Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Thứ sáu, 10/02/2017 16:05
(ĐCSVN) - Đây là tên toạ đàm trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 10/2 nhằm đánh giá những mặt làm được và chưa được của công tác kiểm định chất lượng giáo dục thời gian qua, làm rõ hơn mục tiêu và giải pháp về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư mới của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT).

Tọa đàm "Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học”. Ảnh: VA

Tham gia tọa đàm có PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT); GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội); PGS.TS Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Long – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội.

Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Thông tư ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học để lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận.

Thông tư này nhằm đánh giá chất lượng, chu kỳ kiểm định các cơ sở giáo dục đại học của hệ thống giáo dục đại học ASEAN (AUN) với 111 tiêu chí. Qua tiêu chuẩn kiểm định này, chúng ta thấy được các trường đại học (ĐH), cao đẳng của Việt Nam đang ở đâu so với quốc tế.

Bộ tiêu chuẩn có 111 tiêu chí, cùng các giải pháp hết sức quan trọng là thay đổi nội dung chương trình giảng dạy theo hướng thực học, thực nghiệp; bám sát vào nhu cầu thị trường lao động trong nội khối, thị trường lao động quốc tế.

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, hầu hết các trường ĐH Việt Nam đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, nhiều trường đã được đánh giá ngoài. Bên cạnh đánh giá nhà trường, nhiều chương trình đào tạo cũng được đánh giá theo chuẩn trong nước cũng như quốc tế. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ phục vụ việc đảm bảo chất lượng đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ. Có hơn 700 người hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên, trong số đó, gần 240 người được cấp thẻ kiểm định viên, đủ điều kiện để tham gia đoàn đánh giá ngoài, đến đánh giá ở các trường ĐH.

Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh cũng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động kiểm định chất lượng trong trường ĐH còn những bất cập, cần cố gắng hơn. Đó là nhận thức, chuyển biến của cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường ĐH hiện nay chưa đồng đều, kéo theo chất lượng báo cáo tự đánh giá của nhà trường chưa đạt được yêu cầu  như mong muốn, có những trường tốt nhưng cũng có trường kém hơn;

Hệ thống văn bản tương đối đầy đủ, nhưng những chế tài để khuyến khích trường làm tốt, xử lý các trường chưa tốt, chưa thực sự chú trọng đến hoạt động này chưa mạnh. Các bộ công cụ đánh giá hiện nay ở chừng mực nào đó cũng chưa theo kịp được với sự vận hành phát triển nhanh của giáo dục đại học, của quốc tế.

Để có tầm nhìn dài hạn hơn, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế -  xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đặc biệt đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thì việc nâng cao chất lượng đào tạo, trọng trách của các cơ sở giáo dục ĐH được đặt lên một tầm cao mới.

Chính vì vậy, ông Mai Văn Trinh cho rằng, cần thiết phải xây dựng một thông tư mới, một bộ công cụ mới như là một thang thước đo đạt chuẩn khu vực, để từ đó, các trường đánh giá xem mình mạnh yếu ra sao, duy trì điểm mạnh, khắc phục hạn chế, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.

Chia sẻ về bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục hiện hành, GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, xét về nội dung, bộ tiêu chuẩn hiện hành cũng đã bao trùm khá nhiều nội dung hoạt động của trường ĐH, bao gồm hình thức quản lý, chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, đội ngũ cán bộ, người học, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cơ sở vật chất, tài chính… Tuy nhiên, giáo dục liên tục thay đổi, các chức năng của trường ĐH cũng có biến đổi.

“Bộ tiêu chuẩn hiện hành hướng nhiều theo cách tiếp cận quản trị chất lượng, quản trị theo quy định. Điều này rất cần thiết với giai đoạn đầu phát triển của giáo dục. Nhưng xu thế quản trị, khi dần đạt được văn hóa chất lượng, các trường ĐH có ý thức tốt hơn trong xây dựng văn hóa chất lượng, việc áp đặt như vậy không đem lại hiệu quả bằng quản trị theo nguyên lý và nguyên tắc. Vì vậy, những mô hình quản trị mới đi theo hướng quản trị theo nguyên lý và nguyên tắc sẽ tốt hơn, phù hợp hơn” – GS.TS Nguyễn Quý Thanh phân tích thêm.

Đại diện tiếng nói từ phía trường ĐH, PGS.TS Nguyễn Văn Long – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ, Trường luôn cầu thị, muốn biết mình đang ở đâu trong khối các trường ĐH ở Việt Nam cũng như khu vực Châu Á, hướng tới cải tiến, nâng cao chất lượng. Vì vậy, kiểm định chất lượng là một công cụ hữu hiệu giúp trường làm điều đó.

PGS.TS Nguyễn Văn Long đồng tình cần có sự thay đổi bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục ĐH vì cho rằng, các bộ tiêu chuẩn trong mỗi thời kỳ phù hợp với giai đoạn đó của mỗi nhà trường cũng như của xã hội, để bắt kịp xu thế của xã hội, sự phát triển của nhà trường, việc thay đổi là tất yếu.

“Trong bộ tiêu chuẩn hiện hành có 1 số tiêu chí, nội dung tương đối lạc hậu so với thực tế, ví dụ niên chế chẳng hạn vì chúng ta đã chuyển sang tín chỉ từ lâu; hoặc một số hoạt động đoàn thể chiếm tương đối khâu đánh giá. Nếu thêm khâu đó vào đương nhiên phải cắt phần khác đi thì hàm lượng đánh giá sẽ không chuẩn nữa.

Trong quá trình tự đánh giá, trường thấy một số yếu tố, nội dung hiện tại rất “nóng” cần phải đưa vào thì lại không có kiểm định; trường có những mặt rất mạnh nhưng trong kiểm định lại chưa đề cập đến việc đó, cũng không phản ánh được đầy đủ chất lượng” - PGS.TS Nguyễn Văn Long bày tỏ.

Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ thêm, trong khâu kiểm định chất lượng giáo dục trường có 3 yếu tố là tiêu chuẩn, cách đánh giá và quy trình. So 3 yếu tố đó trong thông tư hiện hành và thông tư dự thảo, ta sẽ thấy tính ưu việt của thông tư dự thảo. Thông tư dự thảo đã phản ánh một cách tương đối toàn diện, rõ nét những hoạt động của nhà trường. Thông tư hiện hành cũng có nhưng vẫn chung chung, dàn đều, thì thông tư dự thảo có trọng số và có nội dung.

Bên cạnh đó, cách đánh giá theo thông tư dự thảo rất hay là theo 7 mức. Nếu đánh giá được theo 7 mức này thì chúng ta sẽ biết được là chúng ta đang ở mức nào, ở đâu. Trong khi đó, thông tư hiện hành chỉ có 2 mức là đạt và chưa đạt./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực