Bà Rịa - Vũng Tàu: Quy hoạch tập trung các khu chế biến hải sản

Thứ tư, 07/02/2018 15:21
(ĐCSVN) - Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có hơn 200 doanh nghiệp chế biến hải sản với tổng công suất thiết kế trên 250.000 tấn thành phẩm/năm. Các cơ sở sơ chế, chế biến hải sản tập trung tại TP.Vũng Tàu và các huyện Tân Thành, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc…
Kim ngạch xuất khẩu hải sản hàng năm của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu
đạt khoảng gần 300 triệu USD (Nguồn: Thủy sản Việt Nam)

Tuy nhiên, các cơ sở chế biến hải sản nhỏ chiếm số lượng lớn hoạt động tại các khu vực gần biển trong đó có khoảng 118 cơ sở nằm trong khu dân cư, tăng gấp gần ba lần so với giai đoạn trước năm 2010. Sự gia tăng nhanh chóng của các cơ sở chế biến hải sản tự phát trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ gây mất cân đối cung cầu nguyên liệu mà còn tạo ra áp lực lớn đối với các vấn đề kinh tế - xã hội khác, đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường cải tạo trầm tích bằng việc xây dựng các ô chứa để bơm bùn lên phơi và sử dụng chế phẩm sinh học Biomix khử mùi.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có Quyết định phê duyệt đề án xử lý ô nhiễm môi trường khu vực Cửa Lấp, TP. Vũng Tàu. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tập trung thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, xử lý, khắc phục ô nhiễm các nguồn thải trực tiếp vào khu vực Cửa Lấp. Huyện Long Điền cũng đang rà soát, phân loại và có kế hoạch hỗ trợ các cơ sở chế biến hải sản ở đây tiến hành di dời. Sau đó, huyện sẽ thực hiện cải tạo môi trường bằng các giải pháp như nạo vét những khu vực bị ô nhiễm, xây đụn cát lọc nhân tạo, thu gom rác, trồng cây xanh…

Đối với 118 cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khoanh vùng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường gồm có khu chế biến hải sản tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành; khu vực các xã An Ngãi, Phước Hưng, Phước Tỉnh và khu phố Hải Hà, huyện Long Điền; các cơ sở chế biến hải sản tại phường 5, 10, 11 và 12, TP. Vũng Tàu; khu vực chế biến hải sản cầu Cửa Lấp TP.Vũng Tàu và huyện Long Điền... 

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chủ trương từ rất sớm xây dựng các khu chế biến hải sản tập trung với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh cùng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn để di dời các cơ sở chế biến hải sản đang nằm rải rác trong khu dân cư vào đây. Việc di dời các cơ sở chế biến hải sản nhỏ lẻ ở khu dân cư vào các khu tập trung nhằm bảo vệ môi trường, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời giúp cơ quan chức năng tăng cường quản lý hoạt động, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở chế biến hải sản.

Theo đó, các khu chế biến hải sản tập trung bảo đảm các tiêu chí: Diện tích mặt bằng đủ để di dời khoảng 200 cơ sở chế biến hải sản các loại; gắn với vùng nguyên liệu để bảo đảm nguồn nguyên liệu chế biến, giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành sản phẩm; chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp thuê đất; có nguồn lao động tại chỗ dồi dào; vị trí xây dựng cách xa khu dân cư, chợ, trường học, nơi công cộng để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc  sống người dân...

Thực hiện chủ trương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngành chức năng đã tiến hành khảo sát thực địa, lựa chọn được một số vị trí phù hợp ở các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và TP.Vũng Tàu để quy hoạch, xây dựng các khu chế biến hải sản tập trung. Ngoài ta, các địa phương cũng khuyến khích các hộ, sơ sở chế biến hải sản vào các cảng dịch vụ hậu cần thủy sản do tư nhân xây dựng. Theo đó, Cảng dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái, huyện Long Điền có diện tích hơn 2ha, chiều dài bến 400m đã được tư nhân đầu tư xây dựng.

Ông Huỳnh Trung Sơn, Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện tỉnh này đã xây dựng chương trình hỗ trợ di dời. Theo đó, chương trình này sẽ hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp phải di dời tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới; hỗ trợ cho việc tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị; hỗ trợ lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở mới; hỗ trợ người lao động trong thời gian ngừng sản xuất; chính sách sử dụng đất tại vị trí cũ; hỗ trợ một lần đối với cơ sở tự chấm dứt hoạt động sản xuất.

Mỗi cơ sở sản xuất có cơ sở di dời chỉ được hỗ trợ 1 lần, trường hợp được ngân sách hỗ trợ từ quy định khác thì không được xem xét hỗ trợ theo chính sách này. Nguồn vốn hỗ trợ do ngân sách địa phương cân đối, các cơ sở sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ phải đúng mục đích, chế độ, chịu sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Hiện dự thảo này đang được triển khai lấy ý kiến của người dân trên cổng thông tin điện tử và tại các huyện, thành phố. Sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ hoàn thành dự thảo nghị quyết trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt để áp dụng trong giai đoạn 2018 - 2025.

Được biết, khai thác và chế biến hải sản là thế mạnh thứ hai của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngành khai thác hải sản của tỉnh này dựa trên nguồn lợi hải sản vùng biển Đông Nam bộ với trữ lượng khoảng 2 triệu tấn, cho phép khai thác hàng năm khoảng 800 nghìn tấn, với kim ngạch xuất khẩu hải sản hàng năm của tỉnh đạt khoảng gần 300 triệu USD./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực