Hơn 5.800 cơ sở khám, chữa bệnh chưa chuyển dữ liệu lên Cổng dữ liệu y tế

Thứ năm, 16/03/2017 14:35
(ĐCSVN) - Ngày 16/3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai “Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế năm 2017” tại các điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố.

Hội nghị trực tuyến triển khai “Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh,
 chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế năm 2017”  tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Đỗ Thoa

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2017 tổ chức ngày 12/01/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, thực hiện kết nối liên thông toàn bộ hệ thống khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế để thuận lợi trong việc thanh toán và giám định BHYT, cũng như tạo điều kiện thuận tiện trong việc khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân.

Trước những yêu cầu về thực tiễn cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và giám định, thanh toán khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với BHXH Việt Nam, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT.

Cụ thể, Bộ Y tế đã ban hành Bộ mã Danh mục dùng chung, phiên bản số 4 và đang chuẩn bị ban hành phiên bản số 5. Bộ Y tế cũng đang hoàn tất Quyết định ban hành chuẩn dữ liệu đầu ra phù hợp với các Cổng tiếp nhận dữ liệu, giúp các cơ sở KCB chỉ phải áp dụng, thực hiện theo một chuẩn; đồng thời, hướng dẫn cơ sở KCB trích xuất dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT theo chuẩn dữ liệu đầu ra để chuyển lên Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế và Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: Mặc dù dữ liệu KCB bảo hiểm y tế giữa cơ sở khám, chữa bệnh đã kết nối với hệ thông tin giám định của cơ quan bảo hiểm xã hội nhưng chất lượng dữ liệu còn hạn chế và việc gửi dữ liệu chưa thường xuyên, liên tục. Chính vì vậy, tại hội nghị, các đại biểu cần tập trung trao đổi, thảo luận tích cực, thẳng thắn, trách nhiệm về các nội dung liên quan đến Kế hoạch triển khai năm 2017. Sau khi kết thúc hội nghị, từng địa phương, đơn vị xây dựng được kế hoạch thực hiện chi tiết và sớm triển khai các hoạt động cụ thể của kế hoạch để hoàn thành việc kết nối, liên thông dữ liệu theo đúng lộ trình...

Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế năm 2017 tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng cơ chế tài chính vận hành Hệ thống thông tin quản lý khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tăng cường công tác đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về công nghệ thông tin; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát...

Theo đó, lộ trình thực hiện kết nối, liên thông là: 100% cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và tuyến Trung ương liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo thực hiện gửi dữ liệu điện tử thường xuyên, liên tục phục vụ giám định điện tử trước ngày 30/6/2017; 100% cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện liên thông dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo gửi dữ liệu điện tử thường xuyên, liên tục phục vụ giám định điện tử trước ngày 31/8/2017...

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến tháng 2/2017, tỷ lệ kết nối liên thông dữ liệu trên toàn quốc đạt 94%, trong đó có một số tỉnh đạt thấp như: Thanh Hóa (69%), Bắc Ninh (81%), Hải Phòng (80%)…

Tỷ lệ hồ sơ gửi đúng ngày trên toàn quốc trung bình mới chỉ đạt 41%, trong đó một số tỉnh có số lượng hồ sơ gửi đúng ngày thấp như: Hải Phòng (25%), Thừa Thiên - Huế (24%), TP Hồ Chí Minh (20%), Quảng Ngãi (21%), Bình Định (20%), Bình Dương (22%), Khánh Hòa (21%)… Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội cũng mới chỉ đạt 8%, các bệnh viện trực thuộc Bộ tại TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 4%.

Còn theo số liệu thống kê tại Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế, tính đến tháng 2/2017, đã có 7.758/13.568 cơ sở KCB (57,2%) chuyển dữ liệu lên Cổng dữ liệu y tế (Bộ Y tế). Trong đó có 6.905 cơ sở KCB (chiếm 50,89%) triển khai phần mềm VNPT-HIS, 853 cơ sở KCB (chiếm 6,29%) triển khai phần mềm KCB khác, còn lại 5.810 cơ sở KCB (chiếm 42,82%) chưa thực hiện chuyển dữ liệu KCB lên Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc chủ yếu nêu trên là do hệ thống dữ liệu danh mục dùng chung (DMDC) ngành y tế còn chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện do các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế thường xuyên bổ sung, thay đổi, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị trong triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn quốc. Bộ mã DMDC sẽ đang thường xuyên, liên tục được bổ sung, cập nhật, chuẩn hóa.

Cùng với đó, một số văn bản hướng dẫn do BHXH Việt Nam ban hành chưa thống nhất với Bộ Y tế, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, dẫn đến khi triển khai áp dụng gây lúng túng, khó khăn cho các cơ sở y tế. Ví dụ như: Yêu cầu các cơ sở KCB gửi dữ liệu khám chữa bệnh trong ngày đối với bệnh nhân kết thúc điều trị là chưa phù hợp với quy chế chuyên môn bệnh viện, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Phần mềm quản lý khám, chữa bệnh (HIS) đang sử dụng tại các cơ sở KCB do nhiều doanh nghiệp CNTT cung cấp, nhiều phần mềm không được chỉnh sửa, cập nhật kịp thời để đáp ứng được với yêu cầu trích xuất dữ liệu theo các biểu mẫu thanh quyết toán BHYT theo quy định.

Bên cạnh đó, các cán bộ y tế chủ yếu được đào tạo về chuyên môn y khoa, nhưng ít được đào tạo về CNTT, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở nguồn nhân lực CNTT vừa yếu về chuyên môn thực hành CNTT và thiếu về số lượng, chưa đáp ứng trước yêu cầu triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế…/. 

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực