​Còn đâu “Tiên học lễ, hậu học văn”?

Thứ tư, 07/03/2018 14:35
(ĐCSVN) - Những ngày qua, vụ việc cô giáo trẻ Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) quỳ gối xin lỗi phụ huynh đã làm dư luận “dậy sóng”. Từ hành động trái với đạo lý “Tôn sư trọng đạo” khiến mọi người không khỏi băn khoăn về môi trường giáo dục hiện nay. Không ít người đặt câu hỏi: Còn đâu "Tiên học lễ, hậu học văn”?
Ngôi trường xảy ra vụ việc đáng tiếc. (Ảnh: Theo Báo Người Lao động)

Quan điểm “Tiên học lễ, hậu học văn” đã được đúc kết và lưu truyền từ bao đời nay và trở thành phương châm, kim chỉ nam cho ngành giáo dục mọi thời đại. Khi tới trường, trước khi học văn hóa, học tri thức, học sinh phải được học về các lễ nghi, về đạo đức, về cách ứng xử giữa người với người và với những việc xung quanh... Thế nhưng từ câu chuyện ứng xử giữa  cô giáo - học sinh và phụ huynh Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) khiến người ta bắt đầu nghi ngờ về phương châm giáo dục này dường như không có hiệu quả ở nơi đây?

Chuyện bắt đầu từ việc cô giáo ứng xử với những vi phạm của học sinh tiểu học, bắt các con phải quỳ đến nỗi các con sợ không dám đi học. Xót con, một số phụ huynh đã kéo nhau tới trường phản ánh với Ban Giám hiệu và “xử” cô giáo, ép cô phải quỳ 40 phút mới bỏ qua. Rõ ràng trong chuyện này, giáo viên và phụ huynh - những người thầy của các con đều quên đi đạo lý và phương châm giáo dục từ bao đời. Phụ huynh ứng xử với cô giáo chẳng những không đúng với đạo lý “tôn sư trọng đạo” mà còn chẳng khác gì “dân anh chị”. Thế nhưng “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, trách phụ huynh, trước tiên cũng phải trách cô giáo - người chở đạo và trồng người. Sư phạm - nghề cao quý bỗng chốc tiêu tan trong mắt mọi người bởi cô giáo đâu còn là mẹ hiền. Chỉ vì các con không làm bài tập, nói chuyện..., cô bắt các con tiểu học còn non nớt phải quỳ, khiếp đảm đến nỗi không dám đi học. Không chỉ kém cỏi về năng lực sư phạm, cô giáo còn sẵn sàng hạ thấp uy tín và nhân cách của mình khi chấp nhận đầu hàng trước sự uy hiếp của người khác, chấp nhận quỳ gối xin lỗi phụ huynh. Làm như vậy, không biết ngày mai trên bục giảng, cô giáo có còn dạy học sinh được bài học về danh dự, về lòng tự trọng khi chính cô đã đánh mất đi danh dự và lòng tự trọng cao quý của một nhà giáo?

Vẫn biết rằng khi đã nhận ra lỗi lầm, cô giáo cần nghiêm khắc chịu trách nhiệm về hành vi thiếu sư phạm của mình, nhưng chắc chắn không phải là cách yếu hèn như vậy. Giá như bình tĩnh hơn, cô giáo có thể báo cáo sự việc với Ban giám hiệu và các cơ quan, đoàn thể nhờ can thiệp. Trong xã hội hiện đại ngày nay, người nắm được luật pháp như vị phụ huynh nọ, chắc chắn sẽ chẳng dám đẩy sự việc nghiêm trọng hơn nếu như cô không tự “đầu hàng”. Giá như cô giáo trẻ kiên cường hơn, ứng xứ chuẩn mực hơn thì cho dù cách hành xử của cô với các con có nặng nề một chút nhưng dư luận vẫn có thể cảm thông bởi “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Trong sự việc này, phải chăng không chỉ các con, vị phụ huynh nọ mà chính cô giáo cũng phải học lại bài học đầu tiên, bài học về đối nhân xử thế sao cho đúng với đạo lý,đúng với vai trò, vị trí của mình.

Học sinh nói chung, nhất là học sinh tiểu học nói riêng vẫn còn non nớt, nhận thức cũng còn hạn, vì thế giáo dục các con cũng cần phải có phương pháp riêng và việc kết hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội là đặc biệt cần thiết. Trong đó, gia đình đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự hình thành nhân cách của các em. Cha mẹ chính là tấm gương để các con noi theo. Không có biện pháp giáo dục nào hiệu quả bằng biện pháp noi gương.Vì thế cách hành xử của cha mẹ hôm nay sẽ là bài học để các con noi gương sau này. Nếu vậy, liệu các con có thể ngoan ngoãn hiểu được lễ nghi và cách ứng xử khi sống trong một gia đình mà bố mẹ các em tự phụ, cậy quyền lực mạt sát và chà đạp lên danh dự và nhân phẩm của người khác? Vô ơn, chà đạp lên đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”, không biết vị phụ huynh nọ còn có thể dạy con họ bài học về lòng biết ơn và sự tôn kính với ông, bà, cha, mẹ? Đáng nói hơn, là một người hiểu rõ pháp luật, thực hành pháp luật mà họ lại sẵn sàng đi ngược với kỷ cương, quy định của luật pháp, làm nhục, xúc phạm danh dự của người đã dìu dắt, rèn giũa, dạy dỗ con mình hàng ngày.

Hình ảnh của ông bố trịnh thượng và cô giáo trẻ quỳ gối hôm nay sẽ hằn sâu trong tâm trí và đi theo các con học sinh trong suốt cuộc đời. Không dễ gì xóa nhòa hình ảnh thiếu chuẩn mực về ứng xử của cha mẹ và thầy cô mà các con đã chứng kiến hôm nay. Và biết đâu, đây chỉ là phát hiện hy hữu, còn có thể có những hành xử thiếu chuẩn mực trong giáo dục mà chưa bị phanh phui? “Tiên học lễ, hậu học văn” có còn thực sự giá trị trong mỗi trường học và môi trường sư phạm? Phải chăng đã đến lúc ngành giáo dục cần nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá lại hiệu quả phương châm giáo dục của mình, có như thế thì đạo lý “tôn sư trọng đạo” mới được duy trì và gìn giữ trong mỗi gia đình, nhà trường cũng như xã hội./.

Kim Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực