100% sinh viên nhiều ngành của Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội ra trường có việc làm ngay

Thứ tư, 19/09/2018 21:20
(ĐCSVN) - Năm học 2017-2018, Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội có 2.272 sinh viên tốt nghiệp ra trường, tỷ lệ sinh viên ra trường năm học 2017-2018 có việc làm đạt tỷ lệ cao hơn năm 2017, nhiều ngành sinh viên ra trường có việc làm ngay đạt 100% như kế toán, du lịch, điện….

Trong không khí cả nước học sinh, sinh viên phấn khởi, háo hức bước vào năm học mới, cùng hân hoan chào đón những sự kiện trọng đại của đất nước trong tháng 9, ngày 19/9, Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2018-2019.


Đại diện lãnh đạo Tổng Cục dạy nghề tặng hoa động viên thầy và trò
Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội nhân dịp năm học mới. Ảnh: VA

Tại Lễ khai giảng, TS. Nguyễn Xuân Sang – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội chúc mừng 2.700 tân sinh viên K11 mới nhập trường; đồng thời chia sẻ, một trong những thành tích nổi bật trong năm học vừa qua. Theo đó, năm học 2017-2018, Trường đã hoàn thiện hầu hết các nội dung chuyển đổi theo mô hình mới sau khi chuyển từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐTB&XH quản lý, trong đó lớn nhất là chuyển đổi chương trình đào tạo và đăng ký lại hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Sau khi sang Bộ LĐTB&XH quản lý thì các hoạt động của Trường tiếp tục phát triển một cách nề nếp, bài bản hơn.

4 khối ngành chính với trên 23 ngành đào tạo bậc Cao đẳng tiếp tục được Nhà trường tập trung đầu tư và phát triển là: Khối ngành Công nghệ; Khối ngành Kinh tế- Xã hội; Khối ngành Dịch vụ- Du lịch; Khối ngành Chăm sóc sức khỏe.

TS Nguyễn Xuân Sang cho biết, năm học 2017-2018, Nhà trường có 2272 sinh viên tốt nghiệp ra trường, tỷ lệ sinh viên ra trường năm học 2017-2018 có việc làm đạt tỷ lệ cao hơn năm 2017, nhiều ngành sinh viên ra trường có việc làm ngay đạt 100% như kế toán, du lịch, điện…. với thu nhập khá.

Việc cải tiến chương trình đào tạo theo hướng gắn chặt với với doanh nghiệp và thị trường lao động tiếp tục được đẩy mạnh, tiêu biểu như chương trình của khoa Điện - Điện tử, Du lịch…. Mô hình đào tạo gắn kết: Nhà trường - Doanh nghiệp - Thị trường lao động ngày càng thể hiện rõ ưu việt và giúp cho sinh viên có kiến thức thực tế, có thu nhập ngay khi còn trên ghế nhà trường. Với mô hình này, có những ngành sinh viên hoàn toàn có thể tự nuôi sống bản thân mình khi vừa học vừa đi thực hành, thực tập có thêm thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề, có đầu ra ngay từ khi còn chưa tốt nghiệp.

Một số chương trình đào tạo đã được kết cấu theo modul để sinh viên học xong modul nào thì có thể làm việc luôn thuộc lĩnh vực mình được đào tạo như mô hình của khoa du lịch, công nghệ thông tin... Bước đầu một số ứng dụng và thành tựu của cách mạng 4.0 đã và đang được áp dụng tại trường trong công tác quản lý, đào tạo với định hướng tạo ra sự khác biệt về chất lượng, tính bài bản và chuyên nghiệp trong tất cả các lĩnh vực của trường.

Với khẩu hiệu “Nói không với thất nghiệp” của Nhà trường đang tiếp tục được cán bộ, giảng viên và sinh viên hiện thực hóa thông qua các hành động, việc làm cụ thể, thầy không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trò hăng say học tập, rèn luyện. Cả thầy và trò đều cùng phải năng động, sáng tạo trong bối cảnh mới.

Nhiều chương trình hợp tác quốc tế với các trường đại học, cao đẳng, nghiệp đoàn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức…đã được ký kết và đang được triển khai để sinh viên khong những được thực tập, thực hành trong nước mà tiếp tục được thực tập, thực hành có hưởng lương tại các nghiệp đoàn, các nhà trường đối tác. Bên cạnh đào tạo về chuyên môn, tay nghề, Nhà trường đã đưa vào giảng dạy cho sinh viên các kỹ năng, ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh như tiếng Đức, Nhật, Hàn Quốc, trong đó tiếng Nhật và Hàn dạy miễn phí để tăng cơ hội tiếp cận việc làm tốt hơn cho sinh viên.

TS Nguyễn Xuân Sang chia sẻ thêm, cùng với sự thay đổi chính sách của Nhà nước trong quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, tạo cơ hội cho người học tiếp cận với các mô hình học nghề phù hợp, học thật, làm được thật, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đều tiếp cận và tìm hướng đi mới trong bối cảnh cạnh tranh không còn là giữa các trường mà đã trở thành cạnh tranh quốc tế. Nguồn đầu vào của giáo dục nghề nghiệp cạnh tranh trực tiếp với xuất khẩu lao động, du học, các doanh nghiệp sử dụng lao động phổ thông… Do đó, việc đào tạo người lao động trong bối cảnh mới đặt ra cho mỗi cán bộ, giảng viên, nhà trường trong năm học 2018-2019 và những năm tiếp theo phải không ngừng sáng tạo, cải tiến chương trình, phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, không để tình trạng phải đào tạo lại khi đã tốt nghiệp. Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội là một trong số ít trường năm 2018 đã cam kết việc làm cho sinh viên sau đào tạo và sẽ nỗ lực để cam kết của mình luôn luôn được thực thi./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực