Khoa học không thể thành công nếu không có truyền thông

Thứ hai, 17/12/2018 16:38
(ĐCSVN) - Truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò quan trọng, góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới. Sứ mệnh của truyền thông KH&CN là làm sao truyền bá được văn hóa yêu khoa học đến với công chúng, xây dựng xã hội trọng khoa học và phát triển đất nước dựa vào KH&CN.
Các phóng viên tác nghiệp tại triển lãm Quốc tế Thiết bị & Công nghệ
Nông - Lâm - Ngư nghiệp 2018. (Ảnh minh họa: Bích Liên)

Theo các chuyên gia, nhiều nước trên thế giới đã chú trọng làm truyền thông KH&CN từ rất lâu, bài bản. Họ coi truyền thông KH&CN là một trong những động lực, điều kiện quyết định thành công của hoạt động KH&CN, cũng như đưa nhanh các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào cuộc sống.

Thực tế cho thấy, hướng đi của các nước này đã khẳng định sự đúng đắn khi hàng loạt kết quả nghiên cứu được toàn xã hội biết đến và khả năng ứng dụng vào thực tế rất cao.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN cho biết: Để trở thành nước có nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới chỉ với khoảng 25 triệu dân, Chính phủ Australia luôn đặt KH&CN là nền tảng, trong đó truyền thông KH&CN là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển KH&CN. Từ Thủ tướng Chính phủ đến người đứng đầu các cơ quan quản lý, tổ chức KH&CN, cơ quan truyền thông đại chúng, doanh nghiệp... đều ủng hộ công tác truyền thông KH&CN.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhu cầu của công chúng về truyền thông KH&CN ngày càng tăng xuất phát từ chính nhu cầu của cộng đồng khoa học và xã hội. Theo Burns - nhà nghiên cứu về truyền thông của Australia, truyền thông KH&CN có một phần quan trọng trong xã hội hiện đại. Hoạt động truyền thông KH&CN không chỉ đơn giản là việc các nhà khoa học nói nhiều hơn về công việc của họ hoặc tạo ra các sự kiện khoa học hấp dẫn, mà nó còn mang đến sự ủng hộ của công chúng cho hoạt động KH&CN.

Ở một khía cạnh khác, Bultitude - một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và quan hệ công chúng của Pháp lưu ý rằng, nhiều nhà khoa học tham gia hoạt động truyền thông KH&CN là do yêu cầu xã hội, chứ không phải do thể chế, và lý do phổ biến nhất khi thông tin KH&CN được cung cấp bởi chính các nhà khoa học là đảm bảo rằng công chúng có được thông tin tốt hơn về KH&CN.

Tại nhiều nước phát triển như Anh, Pháp, Đức…, ngoài việc thành lập các trung tâm truyền thông KH&CN, họ còn thiết lập các hiệp hội - bao gồm cả nhà báo và nhà khoa học - cùng làm việc, gặp gỡ để hiểu biết về nhau hơn. Đặc biệt, các quốc gia này đã chú trọng tới việc đào tạo các nhà khoa học tương lai như học sinh, sinh viên những kỹ năng truyền thông.

Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng phát triển KH&CN, đưa KH&CN trở thành động lực then chốt để phát triển đất nước bền vững. Trong đó, công tác truyền thông KH&CN có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển KH&CN; thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới, điển hình là những ứng dụng KH&CN góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội…

Theo Bộ KH&CN, hoạt động truyền thông KH&CN tại các địa phương là một bộ phận cấu thành hoạt động truyền thông KH&CN của cả nước. Trong thời gian qua, hoạt động này đã có bước tiến đáng kể trong việc thu thập, lưu giữ và tổ chức khai thác các nguồn thông tin tư liệu KH&CN một cách hiệu quả, đã tuyên truyền, giới thiệu về công tác quản lý, nghiên cứu khoa học; kết quả thực hiện các dự án, đề tài KH&CN đã được nghiệm thu và triển khai thực hiện đạt kết quả ở địa phương…

Theo ông Trần Đình Tuấn - Giám đốc Trung tâm thông tin KH&CN cho biết: Thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đã đồng hành cùng với Trung tâm Thông tin KH&CN, tích cực và tăng cường tuyên truyền hoạt động KH&CN của thành phố, các cơ chế chính sách về KH&CN của Trung ương và địa phương về KH&CN. Các thành tựu nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN góp phần đưa KH&CN vào cuộc sống, đến gần với người dân, doanh nghiệp, giúp cho hoạt động KH&CN ngày càng có tác động cụ thể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Ông Trần Quang Tuấn cũng khẳng định hiệu quả của truyền thông được đánh giá trên 2 chỉ số quan trọng: chỉ số định tính (đánh giá sự tác động của truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về KH&CN và tạo được hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong xã hội) và chỉ số  định lượng (thông qua số lượng các tin, bài, phóng sự, hội thảo chuyên sâu, triển lãm…) cho thấy công tác truyền thông KH&CN đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo được chỗ đứng xứng đáng trong xã hội giúp nâng tầm, đưa KH&CN ngày càng trở nên có giá trị hơn, góp phần thay đổi nhận thức của toàn xã hội về KH&CN, thấy KH&CN thực sự là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển. 

Không thể phủ nhận vai trò của báo chí là cánh tay nối dài đưa KH&CN đến với công chúng. Thế nhưng, con đường đưa báo chí trở thành cầu nối truyền thông không hề dễ dàng khi tiếp cận lĩnh vực này, đòi hỏi các nhà báo cần có hiểu biết chuyên sâu về KH&CN để chuyển tải những nội dung vốn khô khan trở thành vấn đề dễ hiểu, hấp dẫn với độc giả. Đây là một trong những thách thức của truyền thông KH&CN cần được đẩy mạnh và đổi mới hơn nữa trong thời gian tới./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực