Cần dự báo được những điểm nóng, đưa ra được các giải pháp để khắc phục

Thứ năm, 20/09/2018 15:46
(ĐCSVN) – Đó là đề nghị của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội vào sáng 20/9.
Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh:TA)

Theo Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Ngọc Kỳ, 8 tháng đầu năm 2018, Sở TT&TT triển khai nhiệm vụ với phương châm đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, rõ trách nhiệm, đề cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu gắn với phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Nhờ vậy, các lĩnh vực công tác của Sở đều đạt kết quả nhất định, đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Cụ thể, công tác quản lý báo chí, xuất bản, thông tin tuyên truyền thường xuyên được chú trọng và tăng cường. Sở TT&TT đã tích cực tham mưu UBND Thành phố dự thảo Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TP Hà Nội đến năm 2025; Quyết định ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; triển khai các Chương trình phối hợp công tác với một số cơ quan báo chí Trung ương năm 2018; tổ chức các hoạt động thúc đẩy phát triển văn hóa đọc như đưa vào hoạt động hiệu quả Phố sách Hà Nội, tổ chức tốt Hội sách Hà Nội hàng năm, tham gia Hội sách quốc tế Frankfurt..., qua đó góp phần vào việc giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong nhân dân và quảng bá hình ảnh Thủ đô, đất nước con người Việt Nam ra thế giới.

Sở TT&TT đã chú trọng công tác theo dõi, giám sát thông tin trên mạng xã hội nhằm loại bỏ những thông tin xấu, độc tác động tiêu cực đến cộng đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2018, Sở đã thẩm định và chuyển Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đề nghị xử lý 17 tài khoản Facebook, gỡ bỏ 292 video clip trên Youtube có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), Sở đã tiến hành rà soát, trình UBND Thành phố ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Định kỳ hàng tuần, Sở phối hợp cùng đơn vị tư vấn rà soát tiến độ triển khai dịch vụ công trực tuyến, kịp thời hướng dẫn các đơn vị khắc phục tồn tại trong quá trình xây dựng, vận hành các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đến nay, toàn Thành phố có 556 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (trong đó có 386 dịch vụ công mức 3 và 170 dịch vụ công mức 4). Đáng chú ý, Sở TT&TT đang tổ chức triển khai thử nghiệm (từ 10/8/2018) hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố, kết nối các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại một số sở, quận, huyện.

Sở đã tham mưu, phát triển hạ tầng bưu chính - viễn thông trên địa bàn Thành phố ngày càng hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng và đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G), hướng đến triển khai 5G. Tham mưu Thành phố trong công tác xây dựng, quản lý các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung trên địa bàn, nhằm tăng cường công tác quản lý, từng bước hiện đại hóa hạ tầng và xây dựng đô thị văn minh và hiện đại.

Bên cạnh những kết quả trên, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Ngọc Kỳ cũng thẳng thắn chỉ ra một số điểm còn tồn tại, hạn chế, như công tác xây dựng Đề án sắp xếp và phát triển báo chí Thành phố còn chậm, phần nào ảnh hưởng đến công tác tổ chức và tư tưởng của cán bộ, phóng viên các cơ quan thuộc Thành phố. Công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí mặc dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn một số trường hợp cung cấp thông tin chưa kịp thời, dẫn đến phát sinh vấn đề “nóng”. Đặc biệt, mặc dù tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn Thành phố cao so với cả nước, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở TT&TT kiến nghị với Trung ương và Thành phố 11 nhóm vấn đề, trong đó đề nghị Thành phố chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí; đồng thời nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của mạng xã hội trong tình hình mới. Kịp thời phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT trong quá trình xử lý những vấn đề, vụ việc "nóng", bức xúc được báo chí và mạng xã hội phản ánh, dư luận quan tâm, tránh tạo thành điểm nóng, hoặc sự cố truyền thông. Chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp, triển khai có hiệu quả Chương trình ứng dụng, phát triển CNTT gắn với Chương trình tổng thể cải cách hành chính và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, phát triển kinh tế tri thức…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị Sở cần tiếp tục làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước về báo chí xuất bản, để thông tin báo chí của Hà Nội phải nhanh chóng, kịp thời, có tính định hướng cao. Đồng thời, tập trung hoàn thiện xây dựng khung chính quyền điện tử và Đề án xây dựng Thành phố thông minh, trong đó phải chỉ ra hiện nay Hà Nội đang ở giai đoạn nào và định hướng đầu tư trong thời gian tới.

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá, Sở TT&TT là một Sở chuyên ngành có chức năng quản lý nhà nước rất rộng, rất phức tạp, khối lượng công việc lớn. Dù vậy, thời gian qua Sở đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sở triển khai tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng tập thể vững mạnh, đoàn kết, là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh tác động của thông tin mang tính chất toàn cầu, mở rộng và phát huy dân chủ, đòi hỏi Sở phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ, kịp thời có thông tin định hướng cho xã hội, cho Thành phố để tạo sự đồng thuận cao trong triển khai nhiệm vụ. Đồng thời tập trung nâng cao số lượng, chất lượng triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần dự báo được các điểm nóng, đưa ra được các giải pháp để khắc phục. Với chức trách, nhiệm vụ của mình là cơ quan quản lý nhà nước về thông tin truyền thông, Sở TT&TT cần chủ động tham mưu cho thành phố làm tốt hơn công tác này.

Đối với nhiệm vụ xây dựng Đề án Thành phố thông minh, Bí thư Hoàng Trung Hải lưu ý Sở đi vào những việc cụ thể. Thành phố thông minh chính là giải quyết công việc cho nhân dân một cách đơn giản, nhanh chóng, giảm phiền hà. Do đó, phải nâng chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, không chỉ cán bộ, công chức mà từ chính người dân cũng phải sẵn sàng ứng dụng CNTT. Bí thư Thành ủy Hà Nội phân tích, trí tuệ thông minh không phải xa vời, trên trời mà ngay trong chính công việc hàng ngày, làm sao để ứng dụng công nghệ vào giúp công việc hàng ngày được giải quyết nhanh hơn, thuận lợi hơn, khoa học hơn.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, Sở TT&TT phải lượng hóa được thời gian giải quyết từng công việc, như thời gian từ khi phát sinh thông tin đến các khâu xử lý, cung cấp thông tin phản hồi, để từ đó không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc. Cùng với đó, phải phát huy vai trò tham mưu, phối hợp trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu. Bởi nếu không xây dựng cơ sở dữ liệu của từng ngành thì không có dữ liệu chung của Thành phố và cũng không chia sẻ được thông tin, dẫn đến không thể giảm tải công việc, họp hành.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải lưu ý Sở TT&TT tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, rà soát và tập trung cho những chỉ tiêu, nhiệm vụ tỷ lệ thực hiện còn thấp. Đặc biệt, trong quá trình tham mưu, triển khai ứng dụng CNTT, phải thường xuyên so sánh, đối chiếu với các thành phố, các quốc gia khác để biết mình đang ở đâu, từ đó có định hướng đầu tư, tránh lãng phí.


Bí thư Thành ủy Hà Nội đến thăm, động viên tập thể cán bộ, phóng viên
Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội. (Ảnh:TA)

Trước khi làm việc với Sở TT&TT, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến thăm, động viên tập thể cán bộ, phóng viên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, một đơn vị thuộc Sở nhân dịp 15 năm thành lập. Báo cáo với Bí thư Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội Hoa Thanh Hải cho biết: Trong 15 năm qua, Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội đã đăng tải trên 95 nghìn tin, bài; trên 2,2 nghìn video clip; trên 9,4 nghìn tin tiếng Anh; đăng tải công khai 2.735 thủ tục hành chính; cập nhật trên 2,5 nghìn văn bản quy phạm pháp luật, trên 5,8 nghìn văn bản chỉ đạo điều hành của Thành phố. Ngoài ra, Cổng đã đăng gần 100 Dự thảo văn bản xin ý kiến công dân. Tính từ năm 2015 đến nay đã có trên 200 triệu lượt truy cập Cổng.

Chúc mừng những kết quả mà Cổng Giao tiếp điện tử đạt được trong 15 năm qua, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải mong muốn tập thể cán bộ, phóng viên Cổng Giao tiếp điện tử phải tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, thường xuyên cập nhật, so sánh, đối chiếu với Cổng thông tin của các thành phố lớn trong nước cũng như các nước trong khu vực, từ đó, không ngừng đổi mới để thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò là cầu nối giữa Đảng bộ, chính quyền Thành phố với các tổ chức, công dân…/.

Lan Hương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực