Đến năm 2025, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đạt 74,5 tuổi

Thứ tư, 18/10/2017 08:00
(ĐCSVN) - Cuối giờ chiều 17/10, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trao đổi thông tin với báo chí liên quan đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; về công tác dân số trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình thông tin tại cuộc họp. (Ảnh: Đỗ Thoa)

Theo Bộ Y tế, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã cơ bản thông qua dự thảo Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết đã đánh giá các kết quả quan trọng đạt được trong thời gian qua, đưa ra các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, đúc rút 5 quan điểm, mục tiêu, 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho thời gian tới.

Một trong những nội dung được quan tâm là mục tiêu đến năm 2025, tuổi thọ trung bình của người dân nước ta là 74,5 tuổi. Hiện, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam là 73,4 tuổi.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới là nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế “Thầy thuốc như mẹ hiền”, có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, tuổi thọ trung bình của người dân đạt khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%. Phấn đấu đến năm 2025, 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế xã phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%. Tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới mức 12%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167cm, nữ 156 cm. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu là 95% với 12 loại vắc xin. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em: dưới 5 tuổi còn 18,5‰; dưới 1 tuổi còn 12,5‰.

Chia sẻ thông tin về Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình hình mới, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Với quan điểm tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, Nghị quyết đặt ra 8 nhóm mục tiêu đến năm 2030, đó là:

- Duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người. Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn.

- Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người.

- Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt 22%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt 11%; tỷ số phụ thuộc chung đạt 49%.

- Tỷ lệ nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

- Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung.

- Chiều cao người Việt Nam 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm. Chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

- Tỷ lệ dân số đô thị đạt trên 45%. Bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

- 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, điểm mới của Nghị quyết lần này là đã đổi mới nội dung tuyên truyền vận động về công tác dân số. Cục thể là đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục trong việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang chính sách dân số và phát triển. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, chú trọng nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tạo phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe. Đổi mới toàn diện, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực