Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Thứ bảy, 28/09/2013 19:19

(ĐCSVN) - Ngày 28/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 6. Cử tri hai quận đã nêu ra nhiều vấn đề mà mình quan tâm như: sửa đổi Hiến pháp, quản lý đất đai, lấy phiếu tín nhiệm và phòng, chống tham nhũng...

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri quận Hoàn Kiếm - Ảnh: TH 


Đề cập đến vấn đề sửa đổi Luật Đất đai, các cử tri cho rằng, sửa đổi Luật Đất đai phải theo hướng bảo đảm quyền lợi cho người dân khi bị thu hồi đất cũng như những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Theo các cử tri, phần lớn những vụ khiếu kiện kéo dài đều liên quan đến thu hồi, giải phóng mặt bằng. Do vậy, khi có chủ trương xây dựng, giải phóng mặt bằng các dự án phục vụ nhu cầu an ninh quốc phòng, công cộng phục vụ xã hội thì phải xác định được giá ngay từ đầu. Còn việc thu hồi đất phục vụ các dự án xây dựng khu đô thị, thương mại… cần phải bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân. Nếu làm được điều này sẽ hạn chế rất nhiều vụ khiếu kiện.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm, rất nhiều cử tri hai quận cho rằng không nên đưa ra 3 tiêu chí tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp như hiện nay. Vì làm như thế đã vô hình chung cho tất cả những người được đưa vào danh sách lấy phiếu mặc nhiên đã được tín nhiệm cho dù kết quả đạt được là cao hay thấp. Theo các cử tri, chỉ cần đưa ra hai tiêu chí để bỏ phiếu đó là tín nhiệm và không tín nhiệm. Người nào có số phiếu không tín nhiệm cao hơn 50% tổng số phiếu thì cần tìm người xứng đáng hơn để thay thế luôn. Làm được như vậy vừa đánh giá được thực chất cán bộ và sẽ nâng cao được uy tín của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và ý Đảng đã hợp với lòng dân.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, các cử tri cho rằng, kết quả chưa được như mong muốn vì tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, nhưng việc xét xử còn quá chậm và nhẹ so với hàng chục nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Do vậy, các cử tri kiến nghị, phải xử nghiêm đúng tội và phải thu lại được tiền tham nhũng. Cùng với đó, Đảng, Chính phủ phải làm quyết liệt hơn vấn đề tiết kiệm và nên chỉ ra cụ thể các cơ quan, đơn vị không tiết kiệm và phải quy trách nhiệm cho người chủ trì... có như vậy cuộc chiến chống tham nhũng và công tác thực hành tiết kiệm mới từng bước có hiệu quả.

Cùng với đó, các cử tri nêu lên một số vấn đề liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; vấn đề chính quyền đô thị, công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô... Các cử tri yêu cầu đại biểu Quốc hội kiến nghị với các cơ quan Nhà nước cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn để bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu; giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc, chế độ chính sách đối với người có công, chế độ đối với trưởng ban công tác mặt trận, công tác cải cách giáo dục, quá tải bệnh viện, quan tâm đến công tác giáo dục thanh niên và giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường; phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn giao thông...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những ý kiến tâm huyết, đúng đắn của cử tri, đề cập nhiều vấn đề lớn của đất nước và cả những vấn đề thiết thân đối với đời sống hằng ngày của nhân dân.

Liên quan đến Luật đất đai và việc thu hồi đất, giá cả đền bù giải phóng mặt bằng, Tổng Bí thư cho biết, vừa qua 70% khiếu kiện về đất đai là từ chuyện giá cả thu hồi. Đất đai là sở hữu toàn dân, giao Nhà nước thống nhất quản lý. Việc thu hồi đất chỉ trong trường hợp phục vụ cho công việc quốc gia, công việc quốc phòng, công việc công cộng và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện ý kiến khác nhau ở chỗ có ghi là “phát triển kinh tế - xã hội” hay không? “Thế nhưng nếu có câu ấy mai kia lại thu hồi tùy tiện giao các doanh nghiệp và tiêu cực xảy ra ở đây. Nhưng nếu không khẳng định vấn đề phát triển kinh tế - xã hội thì làm sao có thể thu hồi đất để xây dựng những công trình quốc gia, những khu công nghiệp lớn”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích.

Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về việc sửa đổi Hiến pháp 1992 và công tác xây dựng pháp luật nói chung, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua Dự thảo này. Đây là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng nhất sau cương lĩnh của Đảng, là đạo luật gốc, quy định những vấn đề hết sức cơ bản của một Nhà nước... Đến nay, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị quan tâm, phát huy cao độ tinh thần dân chủ, ý thức trách nhiệm của công dân, thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân... Qua tập hợp rất nhiều ý kiến đóng góp, không chỉ ở trong nước mà cả đồng bào ta ở nước ngoài cho thấy, tuyệt đại đa số ý kiến thống nhất về những vấn đề lớn, cơ bản trong Dự thảo. Còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, liên quan đến đất đai, chính quyền cơ sở, thành phần kinh tế..., Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến quyết định tại kỳ họp tới.

Với những băn khoăn về việc lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư khẳng định, đây là chủ trương đúng được nhân dân đồng tình ủng hộ và cần phải làm. Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng là một hành động thiết thực để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và thực hiện Chỉ thị 03 “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Còn những ý kiến khác nhau về vấn đề này, Tổng Bí thư cho biết, Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo cho tổng kết, rút kinh nghiệm rồi tìm ra phương án tốt nhất để thực hiện.

Trước câu hỏi của cử tri về tình hình kinh tế đất nước hiện nay đang ở đâu, sắp tới sẽ ra sao? Tổng Bí thư cho rằng việc đánh giá phải khách quan, toàn diện, căn cứ vào mục tiêu, chỉ tiêu đề ra và phải trên cơ sở thực tế cuộc sống xã hội, Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: Nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm. Nhưng kinh tế gắn liền với xã hội, kinh tế phát triển, dân có công ăn việc làm mới có điều kiện cải thiện đời sống, xã hội mới ổn định. Từ sau Đại hội XI đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động, mặc dù không đạt yêu cầu đề ra nhưng kinh tế của chúng ta vẫn phát triển, chúng ta vẫn ưu tiên kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.... Đó là nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Chia sẻ với những băn khoăn, trăn trở của cử tri về tình trạng tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Việc tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng là nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên, chống lợi ích nhóm...

Tổng Bí thư ghi nhận, tiếp thu các ý kiến tâm huyết của cử tri xung quanh công tác giải quyết chế độ đối với người có công; công tác dân vận, tôn giáo; xây dựng chính quyền các cấp; phòng ngừa tai nạn giao thông... Các ý kiến này sẽ được phản ánh với các cơ quan hữu quan để làm tốt hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành.../.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực