Sắp xếp bộ máy tổ chức ngành Bảo hiểm xã hội: Tinh gọn nhưng cần thận trọng, hiệu quả

Thứ sáu, 19/10/2018 15:56
(ĐCSVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một ngành đặc thù, vấn đề quan trọng nhất mà ngành BHXH cần làm, đó chính là phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt nhất. Do đó, khi tổ chức sắp xếp bộ máy cần cân nhắc rất thận trọng.

Đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện” do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, đề cập đến kết quả thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện”, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết:  BHXH Việt Nam đã đưa ra đề xuất về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành BHXH theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Để có cơ sở nghiên cứu, xây dựng Đề án, Ban Chủ nhiệm đã tiến hành khảo sát thực hiện tại 5 địa phương (Hà Nội, Nam Định, Sơn La, Bình Định, TP.Hồ Chí Minh). Qua đó, đã nhận được những kết quả tích cực, những ý kiến xác đáng cả trong và ngoài Ngành,  xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy đối với việc này. Theo đó, các ý kiến cho rằng mô hình bộ máy BHXH cấp tỉnh, huyện phải phù hợp với thực tiễn là phải gắn với địa giới hành chính để thống nhất với công tác chỉ đạo của tổ chức đảng, chính quyền địa phương với cơ quan BHXH nhằm phục vụ tốt nhất, thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách; tiết kiệm chi phí, thời gian của người dân...

 

Ảnh minh họa. Nguồn: TL.


Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Tính đến năm 2018, ngành BHXH đang quản lý 14,3 triệu người tham gia BHXH, 12 triệu người tham gia BHTN. Do đó, rất cần phải nghiên cứu thận trọng chính sách tổ chức bộ máy của Ngành, để xác định đặt mục tiêu cao nhất là tạo thuận lợi cho người dân, phục vụ người dân tốt nhất.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh khẳng định: Với trách nhiệm của mình, BHXH Việt Nam luôn xác định không ngại khó khăn, thách thức, không ngại áp dụng các cải cách, cải tiến, trong đó có cải cách bộ máy.

Cần nghiên cứu thận trọng và thực hiện theo lộ trình

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, BHXH là trụ cột chính của an sinh xã hội (ASXH) Việt Nam, cho nên chúng ta phải nhận thức đúng vai trò trong quá trình ASXH của BHXH để xây dựng bộ máy. Theo đó, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho rằng, điểm quan trọng nhất của Đề án là tiêu chí, mà tiêu chí thì từ thực trạng đánh giá. Do vậy, phải đánh giá được thực trạng, chỗ nào, bộ phận nào, huyện nào còn tồn tại, hạn chế thì mới xác định được tiêu chí.

Một trong những tiêu chí “cứng” là phải tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tiếp đến mới tính tới là địa lý hành chính, rồi diện tích, số lượng người tham gia rồi vấn đề thu bảo hiểm… Nghĩa là chúng ta phải xếp các tiêu chí và trên cơ sở các tiêu chí đó mới “áp” vào sắp xếp tổ chức bộ máy.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ  Nguyễn Duy Thăng cũng cho rằng việc đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó trước hết phải tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, sau đó là địa giới hành chính; đồng thời việc tinh gọn cần đi liền với hiệu lực, hiệu quả điều hành, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi chỉ ra, trong giai đoạn hiện nay, ngành BHXH đứng trước thách thức lớn về bao phủ BHXH, BHYT; do đó không thể tinh gọn liên tỉnh được, còn liên huyện cũng cần phải xem xét, nghiên cứu thận trọng và thực hiện theo lộ trình.

Theo ông Vũ Việt Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ngành BHXH là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai xây dựng Đề án sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn. Tuy nhiên, đây là ngành rất đặc thù, việc thực hiện các chính sách có ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Do đó, việc tinh gọn bộ máy theo hướng liên tỉnh, liên huyện cần nghiên cứu thật thận trọng, có đánh giá thực tế vùng miền. Theo ông Văn, thực tiễn hoạt động của ngành BHXH mang lại hiệu quả cao, tạo thuận lợi cho người dân, đơn vị, doanh nghiệp. Do đó, bộ máy BHXH nên giữ ổn định, chưa thực hiện liên tỉnh, liên huyện để tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 21-NQ/TW và Nghị quyết 28-NQ/TW…”- ông Văn đề xuất.

Đại diện Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, việc sắp xếp bộ máy nên giữ nguyên cấp tỉnh như hiện nay. Tuy nhiên, việc sắp xếp BHXH liên huyện cần phải làm có lộ trình và gắn với Đề án sắp xếp liên huyện.

Ông Đỗ Văn Sinh- Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, việc sắp xếp bộ máy ngành BHXH cần xem xét một cách khách quan và thận trọng. Nhiệm vụ chính của ngành BHXH là phục vụ nhân dân, càng sát dân, càng nhanh thì phục vụ càng tốt. Dù ngành BHXH đã ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ, nhưng còn rất lâu nữa mới bỏ được giao dịch trực tiếp hoặc hồ sơ giấy, nên cần có đủ mạng lưới phục vụ người dân kịp thời.

Đồng thời, hoạt động BHXH nếu tách rời sự quản lý, giám sát, phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương, sẽ rất khó thực hiện thành công…/.

Phương Vy
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực