Nhà xưởng nằm trong khu dân cư: “Cái bẫy chết người”!

Thứ bảy, 13/04/2019 20:25
(ĐCSVN) – Thêm một vụ cháy là lại thêm những nỗi đau, những con số thảm khốc cùng độ dài của sợi dây kinh nghiệm. Vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại Trung Văn (Hà Nội) thực ra không phải là chưa có tiền lệ. Và “cái bẫy chết người” đã từng được nhắc tới khi các khu dân cư đông đúc buộc phải sống cùng hệ thống nhà xưởng chằng chịt ở ngoại ô.

Hiện trường vụ cháy tại Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh: vnexpress)

Những thảm cảnh từ các vụ cháy tại Karaoke 68 Trần Thái Tông hay Carina Plaza đã thu hút rất nhiều sự chú ý khi hàng loạt vấn đề về phòng cháy chữa cháy (PCCC) bị phơi bày. Đó là chúng ta đang nói tới nguy cơ và giải pháp PCCC dành cho các địa điểm vui chơi giải trí hay chung cư cao cấp. Nhưng có vẻ như với những khu vực tập trung cư dân lao động nghèo và địa bàn sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa, câu chuyện về “thần lửa” ít được nhắc tới hơn. Trước sự việc tại Trung Văn, năm 2017, vụ cháy xưởng bánh kẹo tại Đức Thượng, Hoài Đức cũng đã khiến 8 người tử vong, 2 người bị thương nặng. Tháng 3/2018, tới lượt làng nghề Triều Khúc cháy lớn, rất nhiều tài sản của bà con tiểu thương bị thiêu trụi. Gần đây nhất, liên tiếp trong tháng 3 và đầu tháng 4/2019, 1 nhà xưởng đóng gói hoa quả tại Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) và 1 xưởng chứa dầu nhớt tại Bà Điểm, Hóc Mon cũng cháy thành tro.

Vẫn biết chúng ta đang nỗ lực thay đổi hệ thống quy hoạch và kiểm soát PCCC. Cũng không thể đổ lỗi hoàn cho các cơ quan chức năng mỗi khi cháy nổ xảy ra. Nhưng phải chăng đã từ lâu, việc thanh kiểm tra, tuyên truyền và xử lý vi phạm ở các khu ngoại ô tập trung nhiều nhà xưởng chưa được quan tâm đúng mức?

Nên nhớ, khu Trung Văn thuộc Nam Từ Liêm chỉ là một trong số rất nhiều khu vực có mật độ dân cư lớn, nơi trú ngụ của phần lớn bà con lao động từ các địa phương khác sống đan xen với các khu nhà xưởng theo kiểu hộ gia đình. Dễ thấy, các nhà xưởng ở những khu vực tương tự đều có diện tích không lớn, nhưng thường tận dụng hầu như toàn bộ mặt bằng để sản xuất, chưa kể đến các loại nhà ống liền kề, các kho xưởng khép kín khoảng không. Nhiều địa điểm như vậy, bằng mắt thường cũng thấy giải pháp ngăn cháy bằng 0, chứ chưa cần nói đến các phương án dự phòng khi cần thoát hiểm.

Với những khu dân cư hàng trăm nghìn người sống đan xen với hoạt động sản xuất thiếu an toàn, nguy cơ tiềm ẩn là rất lớn, và cũng rất khó kiểm soát tình hình mỗi khi xảy ra hỏa hoạn. Đặc thù địa hình quanh co, chật chội, các nhà xưởng tiết kiệm chi phí khi để công nhân lao động và sinh hoạt tại chỗ, hậu quả khi cháy nổ thường rất nặng nề. Bên cạnh các khu nhà xưởng tự phát, chính quyền nhiều khi cũng khó thể quản lý bởi phần lớn kho xưởng đều thuê đất dự án hoặc thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Sự bế tắc trong việc quản lý địa bàn có nhà xưởng đan xen với dân cư cũng một phần từ đó mà ra.

Ngay sau sự việc tại phường Trung Văn, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã ký Công điện chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm vi phạm nếu có. Bên cạnh đó, sự quan tâm kịp thời của UBND Thành phố Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng trên địa bàn cũng đã phần nào giúp nguôi ngoai nỗi đau của gia đình các nạn nhân. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ cần thêm một thời gian dài để chúng ta nói về việc quy hoạch và quản lý an toàn tại các khu dân cư phức tạp về địa hình, đan xen các mô hình sản xuất nhỏ, cá thể.

Đã từ lâu, người ta có lý do để nói về sự bị động của các cơ quan chức năng trong việc theo kịp thực tiễn về PCCC. Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận rằng chính rất nhiều hộ kinh doanh nhà xưởng cũng thiếu nhận thức trong việc tự bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng. Rất nhiều vụ cháy đã xảy ra do sự bất cẩn và xem thường các quy tắc PCCC. Hạn chế tối đa những cái bẫy tử thần từ hỏa hoạn, đó là trách nhiệm không phải của riêng ai!

 

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực