Gánh nặng nợ công!

Thứ bảy, 25/08/2018 11:05
(ĐCSVN) - Dù chỉ số nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn, vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng không thể không lo lắng khi nợ công tăng nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng chậm...

 


Ảnh minh họa. (Nguồn:dantri.com.vn)

Để phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, chúng ta phải chấp nhận nợ công. Vay nợ để thực hiện các công trình, dự án cần thiết là điều cần làm. Vay nợ để đầu tư cho chiến lược phát triển kinh tế góp phần tạo ra sự tăng trưởng cho nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, giải quyết việc làm cho người dân luôn là bài toán đúng.

Đó là mặt tích cực của nợ công. Còn mặt đối lập, sự thật từ những con số mà cơ quan chức năng vừa công kiến mỗi người dân không thể không quan ngại, lo lắng gánh nặng trả nợ trong tương lai .

Nợ công của nước ta đang tăng nhanh: Năm 2014 chỉ có 2,284 triệu tỷ  đồng, nhưng năm 2018 dự kiến tăng lên 3,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi người dân sẽ phải gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm 2018, tăng gần 4 triệu đồng mỗi người so với năm 2017 (mức 31 triệu đồng).

Xét về mặt pháp lý, nợ công của nước ta vẫn ở ngưỡng an toàn, vẫn nằm trong tầm kiểm soát, vì chưa chạm trần Quốc hội cho phép (không quá 65%GDP).

Nợ công chưa chạm trần, nhưng nợ công lại tăng nhanh theo từng năm và chưa thấy dấu hiệu chấm dứt vay nợ nước ngoài. Nợ công chưa chạm trần, nhưng không ít công trình, dự án góp phần tạo lên nợ công chưa phát huy hiệu quả vì chậm tiến độ, vì đội vốn. Nợ công chưa chạm trần, nhưng số tiền mỗi người dân sẽ phải gánh là quá lớn (chiếm hơn 50% so với thu nhập bình quân đầu người).

Nhìn ra thế giới, nợ công có ở nhiều nước, cả nước giàu lẫn nước nghèo và nước đang phát triển. Nhưng, nước giàu không quá lo việc vay nợ và trả nợ, bởi quy mô nền kinh tế lớn, thu nhập bình quân đầu người rất cao, tiền vay nợ đầu tư đúng mục đích và tạo ra sự tăng trưởng cao cho nền kinh tế, v.v.

Để giảm nợ công và có đủ nguồn lực trả nợ đúng hạn, chúng ta phải thực hiện rất nhiều giải pháp đồng bộ từ việc bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách đến việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Và việc cần làm ngay lúc này là siết chặt kỷ luật ngân sách bằng cách:Thực hành tiết kiệm trong chi tiêu công, giảm bội chi, tăng thu ngân sách; không phê duyệt, cấp vốn cho những công trình, dự án công không thực sự cần thiết và không cấp bách sẽ góp phần giảm các khoản vay mới, tức là không tăng thêm nợ công./.

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực