Huyện Minh Hóa (Quảng Bình) còn nhiều khó khăn cần vượt qua trong công tác xóa đói giảm nghèo

Thứ ba, 05/12/2017 16:16
(ĐCSVN) - Là một trong những huyện vùng cao nghèo nhất của tỉnh Quảng Bình, những năm qua, Minh Hóa luôn nỗ lực thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, nên tỉ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn cao, cần nhiều hơn nữa sự nỗ lực trong thời gian tới.
Phần đông người dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hóa còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa muốn thoát nghèo (ảnh Trần Quỳnh)

Minh Hóa hiện là huyện nằm trong số 64 huyện nghèo đặc biệt khó khăn của cả nước (Chương trình 30a), và cũng là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh Quảng Bình (39,73%), đồng thời nằm trong nhóm huyện có tỷ lệ nghèo đói cao nhất cả nước. Toàn huyện có 15 xã và 1 thị trấn, thì trong đó trừ thị trấn trung tâm huyện, còn lại 14 xã đều là xã nghèo. Trong số những hộ nghèo thì trên 1/3 là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 38,07% số hộ nghèo của toàn huyện.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2011 - 2015 tỷ lệ hộ nghèo của Minh Hóa giảm bình quân mỗi năm 7 - 8%/năm, là mức giảm nghèo khá tốt so với mặt bằng chung. Bước sang giai đoạn 2016 - 2020, việc rà soát hộ nghèo được áp dụng theo chuẩn tiếp cận đa chiều, điều này đã tạo nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho Minh Hóa. Khó khăn dễ nhận thấy nhất là sau khi áp dụng chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo của huyện đã tăng từ 2.995 hộ nghèo thời điểm cuối năm 2015 lên 5.148 hộ nghèo tính đến thời điểm này (là mức rất cao so với nhiều địa phương trong cả nước).

Sở dĩ số hộ nghèo của huyện Minh Hóa tăng gần gấp đôi, chính là vì đã gặp một số khó khăn, bất cập trong quá trình điều tra, xác định hộ nghèo. Trong quá trình xác định hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, khó khăn nhất là đánh giá về thu nhập của người dân. Việc xác định hộ nghèo theo tiêu chí này chủ yếu theo cảm tính bởi chỉ có cán bộ viên chức khi ký nhận bảng lương mới phản ánh đúng thực tế thu nhập; còn người dân khi bán được cây trồng, vật nuôi trong nhà thường không kê khai đầy đủ. Vì vậy, rất khó tính thu nhập của người dân, trong khi hiện chưa có một bộ tiêu chí cụ thể nào để đánh giá về nội dung này. 

Khi đề cập đến những khó khăn, bất cập trong việc xác định giá trị tài sản và kê khai tài sản của các hộ dân, ông Đinh Văn Sơn, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa đã thẳng thắn ví dụ từ thực tế: Từ một chiếc xe máy SH trị giá 70 triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng, đến một chiếc xe máy đã quá cũ nát nếu bán sát vụn chỉ vài trăn nghìn đồng, nhưng đều được tính trong khung giá trị 20 triệu đồng. Hay việc trâu bò thả rông như ở xã Hóa Sơn - một trong bốn xã biên giới của huyện Minh Hóa, lúc kê khai mỗi hộ chỉ khai có vài con bò, nhưng đến lúc cả xã có dịch bệnh, bà con lo sợ mới dắt hết trâu bò về tiêm phòng dịch thì có gia đình phát sinh hàng chục con.

Ở một khía cạnh khác, do trình độ dân trí còn hạn chế, phong tục tập quán còn lạc hậu nên nhận thức của một bộ phận người dân nơi đây về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững còn rất hạn chế. Ông Hồ Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa - một trong bốn xã biên giới của Minh Hóa cho biết: Bà con dân tộc ở đây quen với tập tục thả rông trâu bò, gùi sắn về cho lợn ăn chứ không nấu cám. Vì vậy, cán bộ địa phương đã rất khó khăn trong việc hướng dẫn bà con làm kinh tế thoát nghèo theo mô hình chuồng trại nuôi nhốt tập trung đảm bảo vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.

Yếu tố thời tiết cũng là một trong những thách thức đặt ra trong công tác giảm nghèo của huyện Minh Hóa. Thiên tai, thời tiết diễn biến khó lường đã gây thiệt hại rất lớn tới các công trình phúc lợi như đường giao thông, công trình thủy lợi, nhà ở, hoa màu, gia súc, gia cầm, đất canh tác và tài sản của nhân dân. Như gia đình chị Hồ Thị Thanh, người dân tộc Bru Vân Kiều, ở bản Hưng, xã Trọng Hóa, đã thoát nghèo từ năm 2008 nhờ vay vốn tín dụng cho người nghèo, làm kinh tế từ việc trồng gần 2 vạn cây Keo lá tràm. Tuy nhiên do chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 10 vừa qua, gia đình chị bị thiệt hại tới 90% số cây trồng nên lại tái nghèo. Chị Thanh cho biết, khí hậu nơi đây rất khắc nghiệt, thường cứ 3 - 4 năm lại gặp bão; cũng tầm này năm ngoái, cả bản bị ngập trắng trong nước, gây thiệt hại rất nhiều đến chăn nuôi. Năm nay, sau trận bão số 10, không riêng gì gia đình chị, hầu hết các gia đình trong bản đều thiệt hại nặng nề do bão đánh gẫy đổ phần lớn diện tích keo đã 3 - 4 tuổi, phỉ chặt bỏ để bán giá rẻ.

Cùng với đó, việc phân bổ nguồn vốn muộn, cộng thêm ngân sách địa phương còn rất hạn chế nên cũng chỉ đáp ứng được một phần nào các hoạt động của các chương trình giảm nghèo. Ông Đinh Xuân Tiến, Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa cho biết: Với Chương trình 135, tính đến cuối tháng 10/2017, nguồn vốn của năm nay mới được phân bổ về huyện, trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm. Do việc phân bổ vốn muộn nên việc hỗ trợ sản xuất cho bà con gặp không ít khó khăn bởi thời điểm cuối năm khí hậu lạnh, nhiều dịch bệnh không thuận lợi cho việc nuôi gia súc, gia cầm. Việc khởi công các công trình 135 trong mùa mưa bão cũng không mấy thuận lợi nên dòng vốn tạm thời chỉ sử dụng cho duy tu bảo dưỡng các công trình trước đó…

Ngoài những yếu tố khách quan nói trên, ông Đinh Xuân Tiến còn cho rằng: Một phần do các chế độ chính sách của Nhà nước quá “ưu ái” cho người nghèo, tuy nhiên hộ vừa thoát nghèo lại hoàn toàn không được hỗ trợ hoặc được hỗ trợ rất ít, do vậy, bản thân các hộ nghèo phát sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ, chính sách của Nhà nước nên chưa tích cực tăng gia sản xuất vươn lên thoát nghèo. Điều này cũng khiến kết quả giảm nghèo chưa được như mong muốn. Các hộ nghèo đều được tạo điều kiện vay vốn hỗ trợ sản xuất thoát nghèo nhưng một số hộ không muốn vay; Nhà nước hỗ trợ gia súc cho hộ nghèo làm kinh tế nhưng một bộ phận không nhỏ bà con dân tộc không muốn nhận vì họ sợ nhận rồi thoát nghèo, sẽ không được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi dành cho người nghèo như: miễn tiền điện, nhận hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng, miễn phí đóng bảo hiểm ý tế, miễn học phí cho con em…

Để khuyến khích bà con làm kinh tế thoát nghèo, UBND huyện Minh Hóa đã từng đề ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó tập trung đầu tư cho các nhóm hộ gia đình làm kinh tế thoát nghèo tuy nhiên không đạt hiệu quả như mong muốn. Gần đây nhất là mô hình 3, 4 hộ nuôi chung một con bò; hoặc mô hình nuôi chim trĩ theo nhóm hộ gia đình ở xã Xuân Hóa nhưng không được bà con hưởng ứng do không ai chịu đứng ra làm tổ trưởng, chịu trách nhiệm chung, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm cho nhau… nên giải pháp này đã không thành công.

Để từng bước tháo gỡ những khó khăn trong công tác xóa đói giảm nghèo, UBND huyện Minh Hóa đã đề ra nhiều nhóm giải pháp như: Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng các nhóm chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, chính sách y tế, giáo dục, dạy nghề nâng cao dân trí, chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Giao chỉ tiêu thoát nghèo cho từng xã, thị trấn để nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo giảm nghèo. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo. Huy động tối đa và tập trung các nguồn lực đầu tư cho phát triển, nguồn lực cho giảm nghèo, đặc biết coi trọng chất lượng nguồn nhân lực;…

Điều quan trọng nhất hiện nay được huyện Minh Hóa xác định là phải đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nhanh chóng xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo trên địa bàn; có chính sách khuyến khích nhằm vào những hộ đã thoát nghèo để kích thích những hộ nghèo còn lại có động lực vươn lên thoát nghèo... Chỉ làm được như vậy thì Minh Hóa mới hy vọng cải thiện được tình trạng là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước./.

Phương Nghi
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực