Chương trình phổ thông mới phải bám sát chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông

Thứ năm, 18/05/2017 17:45
(ĐCSVN) - Ngày 18/5, tại Hà Nội, Học viện Quản lý giáo dục tổ chức Hội thảo Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể và yêu cầu đổi mới bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông.

Hội thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và yêu cầu đổi mới
 bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông. (Ảnh: VA)

Tại Hội thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đã chia sẻ khá chi tiết về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để các đại biểu hiểu rõ hơn.

Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng dự thảo CTGDPT tổng thể cần giải thích rõ thêm về phẩm chất năng lực của học sinh phổ thông; số môn học, thời lượng giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện thực hiện chương trình mới...

Đề cập đến vấn đề bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, TS Nguyễn Thị Thanh, Học viện quản lý giáo dục bày tỏ cần thiết kế lại chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông theo hướng tiếp cận mới của CTGDPT tổng thể. Bám sát chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông để có nội dung phù hợp giúp người cán bộ quản lý có kiến thức, kỹ năng cần thiết khi quản lý nhà trường.

Bên cạnh đó, trong nội dung chương trình cần lưu ý những nội dung hướng dẫn cách phân cấp, phân quyền trong nhà trường để mỗi tổ chức trong nhà trường như tổ chuyên môn hoặc cá nhân mỗi giáo viên được tự chủ, linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Về phương thức quản lý cũng nên chuyển từ việc quản lý giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện sang quản lý kết quả để nâng cao tính chủ động cho đội ngũ…

TS Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, cần thiết kế các Case study theo các nội dung chương trình bồi dưỡng và sử dụng phối hợp hiệu quả với các phương pháp dạy học tích cực khác trong quá trình hướng dẫn các cán bộ quản lý học tập. Đồng thời, tăng cường thời lượng của chương trình bồi dưỡng cho hoạt động thăm quan, học tập các cơ sở giáo dục tiên tiến, điển hình. Một số nội dung của chương trình bồi dưỡng có thể thực hiện theo hình thức E-learning để giảm thiểu thời gian và chi phí, đồng thời tăng tính tích cực của người học.

GS Nguyễn Đức Chính, Học viện Quản lý giáo dục khẳng định, chuyển một nền giáo dục từ chủ yếu truyền đạt kiến thức sang nền giáo dục chủ yếu rèn luyện phẩm chất năng lực là một chủ trương đúng đắn trong đổi mới giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương này cả hệ thống giáo dục phải đổi mới căn bản tư duy về giáo dục, về quản lý giáo dục.

GS Nguyễn Đức Chính cho biết thêm, trong công cuộc cách mạng này thì vai trò của hiệu trưởng với tư cách là chỉ huy trưởng của một đơn vị tác chiến trực tiếp sẽ quyết định thành bại trên mặt trận của mình.

TS. Nguyễn Liên Châu, Học viện Quản lý giáo dục góp ý, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục phổ thông trước hết cần được học tập lý luận nội dung đổi mới quản lý giáo dục phổ thông để đổi mới, sáng tạo trong tư duy nhằm xác định rõ nội dung đổi mới quản lý giáo dục phổ thông, nhất là việc xây dựng và thực thi CTGDPT tổng thể gắn với vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình./. 

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực