Sửa đổi Luật Giáo dục cần toàn diện, căn bản

Thứ hai, 28/05/2018 21:45
(ĐCSVN) - Ngày 28/5, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức góp ý 2 dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) và Luật Giáo dục sửa đổi. Đây là 2 dự luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận trong tuần này.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh và  Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị.

Đáng chú ý, về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, lần này sẽ nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên. Theo đó, tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Dự thảo luật cũng bổ sung trách nhiệm của gia đình phối hợp với nhà trường, nhà giáo trong việc giáo dục học sinh; tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể nhà giáo. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định về học phí của học sinh, sinh viên sư phạm theo hướng học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện việc đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành khác.

Thứ trưởng  Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc sửa đổi này nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.., đồng thời rút vấn đề lương giáo viên ra khỏi dự thảo luật vì Chính phủ đã có đề án cải cách tiền lương. Đối với việc nâng chuẩn giáo viên, Bộ đã có lộ trình thực hiện để không gây xáo trộn...

 

Góp ý về dự thảo, nhiều GS, PGS, các chuyên gia giáo dục đã góp ý nhiều vấn đề còn bất cập của dự thảo Luật này cũng như chia sẻ nhiều vấn đề nóng bỏng của lĩnh vực mà cả xã hội luôn quan tâm, bức xúc.

 

Đáng chú ý, về hệ thống giáo dục, GS Nguyễn Lân Dũng đề nghị đổi tên lại thành cấp 1, cấp 2, cấp 3 thay vì tiểu học, THCS, THPT như hiện nay. Ông cho rằng sửa đổi Luật Giáo dục lần này cần toàn diện, căn bản, trong đó phải đề cập được vấn đề tiền lương nhà giáo; phân luồng học sinh; đề cao dạy đạo đức cho học sinh, “tiên học lễ, hậu học văn”.


Ông Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường cho rằng, giáo dục phổ thông phải rõ về triết lý giáo dục, phải làm sao để học sinh có lòng tự hào dân tộc, ý thức tự tôn, tự chủ. Ông cũng đồng ý đổi thành trường cấp 1, 2, 3 như đề nghị của GS Nguyễn Lân Dũng để đúng thông lệ thế giới.

Góp ý về luật GDDH, TS Nguyễn Viết Chức, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư Văn hóa, Xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ Luật GDĐH phải bảo đảm tự chủ thực sự cho các trường đại học, tự chủ GDĐH là tất yếu. Đại học mà không được chủ động thì không đào tạo ra được con người chủ động. Vì thế, Bộ GD-ĐT không thể ôm đồm mọi việc, chỉ quản lý GD-ĐT chứ không phải xông vào các hoạt động đào tạo như hiện nay. “Mỗi trường có một sản phẩm đào tạo riêng, vì thế, sửa luật GDĐH lần này phải bảo đảm tự chủ hoàn toàn cho các trường đại học”, TS Chức nói.

Cũng theo TS Nguyễn Viết Chức, hệ thống đào tạo đại học hiện nay đang bị chia thành các trường lớn, trường nhỏ. Đại học phải là tự chủ, trường nào đào tạo chất lượng tốt thì được người học đón nhận, không nên chia thành đại học quốc gia, đại học, học viện… Từ những phân tích đó, TS Chức đề nghị sửa luật lần này phải bám sát yêu cầu về căn bản, toàn diện, rà soát kỹ, không phải là sửa đổi vài vấn đề, mục tiêu là sửa đổi đế đáp ứng yêu cầu giáo dục là quốc sách hàng đầu.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung, giảng viên Đại học Luật Hà Nội, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị cần tập sửa những điều cần thiết nhất như việc phải dẹp được nạn học giả bằng thật, nạn sinh viên không đủ điều kiện vẫn được ra trường. “Không nên chú trọng kiểm tra đầu vào như nay mà cần chuyển sang kiểm soát đầu ra.”, GS Dung đề nghị…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực