Đà Nẵng chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Thứ ba, 17/09/2019 21:59
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Đà Nẵng quan tâm đến công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các khu vực có đông người như bệnh viện, trường học, chợ và trụ sở các cơ quan đơn vị hành chính, các doanh nghiệp, khu vực các khu công nghiệp…

Sáng 17/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết và làm việc với UBND thành phố về tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện nay.

Trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các khu vực dân cư thuộc phường An Hải Đông (quận Sơn Trà), đồng thời qua tìm hiểu công tác phòng, chống dịch của phường cũng như qua báo cáo trạm y tế và  của cộng tác viên y tế cơ sở tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận xét, công tác tác phòng chống dịch sốt xuất huyết được tuyến cơ sở ở TP Đà Nẵng làm khá tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp kiểm tra công tác phòng,
chống dịch sốt xuất huyết tại phường An Hải Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng) sáng 17/9
(ảnh: Đình Tăng)

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng yêu cầu cần hướng dẫn kỹ hơn để người dân nâng cao ý thức và tự giác thường xuyên trong phòng chống dịch, nhất là thực hiện có hiệu quả khẩu hiệu “không có loăng quăng, không có sốt xuất huyết”; đồng thời, ngoài việc lập úp các vật dụng, phế liệu chứa nước trong khu vực dân cư, Đà Nẵng nên phát động thả cá vào các hồ, vật dụng chứa nước lớn để cá ăn loăng quăng.

Ngay sau đi kiểm tra thực tế ở cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng về tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP hiện nay.

Xử lý triệt để 4.257 ca bệnh, 435 ổ bệnh

Báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết: Từ đầu năm đến ngày 15/9, toàn TP ghi nhận 4.257 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,73 lần so với cùng kỳ năm 2018 (1.795 ca), đứng thứ 3 trong khu vực 11 tỉnh, thành miền Trung về số ca mắc. Các địa phương ghi nhận số ca mắc cao là Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu, Sơn Trà (trên 500 ca).

Số ca mắc sốt xuất huyết năm 2019 gia tăng tại tất cả 7/7 quận, huyện của TP, dao động tăng từ 1,65 lần đến 3,36 lần so với cùng kỳ năm 2018. Các quận, huyện có mức tăng so với cùng kỳ 2018 cao là Hòa Vang, Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà (trên 2 lần).

Tỷ lệ  mắc bệnh sốt xuất huyết trên 100.000 dân tại Đà Nẵng là 378 ca, tăng 2,35 lần so với cùng kỳ 2018 (161 ca) dao động từ 287 ca đến 458 ca tại các quận, huyện.

Bên cạnh số ca bệnh mắc phải được ghi nhận, theo Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, đến nay, Đà Nẵng cũng đã ghi nhận 435 ổ dịch tăng 2,86 lần so với cùng kỳ 2018. Tỷ lệ ổ dịch trên số ca bệnh là 10,22%. Các quận, huyện có tỷ lệ ổ dịch/số ca bệnh cao là Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Hòa Vang (trên 11%).

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trao đổi với cán bộ y tế
và cộng tác viên y tế cơ sở về công tác phòng, chống dịch sốt huyết
(ảnh: Đình Tăng)

Theo đại diện Sở Y tế TP Đà Nẵng, nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và gia tăng là do biến đổi khí hậu và hiện Đà Nẵng đang bước vào mùa mưa, khí hậu ẩm đã tạo điều kiện cho véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển. Ý thức của một bộ phận người dân trong việc diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi chưa cao và phối hợp chưa tốt với ngành Y tế. Cạnh đó, lực lượng cộng tác viên y tế tại một số địa phương chưa thực sự tích cực…

Ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND TP chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch cả trước và sau khi có dịch. Đến nay, ngành Y tế đã xử lý triệt để 4.257 ca bệnh, 435 ổ bệnh theo đúng quy trình; điều tra, phân tích, kịp thời ra quân diệt loăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại 222 khu vực có nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết cao. Thành phố đã phun hóa chất diệt muỗi tại 439 cơ sở giáo dục, bến xe Trung tâm thành phố và một số chợ, khu vực công cộng… có nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết cao.

UBND thành phố đã phát động 02 chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy và  lồng ghép với công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh; thành lập đội ngũ cộng tác viên dân số y tế với 1.809 người, trực tiếp đến nhà tuyên truyền các biện pháp chống bệnh sốt xuất huyết, kiểm tra và vận động người dân diệt loăng quăng, bọ gậy. Mỗi xã, phường đã thành lập 3-5 đội xung kích phòng chống sốt xuất huyết.

Công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống sốt xuất huyết cũng được TP chú trọng, đặc biệt UBND TP đã giao lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo 7 quận, huyện ký cam kết về công tác phòng, chống sốt xuất huyết; tổ chức tuyền thông trực tiếp lẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng; điều tra, giám sát, xử lý dứt điểm các ổ dịch; xử lý các các khu vực dân cư, cơ quan, trường học có nguy cơ bùng phát dịch cao; tổ chức ký cam kết  về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết  giữa 06 Chủ tịch UBND phường, xã điểm với hơn 35.000 hộ gia đình; ra quân diệt loăng quăng trên địa bàn toàn TP và phát huy vai trò của lực lượng cộng tác viên y tế cơ sở, đội xung kích; tổ chức 6 lớp tập huấn về phòng chống sốt xuất huyết cho cộng tác viên y tế cơ sở và 2 lớp tập huấn về chẩn đoán, điều trị và chăm sóc, theo dõi bệnh nhân sốt xuất huyết cho cán bộ y tế quận, huyện, các bệnh viện trên địa bàn.

Riêng các bệnh viện tại Đà Nẵng, Sở Y tế chỉ đạo xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị, thuốc men phục vụ công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết; thành lập các tổ phòng, chống dịch để sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra; xây dựng phương án đảm bảo công tác chuyên môn phục vụ bệnh nhân trong mùa cao điểm….

Quang cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng và thành viên
Đoàn công tác Bộ Y tế với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng sáng 17/9
(ảnh: Đình Tăng)


Chú ý khả năng dịch lây lan theo người di cư, đi du lịch 

buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của Đà Nẵng trong công tác chỉ đạo và triển khai các mặt công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết thiết thực, hiệu quả, đảm bảo yêu cầu tình hình thực tế dịch bệnh trên địa bàn. Đặc biệt, Đà Nẵng đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo có liên quan của Cục Y tế dự phòng, nhất là đã tuyên truyền và ra quân diệt loăng quăng, phun muỗi trưởng thành; xây dựng đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích trực tiếp đến các địa bàn dân cư để tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức trong phòng, chống dịch…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tuyến cũng lưu ý, Đà Nẵng là TP du lịch và là trung tâm kinh tế- văn hóa- xã hội của khu vực và cả nước. Do đó TP cần chú ý khả năng dịch lây lan theo người di cư, đi du lịch từ các vùng miền khác và nhất là từ các nước có dịch trong khu vực và trên thế giới đi du lịch mang dịch bệnh vào.

Thời gian qua, Đà Nẵng quan tâm đến công tác phòng dịch, nhất là trong việc phun hóa chất, diệt loăng quăng ở những khu vực đất trống là không cần thiết mà nên chú trọng, ưu tiên tại các khu vực có đông người như bệnh viện, trường học, chợ và trụ sở các cơ quan đơn vị hành chính, các doanh nghiệp, khu vực các khu công nghiệp….

Về chuyên môn, Bộ trưởng lưu ý, Đà Nẵng cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy trình; phải phối hợp mọi nguồn lực để đáp ứng công tác phòng, chống dịch có hiệu quả; kiên quyết không để dịch bệnh kéo dài, lan rộng và chủ động hơn nữa trong truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về dịch sốt xuất huyết, nhất là tránh tình trạng truyền thông chỉ tập trung “khu vực giường bệnh” mà thiếu quan tâm, hướng dẫn người dân phải làm gì khi có dịch. Đặc biệt là vận động người dân tích cực diệt loăng quăng, bọ gậy với những hình thức phù hợp như lật úp các chai lọ, vật dụng chứa nước khu vực xung quanh nhà ở, vườn rào; thả cá vào hồ, vật chứa nước để bắt loăng quăng…

TP cần tiếp tục phát huy vai trò phối hợp liên ngành cũng như đội ngũ cộng tác viên y tế, xung kích và các tổ trưởng tổ dân phố trong công tác vận động, tuyên truyền cộng đồng tham gia phòng chống dịch sốt xuất huyết. Chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, phân loại và điều trị tại chỗ cho những trường hợp bệnh nhẹ, tránh quá tải bệnh viện và gây lây bệnh chéo không cần thiết, dẫn đến khó xử lý triệt để dịch bệnh cũng như nguy cơ tử vong do sốt xuất huyết gây nên./.

 

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực