Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Việt Nam

Thứ tư, 11/10/2017 17:28
(ĐCSVN)- Ngày 11/10, tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Đại học Waikato (New Zealand) phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Việt Nam”.

Hội thảo quốc tế “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Việt Nam”

Ảnh: VA

Đây là diễn đàn để các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giáo viên mầm non thảo luận về các chính sách phát triển giáo dục mầm non trong bối cảnh đổi mới.


Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Trần Công Phong, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định: Trẻ em cần được chăm sóc và giáo dục toàn diện ngay từ những năm tháng đầu đời, do đó, cần phải có chương trình giáo dục mầm non phù hợp với đặc điểm, nhu cầu phát triển ở các độ tuổi. Việc này cần sự chung tay, vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội, nhà trường, đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ...


GS.TS Trần Công Phong cho hay, trong hoàn cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, việc học hỏi các mô hình giáo dục mầm non tiên tiến của nhiều nước, từ đó tránh được sai lầm, lạc hậu, nhanh chóng khắc phục rào cản, hạn chế, vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm trong đổi mới giáo dục mầm non các nước vào thực tiễn Việt Nam là giải pháp quan trọng, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra ở bậc học mầm non nước ta.


Tại hội thảo, các đại biểu tập trung tham luận, thảo luận về 2 chủ đề chính: Chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; đổi mới nội dung, phương pháp chăm sóc, giáo dục và đánh giá trẻ trong chương trình giáo dục mầm non.


Đề cập đến Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết: Phổ cập giáo dục mầm non ở trẻ 5 tuổi đã được chính thức đưa vào Luật Giáo dục năm 2009. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của giáo dục mầm non Việt Nam trong hơn 70 năm qua. Ngày 9/2/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 -2015.


Trong hơn 6 năm qua, Đề án đã đi vào cuộc sống, có tác động sâu sắc, toàn diện đến phát triển của giáo dục mầm non. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân và Giáo dục mầm non có chuyển biến tích cực; việc đầu tư nguồn lực cho Giáo dục mầm non, nhất là mẫu giáo 5 tuổi từng bước được chú trọng; cơ sở vật chất, trường lớp, môi trường cảnh quan trường học được cải thiện; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng… Đến tháng 4/2017, cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.


Chia sẻ chính sách về chăm sóc và giáo dục mầm non ở Đan Mạch, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Anh, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh cho hay, các cơ quan Nhà nước bao gồm các Bộ, ngành, địa phương và gia đình… có trách nhiệm chung trong việc tạo ra một khuôn khổ xã hội tốt và cung cấp những điều kiện vật chất tốt nhất cho các gia đình, đồng thời có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn cho phụ huynh đáp ứng các nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với con trẻ, bảo vệ trẻ em và Ủy ban Trẻ em liên Bộ. Hội đồng Trẻ em với chức năng là “cơ quan giám sát”, theo dõi việc thực hiện công ước của Liên hợp quốc tại Đan Mạch.


PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Trung tâm nghiên cứu Giáo dục mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, Bộ Chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được ban hành từ năm 2010 nhằm mục đích nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non Việt Nam. Bộ chuẩn có 4 lĩnh vực, 28 chuẩn và 120 tiêu chí bao trùm các lĩnh vực phát triển của trẻ 5 tuổi.


PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh cho biết thêm, sau 5 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tiến hành đánh giá về tính phù hợp của Bộ Chuẩn với thực tiễn Giáo dục mầm non hiện nay. Kết quả nghiên cứu khẳng định: Bộ Chuẩn phù hợp với nội dung giáo dục trong Chương trình Giáo dục mầm non, về cơ bản các chỉ số trong Bộ Chuẩn phù hợp với sự phát triển của trẻ mầm non 5 tuổi ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn nhiều rào cản, chưa đảm bảo cho Bộ Chuẩn thực hiện hiệu quả. Thời gian tới, Bộ Chuẩn sẽ được nâng cao theo hướng đảm bảo sự tham gia tích cực của trường mầm non, gia đình và cộng đồng trong sử dụng Bộ Chuẩn./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực