Lương tâm “sạch”!

Chủ nhật, 21/10/2018 20:33
(ĐCSVN) - Nếu theo dõi thường xuyên thông tin trên công luận, chúng ta sẽ thấy tần suất xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng cao. Trước đây có thể là những sự việc đơn lẻ, nay là tình trạng ngộ độc tập thể trong các nhà máy, công ty, trường học đã không còn là chuyện hiếm. Đa số các sự vụ đều được cơ quan chức năng xác định nguyên nhân do nguồn thực phẩm.
Muốn có thực phẩm sạch trước tiên phải có một lương tâm “sạch".
 Ảnh minh họa: KC

Ngày 5/10/2018, gần 300 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình phải nhập viện gấp với các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt sau khi dùng bữa trưa với các món cơm, tôm rán, ruốc gà, canh xương…

Trước đó, ngày 17/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận và điều trị cho 29 công nhân Công ty TNHH KMW, Khu công nghiệp Đồng Văn I, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, nghi bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như: đau bụng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đi ngoài. Được biết, các công nhân này đều dùng bữa cơm tối tại nhà ăn của công ty

Đó chỉ là ví dụ viện dẫn trong vô số các sự vụ liên quan đến vấn đề thực phẩm từ trước tới nay.

Và thực tế, bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của thực phẩm bẩn bởi các nguy cơ tiềm ẩn từ nó luôn trực trờ. Giữa “ma trận” thực phẩm thì khó lòng người tiêu dùng nào có thể “thông thái” hết để lựa chọn cho mình những thực phẩm an toàn.

Và trong câu chuyện này, thì thực phẩm rõ ràng không có lỗi, bởi xét cho cùng nó cũng chỉ là vật chất dinh dưỡng vô tri vô giác, có chăng chỉ lương tâm của người bán hàng, người kinh doanh là bị nhuốm “bẩn” mà thôi!

Một cây rau sạch thì phải sinh trưởng tự nhiên, mà tự nhiên thì mã ngoài sẽ không bắt mắt và lâu cho thu hoạch. Do đó muốn nhanh thu, hàng đẹp một bộ phận người thiếu lương tâm đã không ngần ngại “tắm” cho cây rau với vô số loại thuốc sâu, chất kích thích tăng trường, họ chỉ vì cái lợi trước mắt mà gây ra biết biết bao hậu quả khó lường cho người tiêu dùng.

Tương tự, để biến thịt lợn bệnh, lợn chết trở nên tươi ngon, hay biến thịt lợn sề thành thịt bò người ta đã không ngần ngại tẩm vô số các loại hóa chất, phẩm mầu độc hại để đánh lừa, và gây ra biết bao tai ương cho đồng loại.

Ít nhất đã hơn một lần, tác giả được chứng kiến câu chuyện về một dạng “bí kíp” truyền tay khi mà người ta tỏ ra “khôn ngoan” để đề phòng các loại thực phẩm bẩn từ phía chính người sản xuất. Nhưng có lẽ họ quên mất rằng “gieo nhân nào sẽ gặp quả ấy”.

Đó là câu chuyện của một lão nông trồng rau, cả mẫu ruộng rau lão phun ngập ngụa thuốc sâu, kích thích chỉ chừa lại 1 – 2 luống không phun gì để nhà dùng cho.. lành.

Một bà chăn lợn, với đủ chiêu nghề dùng chất cấm, tăng trưởng, kích thích để nhanh xuất chuồng và để riêng vài con lợn sạch dùng cho gia đình.

Đã có sự tính toán, có sự “khôn” nhưng cũng chỉ là trò khôn lỏi vặt vãnh mà thôi! Bởi ai cũng biết rằng, bà nuôi lợn sẽ không thể ăn vã thịt mãi mà “trừ” không ăn rau, và ông trồng rau ắt sẽ phải có lần ra chợ mua thịt. “Lợi bất cập hại” đã hiển hiện, khả năng rất cao là lão trồng rau và bà chăn lợn đang vô tình sử dụng chính những thứ thực phẩm độc hại của chính mình gây nên. Từ đó có thể thấy, muốn có thực phẩm sạch trước tiên phải có một lương tâm “sạch” làm nền tảng!

Hậu quả từ việc sử dụng thực phẩm bẩn gây ra nhiều hệ lụy, bệnh tật. Tiêu biểu nhất là căn bệnh ung thư quái ác.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% nguyên nhân sinh ra bệnh ung thư là từ môi trường bên ngoài, trong đó thủ phạm chính là thuốc lá và thực phẩm không an toàn.

Còn theo một thống kê gần đây của Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, ước tính Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư/năm, tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam đứng thứ 78/172 quốc gia được điều tra. Bên cạnh đó vấn đề đáng lo ngại là số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một tăng nhanh.

Năm 2000 Việt Nam có khoảng 69.000 ca ung thư mắc mới, năm 2015 lên đến 150.000 ca mắc mới. Ước tính đến năm 2020 số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000 người. Như vậy, số ca mắc mới ung thư tăng dần theo từng năm…

Chẳng thế mà khi đặt mối tương quan giữa thực phẩm bẩn và bệnh tật, một đại biểu Quốc hội đã từng phải thốt lên rằng: Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa ngắn như hiện nay”. Hẳn không có một lời cảnh báo nào đau xót hơn.

Nhiều năm qua, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn được triển khai bằng đội quân tổng lực. Ở cấp “vĩ mô” có đến 4 Bộ cùng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường). Đội quân thường trực có lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát môi trường, hải quan, bộ đội biên phòng, chính quyền cơ sở. Chiến dịch “nói không với thực phẩm bẩn” được phát động với nhiều hình thức tuyên truyền rầm rộ. Người dân đối phó với thực phẩm bẩn bằng nhiều cách: vào siêu thị mua rau sạch, tự trồng rau xanh trong các hộp xốp, về các miền quê tìm mua thực phẩm sạch. Nhưng, chẳng khác gì cái vòi con bạch tuộc, cứ có cơ hội thực phẩm bẩn vẫn có thể len lỏi vào bất cứ đâu, kể cả ở những nơi tưởng chừng như rất an toàn.

Và hiện nay gần như ngày nào cũng có những vụ thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo chất lượng được phanh phui. Nhiều chuyên gia nhận định, thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo chất lượng hiện đang trở thành quốc nạn. Bởi nó không chỉ xuất hiện ở chợ, ở những gánh hàng rong, mà nó đã đi lấn lướt vào cả các siêu thị uy tín.

Tại sao thực phẩm bẩn tràn ngập thị trường mà không ngăn chặn được? Vấn nạn nhức nhối này có nhiều nguyên nhân. Những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì chạy theo lợi nhuận, coi thường sức khỏe và sinh mạng của cộng đồng. Còn có hiện tượng chính quyền cơ sở thì thờ ơ với việc kiểm soát thực phẩm bẩn, phó mặc các cơ quan chức năng. Việc triển khai bằng đội quân tổng lực có đến 4 Bộ cùng quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm bộc lộ không ít bất cập, đặc biệt là câu chuyện trách nhiệm chính trong lĩnh vực này thuộc về ai, dường như vẫn đang là câu trả lời bỏ ngỏ!

Ngoài ra, một bộ phận người tiêu dùng chủ quan với việc bảo vệ sức khỏe, coi thường tác hại của thực phẩm bẩn. Cạnh đó, vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng làm tất cả, bất chấp sức khỏe và mạng sống của cộng đồng. Vì lợi nhuận, người ta sẵn sàng bán những thứ độc hại nhất cho người tiêu dùng. Lợi nhuận đã che mờ lương tâm của những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn cùng sự xuống cấp về lương tâm, đạo đức và là biểu hiện của một trình độ nhận thức hẹp hòi, ích kỷ. Hậu quả của việc chỉ nghĩ đến bảo vệ mình và xem thường sức khỏe, tính mạng của người khác là tình trạng mọi người đang tìm cách giết hại lẫn nhau.

Theo Bộ luật Hình sự 2015, đối tượng vi phạm về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có thể khởi tố, xử lý hình sự. Hành lang pháp lý đã rõ ràng, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân trong lĩnh vực VSATTP, đã đến lúc Nhà nước cần “mạnh tay” hơn với những vi phạm về VSATTP với các biện pháp xử lý như khởi tố, tước giấy phép, cấm suốt đời không cho hành nghề trong lĩnh vực thực phẩm, tăng mức xử phạt, phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng là nạn nhân. 

Cùng với đó, cần kêu gọi các hội, hiệp hội vào cuộc để ngăn chặn thực phẩm bẩn ngay từ đầu nguồn, trước khi phân phối ra thị trường. Bản thân các hội, hiệp hội cần có trách  nhiệm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho hội viên và xử lý nghiêm khắc những hội viên vi phạm các quy định đảm bảo VSATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, cùng với tạo thói quen kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, lựa chọn các điểm mua sắm tin cậy, người tiêu dùng (NTD) cần thực hiện quyền tối cao của mình “tẩy chay sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn” để những người sản xuất các loại sản phẩm này không còn đầu ra của sản phẩm… 

Chung quy lại, để ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn cần siết chặt mọi công đoạn quản lý liên quan đến bữa ăn hàng ngày của con người. Nhưng vấn đề cơ bản nhất vẫn là dùng các biện pháp để thức tỉnh lương tâm con người phải biết sống vì đồng loại. Bởi ai cũng biết, muốn có thực phẩm sạch phải bắt nguồn từ lương tâm “sạch” của những người sản xuất..!

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực