Giáo viên - người chèo thuyền trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục

Thứ hai, 20/11/2017 09:16
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang được đẩy mạnh, việc đặt ra những yêu cầu đổi mới về vai trò của đội ngũ nhà giáo ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt khi mục tiêu giáo dục là hình thành nhân cách và phát triển các năng lực cá nhân cho người học.

Thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 1,2 triệu giáo viên, trong đó công lập 769.070 giáo viên (mầm non: 294.673, tiểu học: 392.554, trung học cơ sở: 309.368, trung học phổ thông: 137.475). Tổng số cán bộ quản lý cấp học mầm non, phổ thông là 149.100 người, trong đó cán bộ quản lý phổ thông, mầm non là 133.200; khối phòng, sở, Bộ là 15.900.

 

Phần lớn trong số này là những giáo viên hết lòng vì học trò, tận tâm tận lực, đi đầu trong đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều cải tiến, sáng kiến trong việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, luôn trau dồi năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Tất cả góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực cho sự nghiệp giáo dục, hướng tới một nền giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX. Họ đã thắp lên ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo, góp phần trong công cuộc đổi mới giáo dục của đất nước.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: VA

Đó là cô Nguyễn Thị Thúy Nga, dạy lớp chuyên Địa tại Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương). Với hơn 10 năm trong nghề, cô đã đào tạo hơn 50 học sinh giỏi Địa lý quốc gia khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ, là người đầu tiên thực hiện thành công dạy Địa lý bằng tiếng Anh. Xuất phát từ thực tế, trong Địa lý có màu sắc của nhiều môn học khác như Sử, Sinh, Anh, lại là học sinh chuyên ngữ thời cấp 2, nên cô Nga đã nảy sinh ý tưởng dạy Địa lý bằng tiếng Anh vừa để tăng cường phương pháp dạy học tích hợp liên môn, vừa cổ động phong trào học Ngoại ngữ trong học sinh.

 

Được Sở GD&ĐT Hà Nội trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”, nhưng thầy Nguyễn Cao Cường (Trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội) tự nhận mình may mắn hơn các giáo viên khác, bởi hàng ngày có rất nhiều thầy, cô vẫn âm thầm sáng tạo và truyền lửa đam mê cho học trò. Mặc dù nhận khá nhiều giải như: Giải Nhì cấp Thành phố và giải Ba cấp quốc gia cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E-leaning 2016, nhưng thầy Cường khá khiêm tốn: “Đây chỉ là sự sáng tạo nho nhỏ trong quá trình dạy học của mình”. Có thể thấy, với sự say mê sáng tạo, cống hiến, thầy Cường đã giúp ích rất nhiều cho học sinh (HS). Với cách thiết kế bài giảng E-learning của thầy, HS có thể học bất cứ nơi đâu, lúc nào bằng thiết bị internet một cách hiệu quả, hứng thú.

 

Với cương vị là người đứng đầu ngành Giáo dục của một trong những huyện nghèo nhất cả nước, cô Nông Thị Loan - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bảo Lạc, Cao Bằng đã có sáng kiến bằng cách rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học, đưa các điểm trường lẻ, lớp lẻ về điểm trường chính theo hướng thành lập mới hoặc chuyển đổi các trường phổ thông thành trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú. Sáng kiến của cô trong 5 năm qua (2012-2017) đã chuyển đổi 100% các trường THCS vùng đặc biệt khó khăn thành trường PTDT bán trú; đối với tiểu học giảm 50 điểm trường lẻ, giảm 72 lớp ghép, dư ra 140 biên chế giáo viên để bố trí cho các trường, điểm trường còn thiếu, sử dụng hiệu quả biên chế được giao; dư thừa phòng học chuyển giao thành lớp học mầm non, nhà công vụ, nhà văn hóa xóm, giúp cho ngân sách Nhà nước tiết kiệm khoảng 50 tỉ đồng.

 

Không chỉ có những thầy cô đi đầu trong “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, thì trong công cuộc đổi mới giáo dục còn ghi nhận sự đóng góp của nhiều thầy cô giáo bất chấp những khó khăn, vất vả của cuộc sống thường ngày để hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ đảm nhận công việc của người thầy trên bục giảng, nhiều thầy cô còn là những người cha, người mẹ, người anh, người chị dìu dắt, động viên, trang bị kiến thức, rèn luyện nhân cách, đạo đức, định hướng cho thế hệ trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo để mai sau là người có ích cho quê hương, đất nước. Các thầy cô còn là người duy trì và giữ gìn tình yêu biển, đảo, nâng cao nhận thức về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Hơn chục năm gắn bó với đồn biên phòng huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Thiếu tá Phạm Công Khanh được giao nhiệm vụ là người trực tiếp tham gia dạy xóa mù cho người dân xã Bản Vược. Thời gian 2 năm 3 tháng gắn bó với lớp học đã để lại cho anh Khanh nhiều kỷ niệm sâu sắc, hơn cả là anh đã được gần hơn với người dân, hiểu hơn nỗi khó khăn, vất vả, từ miếng cơm manh áo tới ước ao được học cái chữ của người dân nơi đây.

 

28 năm công tác tại đồn biên phòng tỉnh Đắk Lắk, Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng Ban Vận động quần chúng đã gắn bó và chứng kiến nhiều những hoàn cảnh khó khăn của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên nhưng hình ảnh những đứa trẻ chạy bộ đến trường giữa nắng gió đã ám ảnh anh để anh đi đến quyết định, xin từng chiếc đạp cũ để sửa chữa lại tặng các em. Đến nay, đã có 96 chiếc xe đạp cũ được anh tự tay sửa chữa để tặng cho 96 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với anh Nguyễn Hữu Phúc, đây là việc làm rất nhỏ bé nhưng đó là tình cảm của anh dành cho nhân dân vùng biên giới, đặc biệt là các em học sinh, tiếp thêm niềm tin, niềm vui đến trường cho các em.

 

Theo Bộ GD&ĐT, đội ngũ giáo viên phổ thông nước ta hiện nay đã cơ bản đủ về số lượng, có đủ các thành phần theo môn học; gần 100% đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, có tinh thần trách nhiệm và đạo đức tốt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

 

Mục tiêu giáo dục theo tinh thần đổi mới là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Bằng các giải pháp đồng bộ như đổi mới trong khâu kiểm tra, đánh giá, thi cử vừa qua, Bộ GD&ĐT đang nỗ lực “đánh tan” sức ỳ, tư duy cũ, ngại đổi mới của bộ phận không nhỏ thầy cô giáo trong ngành Giáo dục. Sự đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đang dần dần thay đổi phương pháp dạy cũ – học theo kiểu “thầy chép, trò ghi, thi học thuộc" - được xem là lực cản đối với công cuộc đổi mới nền giáo dục - sang phương pháp dạy mới lấy người học làm trung tâm. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho học sinh cách thu nhận kiến thức một cách chủ động, tích cực, hỗ trợ học sinh giải đáp những thắc mắc khi cần thiết.

 

Hiện Bộ GD&ĐT đang rốt ráo triển khai tích cực Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đòi hỏi giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng chia sẻ, nếu thầy cô giáo không đổi mới phương pháp dạy học thì chương trình, sách giáo khoa có hay đến mấy, học sinh vẫn không phát triển được năng lực. Nếu như vậy, có thể xem tiến trình đổi mới giáo dục thất bại. Do đó hơn bao giờ hết, mỗi giáo viên giờ đây phải là người tiên phong trong tiến trình đổi mới.

 

Đất nước ta tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; do vậy đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao có thể đáp ứng yêu cầu thời đại. Điều này đặt ra cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo với vị trí, vai trò là quốc sách hàng đầu phải đi trước một bước. Lúc này, vai trò của người thầy càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết!./.

Lê Phương Linh

Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong - Hà Nội

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực