phải đảm bảo:

Mức thu học phí không được vượt mức trần học phí quy định tại Nghị định số 86 đối với từng ngành, nghề, chương trình đào tạo theo từng loại hình đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Riêng đối với các trường đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động trong giai đoạn 2014-2017 theo Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017, thực hiện đúng mức thu học phí quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm cơ chế tự chủ cho đơn vị;

Đảm bảo mức học phí bình quân của các ngành, nghề đào tạo (của chương trình đại trà) không vượt quá mức trần học phí bình quân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo kỹ năng và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác, cơ sở giáo dục chủ động tính toán và quy định mức thu học phí và có sự đồng thuận giữa người học và cơ sở giáo dục đào tạo, bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp do các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nhà nước quản lý trực tiếp, đơn vị chủ động xây dựng, quy định mức thu học phí theo các nhóm ngành, chuyên ngành phù hợp, trên cơ sở bù đắp chi phí đào tạo và báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ở trung ương thông qua trước khi thực hiện.

Đối với học phí đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo phương thức giáo dục thường xuyên, mức thu không được vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng cùng trình độ đào tạo, nhóm ngành, chuyên ngành và nghề đào tạo theo chương trình đào tạo đại trà tại cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chưa thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư quy định tại Nghị định số 86.

Các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện chương trình chất lượng cao chủ động xây dựng mức học phí phù hợp cùng với hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để bảo đảm đủ trang trải chi phí đào tạo, trình cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương thông qua trước khi thực hiện.

Học phí điều chỉnh hàng năm phải theo đúng lộ trình quy định tại Nghị định số 86, trong đó lưu ý thời điểm thực hiện tăng học phí không trùng với thời điểm tăng giá dịch vụ y tế tại địa phương để hạn chế tối đa tác động của việc tăng học phí đến chi số giá tiêu dùng.

Cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phải nghiêm túc thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với người học thuộc đối tượng miễn giảm học phí quy định tại Nghị định số 86. Hằng năm, phải thực hiện quyết toán đầy đủ, công khai, minh bạch kinh phí cấp bù học phí cho các đối tượng miễn giảm học phí theo quy định.

Riêng đối với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ phải thực hiện cấp học bổng đối với sinh viên xuất sắc, sinh viên giỏi và sinh viên là đối tượng chính sách. Thực hiện miễn, giảm học phí cho sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách và hỗ trợ phần chênh lệch giữa mức hỗ trợ của Nhà nước với mức học phí của nhà trường. Ưu tiên bố trí nơi ở cho sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách ở ký túc xá và thực hiện miễn, giảm tiền thuê ký túc xá và các chính sách ưu đãi khác tùy theo điều kiện của từng trường.

Các cơ sở giáo dục đào tạo phải cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo; xây dựng và công bố công khai chuẩn chất lượng đầu ra đối với sinh viên; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo công khai, minh bạch, đồng thời có cơ chế để cán bộ, giảng viên, người lao động, sinh viên và các tổ chức khác tham gia giám sát toàn bộ hoạt động của nhà trường./. 

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực