Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại việc miễn, giảm thuế quá nhanh và rộng

Thứ ba, 13/06/2017 15:13
(ĐCSVN) - Việc miễn, giảm thuế đã được ban hành với tốc độ khá nhanh, phạm vi khá rộng và đối tượng miễn, giảm thì ngày một tăng...

"Biên chế cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách"

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường (Ảnh: quochoi.vn)

Đây là một trong những lo lắng của đại biểu đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) khi phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 sáng 12/6.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) dành toàn bộ thời gian cho ý kiến về một vấn đề liên quan đến chính sách thu, đó là vấn đề miễn, giảm thuế.

Đại biểu nhấn mạnh: Ngay từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới, cùng với các quy định về khuyến khích đầu tư, các quy định về miễn, giảm thuế đã phát huy tác dụng và góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, góp phần giải quyết nhiều vấn đề mang tính xã hội. Tuy nhiên, qua nhiều năm thực hiện, qua giám sát thực tế, qua hoạt động thẩm tra cũng như qua so sánh với văn bản pháp luật của nhiều nước trên thế giới thì thấy các quy định liên quan đến chính sách thu, trong đó có các quy định về miễn, giảm thuế đã có những bất cập, hạn chế nhất định.

Đại biểu phân tích, việc miễn, giảm đã được ban hành với tốc độ khá nhanh, phạm vi khá rộng và đối tượng miễn, giảm thì ngày một tăng. Đại biểu thông tin: “Hiện nay, theo thống kê của tổ chức Oxfam thì trên toàn quốc chúng ta có khoảng 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư, 27 lĩnh vực thuộc diện đặc biệt khuyến khích đầu tư. Có 53/64 tỉnh, thành phố có huyện, xã thuộc địa bàn khuyến khích đầu tư, trong đó có áp dụng quy định về miễn giảm thuế. Ngoài ra, chúng ta có 300 khu kinh tế, khu công nghiệp đang áp dụng chính sách miễn giảm thuế”.

Đại biểu cũng băn khoăn khi chỉ trong 2 kỳ họp vừa qua, tại kỳ họp thứ 3 và 4 Quốc hội đã xem xét thông qua và chuẩn bị thông qua nhiều đạo luật, trong đó có quy định chính sách miễn, giảm thuế, đó là hàng loạt các dự án luật, như dự án Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Đường sắt (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết về xử lý nợ xấu, Luật Thủy lợi, Luật Du lịch, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ rừng, tất cả những đạo luật này đều chứa đựng quy định miễn, giảm thuế và cơ chế tài chính đặc thù.

Bất cập khác được đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu là hiện nay có tình trạng khá phổ biến, đó là lồng ghép các chính sách xã hội và chính sách thuế. Theo đại biểu “Đôi khi chúng ta sử dụng công cụ thuế như một công cụ hữu hiệu để giải quyết những vấn đề mang tính xã hội. Điều này làm mất đi tính trung lập của thuế, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Mặt khác, các quy định về miễn, giảm thuế chưa mang tính hệ thống. Hiện nay ngoài các đạo luật về thuế, quy định về miễn, giảm thuế, rất nhiều đạo luật khác cũng quy định, như Luật Đất, đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, điều này làm ảnh hưởng đến tính hệ thống của các quy định này.

Trước thực trạng này, đại biểu thấy phát sinh một số bất cập, đó là việc miễn giảm thuế trên diện rộng trong thời gian dài sẽ tác động phần nào đến thu ngân sách nhà nước. Đại biểu dẫn chứng “theo ước tính của Chính phủ, hiện nay cứ giảm 1% thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp đồng nghĩa với việc chúng ta giảm thu từ ngân sách nhà nước 6.000 tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2013 khi chúng ta thực hiện miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm thu 2.080 tỷ. Vào năm 2014 giảm thu 2.500 tỷ, đó là chưa kể trong giai đoạn vừa qua, trong nhiều năm, từ năm 2008 đến nay, chúng ta đã áp dụng liên tục 6 nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế và cũng tác động phần nào đến thu ngân sách”.

Theo đại biểu, việc miễn, giảm thuế cũng góp phần làm giảm tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước. Nếu như trong năm 2011, tỷ lệ huy động vào ngân sách đạt 26%, đến năm 2015 tỷ lệ chỉ còn 23,8%. Nếu so sánh giai đoạn 2006 đến 2010 tỷ lệ động viên từ thuế phí đạt 24,9% đến 2011 - 2015 chỉ còn 20,9% và không đạt được mục tiêu đề ra là từ 22-23% và nếu so sánh với các nước trong khu vực như là Thái Lan, Lào, Malaysia, tỷ lệ của chúng ta thấp hơn rất nhiều, Lào là 23,4% và Malaysia là 24,5%. Qua giám sát thực tế tại nhiều địa phương cũng rất trăn trở, chính sách miễn, giảm thuế cũng tác động phần nào đến thu ngân sách tại địa phương.

Đại biểu cũng nói rõ, nếu chúng ta tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sẽ không bảo đảm tính thống nhất với những chính sách mà chúng ta vừa ban hành.

Mặt khác việc miễn, giảm thuế trong một số trường hợp cũng tạo tâm lý chưa thực sự bình đẳng giữa người được miễn, giảm và đối tượng không được miễn, giảm, trong nhiều trường hợp cũng gây tâm lý cạnh tranh chưa thực sự bình đẳng.

Đại biểu thẳng thắn phát biểu: “Theo phóng sự điều tra ngày 8/6 chúng ta xem trên chương trình thời sự, rất nhiều doanh nghiệp cho rằng vấn đề thuế không phải là vấn đề mấu chốt, mà cái họ kỳ vọng từ phía Chính phủ đó là chính sách xúc tiến thương mại, mặt bằng sản xuất là khoa học công nghệ, hỗ trợ về vốn, tín dụng, thuế chưa phải là vấn đề quan trọng nhất. Xuất phát từ thực trạng này, chúng tôi đề nghị đối với Chính phủ khi soạn thảo những văn bản pháp luật để trình Quốc hội xem xét thông qua thì cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, trong trường hợp liên quan đến miễn, giảm thuế cũng cần có sự đồng thuận từ phía Bộ Tài chính”.

Đại biểu cũng đề nghị, nên hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong chính sách thuế. Trong trường hợp cần thiết phải giải quyết vấn đề mang tính xã hội thì nên áp dụng chính sách chi ngân sách trực tiếp thay vì miễn giảm thuế. Điều này sẽ dẫn đến tính chưa thực sự minh bạch, đơn giản trong tổ chức thực hiện. 

Chốt lại phát biểu, đại biểu nhấn mạnh: “Tôi vẫn luôn khẳng định việc miễn giảm thuế trong nhiều trường hợp là thực sự cần thiết và có hiệu quả. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc chúng ta cần phải rà soát một cách tổng thể để làm sao chính sách miễn giảm phát huy hiệu quả đích thực. Bên cạnh nhiệm vụ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiệm vụ của chính sách miễn giảm thuế và nhiệm vụ của thuế vẫn phải là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo sự ổn định cho ngân sách nhà nước. Đảm bảo tính minh bạch, công bằng và phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận thực tế được đại biểu nêu. Bộ trưởng phát biểu “...thời gian vừa qua chúng ta giảm thuế thu nhập doanh nghiệp quá nhanh, từ 25% xuống 22% và phổ thông và 20%, trong khi yêu cầu đến năm 2020 mới xuống 20%. Để khuyến khích đầu tư chúng ta có nhiều chính sách về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn 4 năm, giảm 9 năm.. rất nhiều chính sách để miễn, giảm, những vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn và doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ cao. Thuế thu nhập cá nhân, chúng ta cũng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế từ 4 triệu lên 9 triệu. Những chính sách này, chúng tôi đã báo cáo, tổng kết trong thời gian vừa qua như vậy, chúng ta đã giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1% GDP, giảm tỷ lệ động viên”./.

Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực