Bạo lực học đường – không thể thờ ơ!

Thứ ba, 02/04/2019 17:01
(ĐCSVN) - Dù đã có hình thức xử lý, nhưng dư luận vẫn chưa hết bức xúc việc một nhóm 5 học sinh lớp 9 ở Hưng Yên lao vào lột quần áo, đánh đấm bạn học. Dường như bạo lực học đường ngày càng phức tạp và đang trở thành nỗi lo lắng, ám ảnh của toàn xã hội.

Vụ nữ sinh bị đánh hội đồng: Đề nghị cách chức Ban Giám hiệu

Bạo lực học đường, lỗi của ai?

Khoảng 17h30 ngày 22/3, sau giờ tan học, nhóm 5 nữ sinh lớp 9A trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đã ở lại lớp, đóng cửa và có hành vi lột đồ, đánh đập bạn cùng lớp. Video ghi lại cho thấy, nhóm nữ sinh liên tiếp đấm đá vào mặt và ngực bạn học mà không có ai can ngăn, không có sự phản kháng nào.

Có lẽ ai xem clip này cũng thấy rợn người khi nghĩ đến sự tàn nhẫn, vô cảm của các em. Không hiểu nổi vì sao các em lại ứng xử với nhau một cách vô văn hóa như vậy?

Điều đáng nói là chuyện nữ sinh này bị các bạn cùng lớp đánh hội đồng đã xảy ra từ lâu, trong thời gian dài nhưng chưa từng có sự can ngăn của các bạn cùng lớp...

Vụ việc trên chưa kịp lắng xuống thì ngay sáng 1/4/2019, trên mạng xã hội lại xuất hiện clip một nhóm nữ sinh đánh hội đồng bạn. Trong clip, nhóm nữ sinh này liên tục chửi bới, bắt bạn quỳ gối xin lỗi rồi liên tục tát vào mặt, bất chấp nữ sinh bị đánh khóc lóc xin lỗi. 

Nữ sinh lớp 7 bị các đàn chị lớp trên bắt quỳ gối rồi tát vào mặt. Ảnh: Báo Nghệ An

Chỉ vài tiếng sau clip lan truyền, vụ việc được xác định diễn ra ở huyện Diễn Châu, Nghệ An. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu, vào chiều 31/3, do mâu thuẫn từ trước, 5 nữ sinh của Trường THCS Diễn Kim và 2 nữ sinh của Trường THCS Diễn Hùng kéo một nữ sinh lớp 7 của Trường THCS Diễn Hùng ra bãi biển. Trong lúc đánh bạn, các nữ sinh này còn thay nhau quay clip.

Nguyên nhân của các vụ bạo lực học đường có thể chỉ là mâu thuẫn xích mích cá nhân nhỏ, như: ganh ghét, đố kỵ, hiểu lầm trong sinh hoạt…

Phân tích nguyên nhân, các chuyên gia tâm lý đều cho rằng, để xảy ra tình trạng bạo lực trong các trường học lỗi phần nhiều thuộc về người lớn, không chỉ trách nhiệm của nhà trường mà vai trò giáo dục trong gia đình rất quan trọng, đặc biệt là sự gương mẫu từ ông, bà, bố, mẹ và cả thầy, cô giáo.

Không ít gia đình chỉ chú trọng đến kết quả học hành của con cái mà xem nhẹ dạy dỗ, cách đối nhân xử thế với nhau trong gia đình và ngoài xã hội. Giáo dục con cái không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng những hành động cụ thể. Trẻ em sẽ không tôn trọng người lớn nếu chứng kiến cha mẹ mình thể hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau. Sự dạy dỗ trong gia đình không tử tế sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bạo lực học đường.

Thêm nữa, đáng lẽ ra Nhà trường phải là môi trường giáo dục, thì một số thầy cô cũng không là “tấm gương” về đạo đức, lối sống để học sinh noi theo thì khi đó “nói ai nghe”, làm sao mà dạy dỗ được học trò của mình. Không chỉ vậy, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm chưa ý thức hết trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, chỉ quan tâm việc dạy chữ, coi nhẹ dạy người. Đáng lý ra, các thầy cô phải có trách nhiệm sát sao, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, là “địa chỉ tin cậy” để học sinh của mình có thể chia sẻ những khúc mắc trên lớp. Và khi thấy có dấu hiệu bất thường phải phối hợp với gia đình để có biện pháp giáo dục kịp thời. Nhưng thực tế, công tác này không được xem trọng, dẫn đến nhiều vụ bạo lực học đường đau lòng.

Rồi sự thiếu nhận thức, xem thường pháp luật, xuống cấp về lối sống, tha hóa đạo đức một bộ phận người dân; mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động đến tâm lý, tình cảm của học sinh, các em rất dễ bị cuốn theo lối sống thực dụng, đua đòi, thiếu lành mạnh, hành vi bạo lực từ mạng internet, phim ảnh, game online.

Nhìn dưới góc độ khác, theo TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó Trưởng Khoa Quản lí (Học viện Quản lí giáo dục) nguyên nhân sâu xa nữa là tâm lý học đường ít được các nhà giáo dục, các nhà xã hội, các bậc cha mẹ quan tâm đúng mức. Mỗi người có một phong cách sống khác nhau. Không ai kiểm soát được diễn biến tâm lý xảy ra hằng ngày với người đó. Do vậy, không ai nghĩ đến việc cần ngăn chặn bạo lực học đường từ ngay các bạo lực trong đời sống nội tâm...

Khi làm việc tại Hưng Yên về vụ đánh bạn dã man, người đứng đầu ngành Giáo dục bức xúc nói: “Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, đau lòng, ảnh hưởng đến niềm tin xã hội, phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc”. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ rõ, bạo lực học đường đang có những diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 80 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; phòng, chống bạo lực học đường cùng nhiều chính sách khác. Tuy nhiên, qua thực tế, cần xem xét việc quán triệt các văn bản này đã đến địa phương, đến giáo viên chưa? Các cấp quản lý ở huyện, ở xã đã vào cuộc chưa? Đã kiểm tra giám sát chưa? Bộ trưởng đề nghị, Hiệu trưởng, Ban Giám hiệu không hoàn thành nhiệm vụ thì xem xét cho thôi. Đây là bài học không chỉ cho ngành giáo dục Hưng Yên mà là bài học chung cho cả nước.

Như vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi rồi từng bước chấm dứt bạo lực học đường thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội nhằm xây dựng môi trường giáo dục nhà trường, môi trường giáo dục gia đình, môi trường xã hội lành mạnh, không bạo lực; tạo điều kiện cho học sinh được phát triển hài hòa thể chất, trí tuệ và đạo đức trong sáng, lành mạnh.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng nay 2/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiều vấn đề xã hội phải quan tâm, trong đó chỉ rõ vụ học sinh lớp 9 lột đồ, đánh đập bạn ở Hưng Yên cũng như nhiều vụ bạo lực học đường, những hành vi thiếu văn hóa đạo đức khác. “Đây có phải vấn đề báo động không? Bộ GD&ĐT trách nhiệm ra làm sao cũng như các địa phương phải có biện pháp như thế nào? Các đoàn thể, các cơ quan có chức năng trách nhiệm như thế nào trong vấn đề bạo lực học đường?”, Thủ tướng nói.

“Chúng ta đang nói một câu chuyện là lo tập trung phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế, nhưng chúng ta không thể nào bỏ quên những vấn đề xã hội bức bối như vậy đối với đất nước. Những vấn đề xã hội nổi cộm như vậy khiến chúng ta phải suy nghĩ chứ không chỉ kinh tế, mặc dù tăng trưởng kinh tế là vô cùng quan trọng”, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ cùng bàn, thống nhất quan điểm chỉ đạo, triển khai./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực