Đồng Nai: Sẽ hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ tư thục

Thứ bảy, 09/12/2017 15:40
(ĐCSVN) – Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, Uỷ ban nhân dân tỉnh này đã đề xuất trong năm 2018 sẽ thực hiện hỗ trợ đầu tư 50 nhà vệ sinh, 37 nhà bếp, trang thiết bị đồ chơi, đồ dùng cho 71 nhóm trẻ.

 

Một nhà trẻ ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa (Nguồn: Báo Đồng Nai)


Theo đó, năm 2018, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đề xuất thực hiện hỗ trợ đầu tư 50 nhà vệ sinh, 37 nhà bếp, trang thiết bị đồ chơi, đồ dùng cho 71 nhóm trẻ. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ 20 nhóm trên địa bàn xã Hóa An và phường Long Bình (TP.Biên Hòa); còn lại hỗ trợ cho các địa phương khác.

Đối tượng được hỗ trợ là các nhóm trẻ tư thục được cấp giấy phép hoạt động theo quy định và có trông giữ trẻ dưới 36 tháng tuổi tại các khu vực có nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, điều kiện hỗ trợ nhóm trẻ có quy mô từ 20 trẻ đến không quá 50 trẻ và có số lượng trẻ dưới 36 tháng tuổi đạt ít nhất 30%; phải có bếp ăn riêng, không dùng chung với hộ gia đình, có đủ diện tích đất để sửa chữa nhà vệ sinh đảm bảo đúng theo quy định, có đủ diện tích đât để sửa chữa bếp ăn thành bếp ăn đúng quy định; cơ sở cam kết đảm bảo hoạt động lâu dài từ 5 năm trở lên sau khi được hỗ trợ…

Nội dung, mức hỗ trợ cụ thể là hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng, sửa chữa khu vệ sinh 40 triệu đồng/nhóm/lần; kinh phí xây dựng, sửa chữa khu vực bếp: 18 triệu đồng/nhóm/lần; hỗ trợ một phần kinh phí trang thiết bị dạy học 41,8 triệu đồng/nhóm/lần.

Được biết, tỉnh Đồng Nai có ngành công nghiệp phát triển mạnh nên tập trung nhiều công nhân đến sinh sống và làm việc, trong năm học 2017 – 2018, tỉnh có gần 172.000 học sinh mầm non nhưng hiện trên địa bàn chỉ có hơn 290 trường mầm non công lập và ngoài công lập, đáp ứng được khoảng 50.000 trẻ, tức chỉ gần 1/3 so với nhu cầu.

Do nhu cầu bức thiết trên, nhiều nhóm trông trẻ tự phát đã hình thành, trong đó có những nhóm trẻ không được cấp phép hoạt động. Theo thống kê của ngành giáo dục Đồng Nai, năm học 2017 – 2018, trên địa bàn tỉnh có gần 920 nhóm, trong đó 870 nhóm được cấp phép và 46 nhóm không có phép.

Do tỉnh có nhiều khu công nghiệp, con em công nhân đông, trường công không đáp ứng nhu cầu nên việc gia tăng các nhóm trông trẻ là điều không thể tránh khỏi. Ngành giáo dục Đồng Nai cho biết cũng khuyến khích phát triển mô hình hoạt động của nhóm trông trẻ nhưng các phải đáp ứng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đủ, đảm bảo đạt chuẩn.

Song trên thực tế, nhiều nhóm trông trẻ dù không đạt chuẩn nhưng vẫn hoạt động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ, đặc biệt là vấn đề vệ sinh. Trung bình mỗi cơ sở chỉ nhận trông tối đa 7 trẻ. Các phòng giữ trẻ chủ yếu được ngăn tại nhà riêng, thậm chí sử dụng cả phòng trọ thành nhà trẻ. Trung bình mỗi phòng chỉ khoảng 20m2 vừa là nơi ở, sinh hoạt của gia đình, vừa là nơi trông trẻ. Vì vậy, hầu hết trẻ không được trong coi cẩn thận, tự chơi, đến bữa được xếp hàng cho ăn, không được chú trọng về vấn đề vệ sinh, thậm chí các trẻ phải dùng chung khăn mặt, đồ đạc...

Các giáo viên chủ yếu được đào tạo ngắn hạn, có nơi không được đào tạo, hoặc được đào tạo nhưng không sâu về chuyên môn, thiếu thực tế, năng lự  nên rất khó đảm bảo việc trông nom, dạy dỗ, đặc biệt là vấn đề giữ vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về các loại dịch ở trẻ nhỏ; một số giáo viên không được rèn giũa về đạo đức nghề nghiệp nên đôi khi mất khả năng kiểm soát dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em mà thực tế đã xảy ra do báo chí phát hiện.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã chủ trương kêu gọi xã hội hóa để xây dựng các trường mầm non. Đã có một số doanh nghiệp, khu công nghiệp tự đầu tư, xây dựng nhà trẻ phục vụ con em công nhân nhưng vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế./..

NS

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực