Chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác dân vận

Thứ năm, 11/01/2018 09:43
(ĐCSVN) – Ngày 10/1, tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác dân vận do Ban Dân vận Trung ương tổ chức, các đại biểu dự Hội nghị đã nêu bật vai trò quan trọng của công tác dân vận trong việc góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, ổn định xã hội của địa phương, đơn vị; đồng thời, chia sẻ bài học kinh nghiệm triển khai công tác dân vận trong thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác Dân vận toàn quốc 2017

Chủ động bám, nắm tình hình địa bàn, gắn bó máu thịt với nhân dân

Tại hội nghị, Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho rằng, công tác dân vận của Đảng trong Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam là một nội dung cơ bản của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội; tiến hành công tác dân vận vừa là trách nhiệm chính trị, vừa thể hiện bản chất và truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” – từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Năm 2017, xác định rõ vai trò công tác dân vận của Đảng trong Quân đội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân vận của Đảng; tích cực, chủ động bám, nắm tình hình địa bàn, tham mưu triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động và nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương; nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm.

Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam- Ảnh: PC

Cụ thể, năm 2017, cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã phối hợp tổ chức 76.000 buổi tuyên truyền cho nhân dân, vận động không di cư tự do 35.278 nhân khẩu; tham gia giải quyết tham gia giải quyết 837 vụ việc phức tạp, điểm nóng ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn và trong cả nước. Đồng thời, các cơ quan đơn vị trong toàn quân, đã duy trì hoạt động kết nghĩa với hơn 10.400 đầu mối cơ sở; cử 1.425 tổ, đội công tác trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chi bộ và tổ chức chính trị ở cơ sở. Đồng thời, tiếp nhận 31 nghìn hộ dân đến lập nghiệp, tạo việc làm cho 101 nghìn người, thu hút 1.700 trí thức trẻ đến làm việc.

Đáng chú ý, năm 2017, toàn quân đã đẩy mạnh các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, khám bệnh, chăm sóc sức khỏe, tặng quà các đối tượng chính sách, người nghèo và xây dựng các công trình phúc lợi, giúp dân xóa đói giảm nghèo tạo sự lan tỏa tốt trong xã hội: làm mới, sửa chữa 2.860 nhà; xây 698 nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa; phụng dưỡng 1.907 mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó, có các mô hình tiêu biểu: “1.000 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách”, “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Áo ấm tặng người nghèo nơi biên giới”, “Trái tim cho em”, “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân”.

Hoạt động đáng ghi nhận nhất của công tác dân vận năm 2017 của Quân đội là luôn đi đầu trong hoạt động giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Trong đó, có 68.890 lượt cán bộ, chiến sĩ, đóng góp hơn 305 nghìn ngày công lao động, giúp sơ tán 58 nghìn lượt người dân và phương tiện đến nơi an toàn.

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng năm 2018, thời gian tới, toàn quân quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân đội về công tác dân vận; phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai các hoạt động công tác dân vận, trọng tâm là hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng; phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình dân vận khéo, mô hình dân vận tốt ở các đơn vị Quân đội và địa phương.

Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các nội dung về công tác dân vận trong các tình huống, ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng đô thị và trong tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp ở cơ sở. Tăng cường chế độ trao đổi thông tin, phối hợp; đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình phối hợp giữa Cục Chính trị các quân khu với Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy trên địa bàn và hoạt động của các Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động ở các địa phương.

Công tác dân vận trong tham gia giải quyết “điểm nóng”, vụ việc phức tạp

Tham gia phát biểu tại hội nghị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn chia sẻ: Thời gian qua, Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn mang tính lịch sử do sự cố môi trường biển và cơn bão số 10 gây ra. Đặc biệt, lợi dụng sự cố môi trường biển, các thế lực thù địch đã tăng cường phá rối, kích động khiến tình hình càng khó khăn hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn chia sẻ kinh nghiệm công tác dân vận
trong tham gia giải quyết “điểm nóng”, các vụ việc phức tạp - Ảnh: PC

Trước tình hình đó, Hà Tĩnh đã phát huy tinh thần đoàn kết của toàn Đảng toàn quân và toàn dân; dựa vào dân, sâu sát, chia sẻ khó khăn với nhân dân; mọi chủ trương, chính sách đều được cấp ủy, chính quyền triển khai đồng bộ, kịp thời, hành động quyết liệt. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh, đến thời điểm này, tình hình đã được kiểm soát. Nếu như từ thời điểm xảy ra sự cố môi tường biển đến giữa năm 2017 xảy ra 37 cuộc tụ tập đông người, thì từ tháng 6/2017 đến nay, tình hình đã ổn định. Năm 2016, tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh giảm sâu với âm 17,6%, năm 2017, kinh tế đã tăng trưởng 10,71%.

Từ thực tiễn ở địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định, một trong những yếu tố góp phần tạo thành sức mạnh tổng hợp toàn dân chính là làm tốt công tác vận động quần chúng.

Phương thức vận động quần chúng của công tác dân vận được Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn chia sẻ: Trước những khó khăn đang đặt ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, khoa học, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ; không nóng vội, chủ quan, không chờ đợi, ỷ lại; phát huy trí tuệ tập thể, bình tĩnh, khôn khéo để xử lý từng nhiệm vụ, nhất là những lúc khó khăn.

Tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân bám sát địa bàn để vận động quần chúng. Bám sát từng địa bàn, đến tận từng đối tượng để vận động. Lựa chọn, bố trí cán bộ, nhất là cán bộ có kinh nghiệm để tiếp cận, lắng nghe, đối thoại với từng nhóm đối tượng khó khăn, những địa bàn phức tạp, trọng điểm.

Đồng thời, phát huy vai trò của những người có uy tín, vị thế trong cộng đồng dân cư như hội viên cựu chiến binh và các đoàn thể, người cao tuổi, chức sắc tôn giáo tiến bộ; cùng với đó, phát huy vai trò của báo chí trong công tác dân vận. Thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí. Kịp thời xử lý những vấn đề báo chí phản ánh. Trong quá trình thực hiện đảm bảo ổn định chính trị điều xuyên suốt là công tác vận động quần chúng, giải quyết đúng chính sách cho các đối tượng..

Lựa chọn nội dung cụ thể để thực hiện công tác dân vận

Chia sẻ kinh nghiệm của Hoà Bình trong triển khai thực hiện công tác dân vận trong thời qua, đồng chí Bùi  Văn Tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết: Năm 2017, mặc dù chịu sự tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, song Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế đạt 9,46%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh chia sẻ kinh nghiệm trong trong triển khai công tác dân vận - Ảnh: PC

Để thực hiện tốt kết quả trên, tỉnh Hòa Bình đã chủ động thực hiện công tác dân vận của Đảng, trong đó chú trọng và đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền. Cụ thể, thực hiện nghiêm quy định tiếp xúc đối thoại với nhân dân và quy định trách nhiệm tiếp thu góp ý của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; duy trì hòm thư góp ý điện tử và đường dây nóng của Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị; tổ chức chương trình "Cà phê doanh nhân" để kịp thời nắm bắt, trao đổi thông tin và giải quyết các vấn đề người dân và doanh nghiệp quan tâm. Thông qua đối thoại nhiều ý kiến, nguyện vọng chính đáng đã được tiếp thu, giải quyết, củng cố lòng tin của nhân dân với các cấp ủy Đảng, chính quyền.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện từ cơ sở thực tiễn, Tỉnh ủy Hòa Bình đã lựa chọn nội dung cụ thể của công tác dân vận là đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị để quan tâm, lãnh đạo thực hiện. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 39-CT/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Hòa Bình đã lãnh đạo thực hiện thí điểm sáp nhập xóm, tổ dân phố. Đây là chủ trương lớn, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó công tác dân vận đóng vai trò then chốt trong vận động, tuyên truyền để toàn thể nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ mục tiêu, yêu cầu, chủ trương sáp nhập.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể đã tích cực vào cuộc, tuyên truyền, tác động đa chiều với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; phát huy dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” đã tạo được sự đồng thuận và ủng hộ cao của nhân dân. Vì vậy, việc thực hiện thí điểm đã đạt kết quả tích cực, Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết sáp nhập 39 tổ dân phố; 82 thôn, xóm; thành lập 01 thôn, xóm mới; đặt tên mới 41 thôn, xóm, đổi tên 02 tổ dân phố.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ trên, thời gian qua tỉnh Hoà Bình đã lựa chọn công tác dân vận trong dồn điền, đổi thửa để thực hiện chỉ đạo quyết liệt, phát triển mạnh mẽ hơn nữa nông nghiệp của địa phương. Theo Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi  Văn Tỉnh, Hòa Bình là tỉnh miền núi với địa hình chia cắt, có nhiều đồi núi và sông, suối dày đặc, ruộng đất phân tán, manh mún, gây khó khăn trong sản xuất. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo thực hiện mô hình “dồn điền, đổi thửa” ở các địa phương trong tỉnh để tạo thuận lợi hơn trong canh tác, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dồn điền, đổi thửa; chủ động, tự nguyện tham gia dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Trong quá trình thực hiện luôn đảm bảo nguyên tắc: Công khai, công bằng, dân chủ, minh bạch, cùng có lợi trên cơ sở quy định của pháp luật và đảm bảo phát triển, ổn định chính trị - xã hội, an ninh trật tự ở địa bàn nông thôn.

Đến nay, toàn tỉnh có 22/191 xã, 7 nghìn hộ gia đình thực hiện dồn điền, đổi thửa với trên 2.700 ha. Sau dồn điền, đổi thửa, nông dân tích cực đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn, nhóm nông dân tự nguyện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được cải thiện, phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất.

“Để đạt được những thành công bước đầu như vậy có phần đóng góp quan trọng của công tác dân vận”, Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình nhấn mạnh./.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực