Cả nước có khoảng 80% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung

Thứ hai, 23/07/2018 11:49
(ĐCSVN) – Theo báo cáo Tổng cục Môi trường, tính đến nay, cả nước có 228/283 khu công nghiêp (KCN) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung chiếm 80%; 12 KCN đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 4%; các KCN còn lại đang xây dựng lộ trình đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã tập trung chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra, xử lý 05 vụ việc về ô nhiễm, sự cố môi trường và đa dạng sinh học; duy trì thường xuyên Tổ giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam, tỉnh Hậu Giang; Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi; quá trình vận hành dự án của Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tổ chức cuộc thanh tra đột xuất đối với Công ty Cổ phần Thịnh An; 04 cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội; các cơ sở có hoạt động xả thải ra kênh Bắc Hưng Hải trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên…

Cùng với đó, Tổng cục đã theo dõi, kiểm tra việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường của các khu, cụm công nghiệp trên cả nước. Đến nay, cả nước có 228/283 KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 80%) (tăng 07 KCN so với năm 2017), 12 KCN đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 4%), các KCN còn lại đang xây dựng lộ trình đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung (XLNTTT). Các hệ thống XLNTTT của các KCN xử lý khoảng 71% lượng nước thải phát sinh. Trong số này, đã có 121 KCN đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục đạt tỷ lệ trên 42%. Cả nước hiện có 587/1143 CCN được quy hoạch đã đi vào hoạt động, trong đó có 55 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 9,7%) (tăng 04 CCN so với năm 2017).

Đặc biệt, ngay từ đầu năm Tổng cục đã xác định mục tiêu trọng tâm là hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường. Tập trung hoàn thiện, trình ban hành: Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; Chương trình mục tiêu Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 – 2020; Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Tổng cục cho biết sẽ tập trung rà soát, nghiên cứu các vấn đề đang được dư luận rất quan tâm về phế liệu, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; đồng thời, tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tập trung xây dựng những đề án, dự án lớn, mang tính chất chiến lược nhằm kiểm soát, quản lý tốt chất lượng môi trường trong thời gian tới như: Dự án tổng điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ có phát sinh chất thải trên phạm vi toàn quốc; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải..../.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực