Nếu dùng rượu bia mà không kiểm soát thì bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân, tội phạm

Thứ năm, 23/05/2019 15:52
(ĐCSVN) – Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm thống nhất quy định cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet; đồng thời đề nghị mức xử phạt từ xử lý hành chính cho thôi việc, thu hồi bằng lái từ 1-5 năm, thu bằng vĩnh viễn, phạt tiền đến 100 triệu nếu lái xe uống rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Luật hóa nhiều nội dung tăng cường quản lý

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ và Hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng và những nội dung chủ yếu của dự án Luật.

Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với Ban Soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị ĐBQH, ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, thực hiện khảo sát về việc quản lý rượu, bia, lấy ý kiến về dự thảo Luật tại một số địa phương, tổ chức hội nghị khu vực phía Bắc và phía Nam để lấy ý kiến và đối thoại với các tổ chức, hiệp hội, cơ sở kinh doanh rượu, bia, các tổ chức sức khỏe cộng đồng, đồng thời tổ chức nhiều cuộc tọa đàm chuyên gia về các nội dung của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, so với pháp luật hiện hành, dự thảo Luật đã luật hóa hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trước Quốc hội sáng 23/5. Ảnh: ĐT 

Dự thảo Luật quy định về quản lý việc kinh doanh rượu, bia theo hướng quản lý rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh để có thể quản lý được việc lưu hành của sản phẩm này trên thị trường và bảo đảm an toàn thực phẩm; quản lý kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ thông qua việc giao Chính phủ quy định cụ thể; không cấm bán rượu, bia trên internet mà chỉ quy định điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; quy định cụ thể hơn về việc quản lý quảng cáo rượu, bia và tài trợ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia.

Dự thảo Luật quy định độ tuổi được mua rượu, bia; địa điểm không uống rượu, bia, địa điểm không bán rượu, bia và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý cơ sở có địa điểm không uống, không bán rượu, bia và người đứng đầu cơ quan, tổ chức và gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị dự thảo Luật chỉ nên đưa ra các quy định có liên quan đến sức khỏe và thuộc lĩnh vực y tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nếu chỉ đưa ra các quy định có liên quan đến sức khỏe và thuộc lĩnh vực y tế mà không đề cập đến các biện pháp ngoài y tế khác nhằm “giảm cung”, “giảm cầu” sẽ không bảo đảm tính toàn diện và hiệu quả trong công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia và chưa thể chế hóa triệt để nhiệm vụ “thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá” được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật.

Về chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia (Điều 3), một số ý kiến đề nghị bổ sung chính sách liên quan đến việc áp dụng các chính sách thuế phù hợp để giảm mức tiêu thụ rượu, bia; ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể lộ trình tăng thuế ngay trong Luật và bổ sung chính sách thuế theo hướng mức thuế tương ứng với nồng độ cồn trong rượu, bia.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, lộ trình tăng thuế cũng như việc áp mức thuế suất đối với rượu, bia theo nồng độ cồn nên để pháp luật chuyên ngành về thuế quy định thì sẽ phù hợp hơn và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về thuế, do vậy, xin không quy định trong dự thảo Luật.

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 5), theo bà Nguyễn Thúy Anh, có một số ý kiến đề nghị rà soát các quy định có nội dung cấm tại các điều nằm rải rác trong dự thảo Luật và bổ sung quy định cấm ép buộc người khác sử dụng rượu, bia; cho người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia; cấm uống chất có cồn trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông; cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông; quảng cáo, khuyến mại rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức…

Thảo luận tại Hội trường, các ĐBQH thảo luận sôi nổi ngay từ đầu với các nội dung của dự thảo Luật như: quy định về quản lý, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia; các biện pháp quản lý rượu thủ công; về các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia….

Nguy cơ ai cũng thành nạn nhân, tội phạm

“Nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm” - Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhấn mạnh và bày tỏ băn khoăn về nhóm giải pháp có tính ngăn ngừa trong dự thảo luật liệu đã đủ tạo nên rào cản vững chắc để giải quyết vấn đề ưu tiên “thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên” hay chưa?

Theo đại biểu Hiền, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề: Hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu, bia và nước uống có cồn; và kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu, bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.

“Qua khảo sát các trẻ từ 12-16 tuổi cho thấy có 83% liệt kê có sử dụng đồ uống có cồn. Nhưng nguy hại hơn 80% trẻ em cho rằng sử dụng do quảng cáo là nước trái cây có ga, nước lên men. Nếu không muốn nói quảng cáo tự do đánh tráo khái niệm thì điều này đã trái với việc nghiêm cấm, cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu bia đối với sức khỏe đã được nêu trong quy định của Luật”- đại biểu Hiền dẫn số liệu.

Vị đại biểu đoàn Phú Yên nêu thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2 đến 5%, đây cũng là lựa chọn chính khi giới trẻ bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5%.

Đối với biện pháp hạn chế, kiểm soát trẻ em mua rượu bia, nữ đại biểu cho biết bất ngờ khi dự thảo này không còn quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên internet.

Đại biểu này nhấn mạnh không thể dễ dàng bỏ qua những đánh giá tác hại của rượu bia đối với trẻ em, thuộc nội hàm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Luật phải có sự minh định rõ ràng, tính đến yếu tố khả thi khi áp dụng chứ không thể thiếu sự mạch lạc, ít nhất là với các điều khoản có tác động, ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em, vị thành niên. Chúng ta không thể “hồn nhiên” loại bỏ yếu tố quan trọng nhưng lại “hăm hở” đưa vào các điều “cấm” mà thực tế lại không diễn ra.

“Tôi không nghĩ dự thảo luật mới nhất lại sơ suất bỏ sót yếu tố kỹ thuật, “chân nọ xọ chân kia” tựa như một dáng đi xiêu vẹo, không còn vững vàng về khung pháp lý được xem như “xương sống”, và “trục lái” của một bộ luật đã gần như mất đi sự tỉnh táo, cứng rắn so với dự thảo cũ”, nữ đại biểu đoàn Phú Yên nêu ý kiến.


Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên). Ảnh: ĐT

Mâu thuẫn, cài cắm hay thiếu sót?

Đồng quan điểm với đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng cho rằng các chế định được xem là xương sống như cấm quảng cáo rượu bia, cấm bán rượu bia trên internet hay quy định giờ cấm bán bị đẩy ra ngoài làm cho những vấn đề đặt ra tại kỳ họp thứ 6 nhiều lần giải trình nhưng chưa thỏa đáng, thiếu thuyết phục.

“Chúng ta sẽ rất đau khi nhìn thấy sự giằng xé giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Và rồi cố đưa ra các chế định để phòng chống tác hại trong dự luật này” – đại biểu Nhân nói và dẫn chứng một trong những quy định bị đẩy ra khỏi dự luật là cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet. Lắp vào điều trên, dự thảo đã chế định việc bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử, trong đó có quy định kiểm soát độ tuổi tiếp cận quảng cáo rượu bia.

“Thực trạng phổ biến độ tuổi tiếp cận Internet ngày càng trẻ hóa thì bỏ chế định trên có phải là vẽ đường cho hươu chạy? Thật lạ là báo cáo giải trình chỉ đề nghị cân nhắc điều cấm này vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các DN mà quên cân nhắc nguy cơ, tác hại đến trẻ em-  một đối tượng yếu thế của xã hội” – vị đại biểu đoàn Bình Dương băn khoăn.

Đại biểu này cũng đặt vấn đề: Điều kiện chưa đảm bảo, lại cho phép bán bia trên internet trong khi biện pháp kiểm soát không thể hữu hiệu thì đây là sự mâu thuẫn, cài cắm hay thiếu sót về kỹ thuật lập pháp?.

Theo dự thảo thì bia dưới 5,5 độ cồn sẽ được quảng cáo trong các chương trình theo quy định và chỉ bị hạn chế từ khung giờ 19-20 giờ trên báo nói và báo hình. Song thực tế khung giờ này không phải khung giờ vàng của các chương trình mà dự thảo quy định nên bia dưới 5,5 độ cồn bao phủ gần như thị trường, không biết vô tình hay hữu ý lại nghiễm nhiên nằm trong vùng an toàn của việc quảng cáo.

“Dự luật lần này có thể hoàn chỉnh về kỹ thuật lập pháp nhưng có lẽ chưa hoàn chỉnh cả về tư duy và trách nhiệm trong sứ mệnh chăm lo sức khoẻ nhân dân” – đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu quan điểm và nhấn mạnh bản chất phải phục vụ nhân dân chứ không phục vụ bất cứ nhóm lợi ích nào khác. Do đó đề nghị rà soát, điều chỉnh quy định ngưỡng độ cồn từ 4-5 độ thay vì từ 5,5 độ như dự thảo.

“Đừng để đạo luật đầy tính nhân văn lại trở thành công cụ đảm bảo “ngôi vương” trong tiêu thụ rượu, bia” – ông Nhân nói.

 Nêu quan điểm về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhìn nhận tác hại của rượu bia với việc lái xe uống rượu bia gây tai nạn làm tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Theo đó, đại biểu Phương đề nghị mức xử phạt từ xử lý hành chính đến phê bình cho thôi việc, thu hồi bằng lái từ 1-5 năm, thu bằng vĩnh viễn, phạt tiền đến 100 triệu nếu uống rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng.

Đề cập thực trạng, rượu thủ công và rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ mặc dù đang chiếm khoảng 70% thị trường rượu nhưng chưa được quản lý và là nguyên nhân gây ngộ độc thời gian qua, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần quy định điều khoản cụ thể chặt chẽ về biện pháp quản lý các loại rượu này. Để tiến tới mục tiêu rượu thủ công được kiểm soát, đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa tác hại của rượu thủ công đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Theo chương trình, chiều nay Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra các dự án Luật: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; dự án Luật Thư viện và thảo luận ở tổ về hai dự thảo luật này./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực