Xử lý tổ chức tín dụng yếu kém: Không ít cán bộ xin nghỉ việc, chuyển công tác

Thứ ba, 23/05/2017 09:59
(ĐCSVN) – Chiều ngày 22/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi,
 bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Hệ thống các tổ chức tín dụng còn nhiều tồn tại, hạn chế

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng" và sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”, đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cho thấy, hệ thống các tổ chức tín dụng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trước hết là hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn, nhiều tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh thua lỗ.

Mặt khác, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.

Đáng chú ý, giai đoạn vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất nếu không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện việc hỗ trợ.

Theo Chính phủ, việc các tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng yếu kém trên thực tế trong thời gian vừa qua do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó yếu tố chủ yếu là: Năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức độ tăng trưởng, mức độ và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động; Tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để. Thực tiễn cho thấy rất khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể...

Việc khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém chưa hoàn thiện đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước nói chung cũng như các cán bộ xử lý trực tiếp nói riêng (bao gồm cán bộ tham mưu của Ngân hàng Nhà nước, các nhân sự của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia quản trị, điều hành các ngân hàng mua bắt buộc) khi nghiên cứu, tìm các biện pháp xử lý tồn tại, vướng mắc của các ngân hàng này. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ cũng như công tác chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (trên thực tế có không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, bao gồm cả việc tham gia Ban kiểm soát đặc biệt) do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý. Qua đó, tác động lớn đến nguồn nhân lực xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

Theo Chính phủ, việc không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém có thể dẫn tới một số hệ lụy như: Những bất cập, thiếu hụt liên quan đến cơ sở pháp lý xử lý, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém không được giải quyết; Mức độ an toàn hoạt động ngân hàng và nguy cơ rủi ro lan truyền; Ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP...

Do đó, theo Chính phủ, để xử lý các vướng mắc, bất cập nêu trên thì việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định tại Luật các TCTD để xử lý các vấn đề đặc thù trong quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD yếu kém là cần thiết.

Xử lý tình trạng sở hữu chéo, ngăn ngừa nợ xấu mới

Theo Chính phủ, Dự thảo Luật gồm 5 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành.

Theo đó, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành tại Luật Các tổ chức tín dụng về nâng cao năng lực quản trị điều hành, xử lý tình trạng sở hữu chéo, ngăn ngừa nợ xấu mới, tổ chức tín dụng yếu kém mới phát sinh.

Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung về kiểm soát đặc biệt theo hướng hoàn thiện các quy định hiện hành nhằm xử lý được các vướng mắc, bất cập trong quá trình Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tổ chức tín dụng trên thực tế thời gian vừa qua.

Về thẩm quyền xử lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý, cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, dự thảo Luật quy định: Chính phủ quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản, chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước; Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương phục hồi, xử lý pháp nhân ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính; mức cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát, theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, trừ phương án phá sản; Ngân hàng Nhà nước quyết định phê duyệt phương án phục hồi, phương án xử lý pháp nhân đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trừ các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên đây.

Về miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, dự thảo Luật quy định: Cán bộ, công chức, thành viên Ban kiểm soát đặc biệt, người của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khi việc không đạt kết quả không phải do nguyên nhân chủ quan, trừ trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và được chuyên gia quốc tế do ADB hỗ trợ xây dựng dự thảo Luật đánh giá cao.

Đáng chú ý, theo Chính phủ, quy định hiện hành chưa quy định rõ về chủ trương lựa chọn phương án xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (phục hồi hay xử lý pháp nhân) trước khi Ban kiểm soát đặc biệt thực hiện phương án củng cố tổ chức và hoạt động. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, dự thảo Luật xây dựng quy định về đề xuất và phê duyệt chủ trương xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, trong đó, nêu cụ thể đối tượng đề xuất, thẩm quyền phê duyệt chủ trương phù hợp với từng loại hình tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Về xây dựng, phê duyệt Phương án phục hồi: Dự thảo Luật quy định rõ ràng trách nhiệm, trình tự, thẩm quyền xây dựng, phê duyệt phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Về các biện pháp hỗ trợ phục hồi: Dự thảo Luật quy định cụ thể các biện pháp hỗ trợ phục hồi bao gồm các biện pháp hỗ trợ tài chính. Trên cơ sở thực trạng của từng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, phương án phục hồi sẽ xác định cụ thể việc áp dụng một hoặc một số các biện pháp hỗ trợ phục hồi (bao gồm cả thời hạn áp dụng, quy mô biện pháp hỗ trợ).../.

Minh Duyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực