Hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục ở Hậu Giang

Thứ tư, 15/02/2017 16:27
Hiện nay, tỉnh Hậu Giang cơ bản không còn tình trạng thiếu phòng học hoặc phòng học tạm bợ; đội ngũ giáo viên không ngừng được bổ sung, đạt chuẩn về số lượng và chất lượng. Kết quả này là do Hậu Giang đã thực hiện khá tốt công tác xã hội hóa giáo dục.

Tại hội nghị sơ kết công tác xã hội hóa giáo dục được tỉnh Hậu Giang tổ chức ngày 15/2, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho biết: Trong 3 năm từ 2013 đến 2016, tỉnh đã nhận được trên 250 tỷ đồng, đóng góp của các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp, hỗ trợ cho việc xã hội hóa giáo dục. 


Các tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Duy Khương – TTXVN

Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm công tác tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm đóng góp, hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của địa phương; quan tâm hỗ trợ giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời động viên, tiếp sức nhiều giáo viên, học sinh yên tâm giảng dạy, học tập. Nhờ đó trong 3 năm qua, công tác huy động học sinh tới trường luôn vượt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ học sinh bỏ học chỉ còn mức dưới 1%. 

Thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, thời gian qua, Hậu Giang đã vận động xây dựng mới hoặc sửa chữa trường lớp học, phòng chức năng và một số công trình phụ trợ khác; vận động hỗ trợ sửa chữa, mua sắm các trang thiết bị phục vụ dạy học; vận động nhân dân hiến đất để xây dựng trường lớp học, công trình phụ trợ trong trường học. Các tổ chức và cá nhân đã đóng góp gần 200 tỷ đồng để xây mới hoặc sửa chữa trường, lớp học; hỗ trợ các trường học mua sắm trang thiết bị trị giá gần 10 tỷ đồng. 

Theo ông Lê Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, trong 3 năm 2013 – 2016, huyện đã vận động xã hội hóa giáo dục được trên 55 tỷ đồng. Riêng năm 2016 huyện vận động xã hội hóa giáo dục được hơn 25 tỷ đồng. 

Bà Trần Thị Hết ở khu vực 2, phường 3, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, vừa làm xong thủ tục hiến hơn 2.500 m2 để mở rộng, xây dựng trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Bà Hết cho biết khi được vận động hiến đất mở rộng trường cho con em tại địa phương, bà đã bàn với chồng và quyết định hiến đất của gia đình để mở rộng trường học ở địa phương. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết: Thời gian tới tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để toàn xã hội nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn. Tỉnh tiếp tục thực hiện việc xã hội hóa trên tất cả các mặt của lĩnh vực giáo dục và đào tạo. 

Hậu Giang cũng nhân rộng và phát huy các mô hình mới, hiệu quả trong xã hội hóa giáo dục như: Mô hình đỡ đầu trường học, đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn; tiếp tục thực hiện hiệu quả và đi vào chiều sâu phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Tỉnh cũng kêu gọi đầu tư từ các nguồn đóng góp của toàn xã hội và có các chính sách thu hút đầu tư phát triển các loại hình giáo dục đào tạo ngoài công lập... 

Đến đầu năm 2017, toàn tỉnh Hậu Giang có 339 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông; 7 trung tâm giáo dục thường xuyên và 76 trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn. Số học sinh từ cấp mầm non đến trung học phổ thông là hơn 160.000 học sinh./. 

Duy Ba/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực