Bài 3: Lựa chọn cán bộ có tâm, xứng tầm

Thứ ba, 18/12/2018 15:48
(ĐCSVN) – Muốn lựa chọn được cán bộ có tâm, xứng tầm thì những người làm công tác này phải hết sức thận trọng, đảm bảo nguyên tắc, minh bạch, công tâm trong chọn lựa, giới thiệu. Đặc biệt, trong việc chọn lựa cán bộ, dứt khoát không để lọt những người cơ hội chính trị, giỏi luồn lách nhưng non tài, kém đức như những “con lươn”, “con chạch” lọt vào quy hoạch.

Giải pháp nào xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược xứng tầm?

Bài 2: Kinh nghiệm nào lựa chọn cán bộ nhìn từ các vụ cán bộ bị kỷ luật?

Tâm và tầm là những tiêu chí quan trọng trong công tác lựa chọn cán bộ,
nhất là cán bộ cấp chiến lược. (Ảnh:TA).

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9 (khóa XII) ngày 25/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 chưa phải là "làm nhân sự" cụ thể cho nhiệm kỳ tới, nhưng là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành nhiệm kỳ XIII của Đảng.

Chính vì thế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu: Trong quá trình thực hiện phải hết sức thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng về công tác cán bộ, phải thật sự công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực.

Đúng vậy, thực tiễn của đất nước thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay đòi hỏi cán bộ then chốt phải thật sự đủ tầm vóc, trí tuệ, bản lĩnh để gánh trên vai việc Đảng, việc nước, việc dân. Điều ấy càng có ý nghĩa sâu sắc đối với cán bộ cấp chiến lược, bởi họ là những người trực tiếp vừa xây dựng, vừa tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nếu chọn đúng người cần chọn, chọn đúng “ghế” để “đặt” đúng người, đúng việc, sẽ tạo ra những đột phá, bứt phá mới. Từ đó, sẽ tạo ra cơ hội cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.

Muốn làm được điều đó, trước hết, người làm công tác cán bộ cần thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm hoặc không đủ tiêu chuẩn để đưa ra khỏi quy hoạch; bổ sung những nhân tố mới đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào quy hoạch. Phát huy đầy đủ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và người đứng đầu trong việc giới thiệu nhân sự quy hoạch cán bộ cấp chiến lược…

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây chính là cơ sở để cán bộ, đảng viên chọn cán bộ đủ đức, tài giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp và Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sắp tới. Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Chỉ cần 200 Ủy viên Trung ương nêu gương thì mọi việc đã rất khác”. Song, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chọn được cán bộ theo đúng tiêu chí mà Quy định nêu ra?

Theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, để chọn được cán bộ theo các tiêu chí đã đề ra thì trước hết, người làm công tác cán bộ phải hết sức vô tư trong sáng. “Một khi có động cơ thì không bao giờ tìm được người tốt, có khi người xấu được đưa lên, người tốt bị dìm xuống. Thực tế này vẫn có chứ không phải đã hết nhẵn đâu. Rốt cuộc thì cũng là con người với con người, nếu thân quen anh sẽ đánh giá khác, không thân quen cũng sẽ đánh giá khác. Người vô tư trong sáng sẽ đánh giá khách quan được bản chất của một con người” – nguyên Tổng Bí thư nói.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, trong xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch phải coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình, năng lực công tác gắn với kết quả công tác, sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, có hoài bão, khát vọng đổi mới, vì sự phát triển đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân…

Cũng nhấn mạnh đến đức và tài của người cán bộ, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhiều lần nhấn mạnh: Cán bộ nói chung, nhất là cấp chiến lược, cần phải trong sạch, không lợi ích nhóm, tức là lấy đức làm gốc, thể hiện tính chân chính của một bộ máy, bảo đảm giữ lòng tin trong nhân dân và trong nội bộ Đảng. Khi đánh mất hết lòng tin ấy thì nhất định sẽ thất bại và đổ vỡ. Tất nhiên chỉ có đức không thôi thì chưa đủ, cần có tài nữa; phải coi trọng đồng thời, nhưng phải trên cơ sở của đức, cái nền của đức.

Nhắc lại việc lẩy câu Kiều của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Chữ tâm bằng ba chữ tài, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X cho rằng, tâm phải đặt trước tài. Tướng Thước nói: Tâm niệm của người cán bộ là sự nghiệp của chính mình, là phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Lời dạy này còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. “Tôi nhắc lại, Đảng ta đấu tranh loại trừ tiêu cực, chống tư tưởng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Càng hạn chế tiêu cực, suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức được bao nhiêu thì con đường đi càng sáng tỏ bấy nhiêu, xây dựng một cơ quan chiến lược đảm nhận được nhiệm vụ nặng nề thời gian tới” – Tướng Thước lưu ý.

Cùng quan điểm, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã bước vào cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế thì tiêu chuẩn đức, tài của cán bộ, nhất là cán bộ tham gia cấp ủy các cấp và Ban Chấp hành Trung ương phải được cụ thể hóa bằng sự kiên định mục tiêu lý tưởng, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và nhất là phải có kiến thức quản lý kinh tế theo kịp với xu thế phát triển của đất nước.

Đặc biệt, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến vấn đề quan trọng nhất là bản thân mỗi cá nhân, từng người phải tự cảnh giác với chính mình, từ cán bộ cấp thấp đến cấp cao, tự soi mình xem làm có đúng đắn không, có khi nào vi phạm bản chất cách mạng không; phải đấu tranh thường xuyên với những tồn tại, hư hỏng không để cái xấu chi phối. Như thế mới mong tiêu cực không thể chiếm lĩnh trong Đảng, tổ chức nhà nước luôn trong sạch, dứt khoát đất nước sẽ phát triển….

Thiết nghĩ, muốn làm được điều này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người làm công tác cán bộ phải thực sự lắng nghe tiếng nói của toàn Đảng, toàn dân để tránh sót nhân tài và loại bỏ những kẻ cơ hội, không đủ tiêu chuẩn ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Bởi dù là cán bộ cấp cao hay cấp thấp đều từ dân mà ra, thực hiện chức trách, nhiệm vụ mà dân giao phó. Và chính sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp cũng chính là thước đo hiệu quả của người cán bộ… Đó cũng chính là căn cứ chọn lựa, sàng lọc được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng và đội ngũ cán bộ các cấp nói chung xứng tầm, đáp ứng cả nhu cầu trước mắt và lâu dài./.

Trung Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực