Đổi mới tư duy và những con số ấn tượng từ Chương trình 135

Chủ nhật, 03/02/2019 11:20
(ĐCSVN) - Với những thành tựu hết sức to lớn đạt được sau 20 năm thực hiện, Chương trình 135 đã được cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế và nhân dân cả nước ghi nhận như một “thương hiệu”, là lực lượng vật chất to lớn góp phần làm thay đổi diện mạo địa bàn đặc biệt khó khăn của nước ta.

Mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Thủy điện Na Hang
(tỉnh Tuyên Quang) bằng nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135. Ảnh: TQ

Đổi mới tư duy trong đầu tư phát triển ở vùng đặc biệt khó khăn…

 Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22/NQ/TW ngày 27/11/1989 về “Một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi”, để tham mưu, đề xuất và xây dựng chính sách dân tộc phù hợp với đặc điểm, đặc thù của mỗi vùng, miền, đối tượng cụ thể, chúng ta đã tiến hành phân định địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo điều kiện địa lý tự nhiên, theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi được chia thành 3 khu vực theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên 5 tiêu chí cơ bản: Đời sống; Cơ sở hạ tầng; Các yếu tố xã hội; Điều kiện sản xuất; Điều kiện tự nhiên địa bàn cư trú. Theo cách phân định này, khu vực III được xác định là địa bàn đặc biệt khó khăn. Từ việc phân định này đã hình thành và triển khai thực hiện Chương trình 135.

Trên cơ sở đó, ngày 31/7/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135). Đây là một Chương trình đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có ảnh hưởng không những đến phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống đồng bào ở các vùng này mà còn góp phần giải quyết các vấn đề an ninh, quốc phòng ở những địa bàn xung yếu của đất nước.

Theo TS. Bế Trường Thành - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: “Việc lựa chọn các xã đặc biệt khó khăn, vùng nghèo nhất nước để tập trung đầu tư là sự đổi mới trong nhận thức, phương pháp xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc, từ lộ trình “dễ làm trước, tiến dần đến vùng khó khăn hơn” như cách làm của các chương trình, dự án trước đó, đến Chương trình 135 đã đổi lại chọn những nơi khó khăn nhất, nghèo nhất làm trước để tập trung ưu tiên đầu tư hỗ trợ”.

Từ năm 1999 - 2005, Chương trình 135 đã đầu tư trên địa bàn 2.410 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu với 5 nội dung trọng tâm: Xây dựng cơ sở hạ tầng; Trung tâm cụm xã; Đào tạo cán bộ; Quy hoạch dân cư; Phát triển sản xuất.

Giai đoạn từ 2006 - 2010, Chương trình 135 tiếp tục được thực hiện tại các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi với 4 nhiệm vụ chính: Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Nâng cao trình độ sản xuất cho đồng bào dân tộc; Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; Đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở, nâng cao trình độ quản lý hành chính và kinh tế, đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng; Hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật. Giai đoạn này, Chương trình 135 được thực hiện trên địa bàn 1.958 xã; 3.274 thôn bản đặc biệt khó khăn trong cả nước.

Từ 2011 - 2015, Chương trình 135 được rút xuống còn 2 nhiệm vụ trọng tâm là hỗ trợ cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn 2.331 xã, 2.932 thôn bản đặc biệt khó khăn.

Trong các năm từ 2016 - 2018, Chương trình 135 là dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, triển khai trên địa bàn 2.139 xã và 3.973 thôn bản khó khăn, với 3 nội dung: Hỗ trợ phát triển sản xuất; Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở.

Phân tích về cơ chế đầu tư của Chương trình 135 qua các mốc thời gian như trên có thể thấy rõ quá trình đổi mới tư duy không chỉ ở sự “khai sinh” ra Chương trình 135 mà còn thể hiện trong nội dung nhiệm vụ trọng tâm của từng giai đoạn có sự khác biệt. Giai đoạn ban đầu, Chương trình tập trung ưu tiên cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng đặc biệt khó khăn với phương châm mọi người dân, mọi dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng đó đều được thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, chính sách theo vùng như vậy cũng có những hạn chế đối với địa bàn giáp ranh có điều kiện tương đồng nhưng không thuộc diện thụ hưởng do giới hạn địa giới hành chính. Ở các giai đoạn sau, Chương trình 135 đã đầu tư, hỗ trợ xuống tận đơn vị thôn bản chính là để tránh hiện tượng “so bì, thắc mắc” của đồng bào, thậm chí cả của cấp chính quyền địa phương mà nếu không giải quyết thỏa đáng rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Triển khai vào thời điểm Việt Nam vừa tiến hành mở cửa và thuộc nhóm các nước nghèo của thế giới, Chương trình 135 nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Thực hiện cam kết với các nhà tài trợ quốc tế và điều kiện giải ngân, Chương trình 135 qua các giai đoạn được thực hiện theo cơ chế đặc thù, đơn giản, phù hợp với trình độ quản lý và tổ chức thực hiện của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Người dân được tham gia từ khi xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, đến giám sát và bàn giao công trình. Quá trình thực hiện đảm bảo tính dân chủ, huy động được sự tham gia đóng góp của người dân, góp phần tạo nên việc làm, tăng thu nhập cho người dân thuộc các địa bàn thụ hưởng chính sách.

…Và kết quả tất yếu là những con số ấn tượng

Kết quả của sự đổi mới tư duy trong đầu tư phát triển ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi là những con số hết sức ấn tượng của Chương trình 135 đã đạt được. Từ năm 1999 - 2018, ngân sách nhà nước đã đầu tư trên 50.364 tỷ đồng, huy động xã hội hóa 1.046 tỷ đồng và huy động từ các nhà tài trợ quốc tế tổng số kinh phí tương đương trên 7.242 tỷ đồng để thực hiện Chương trình 135.

Ông Võ Văn Bảy - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135, Ủy ban Dân tộc nhận xét: Từ xuất phát điểm hầu hết các xã đặc biệt khó khăn là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao hẻo lánh, biên giới, cơ sở hạ tầng thiết yếu rất thấp kém, hoặc chưa có; các yếu tố xã hội chưa đạt mức tối thiểu: dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ, thất học trên 60%, nhiều bệnh tật, tập tục lạc hậu; điều kiện sản xuất rất khó khăn, sản xuất mang tính tự nhiên, đồng bào duy trì phương thức sản xuất phát rừng làm nương rẫy, du canh, du cư, số hộ đói nghèo trên 60%... Đến nay, hầu hết các xã đặc biệt khó khăn đã có đầy đủ các công trình hạ tầng. Tuy quy mô công trình còn nhỏ, số lượng còn hạn chế so với nhu cầu nhưng cũng đã tạo ra sự thay đổi to lớn về điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn. Theo thống kê sơ bộ, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn bản có điện, 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống, 88% thôn có đường cho xe cơ giới, 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn, trên 50% trạm y tế xã đạt chuẩn. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn giảm nhanh theo từng giai đoạn…

Qua đầu tư cơ sở hạ tầng, Chương trình 135 đã góp phần xóa bỏ phần lớn trường, lớp tạm, tạo điều kiện huy động hầu hết trẻ em trong độ tuổi ở các xã đặc biệt khó khăn đến trường, thúc đẩy hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở ở các xã vùng sâu, vùng xa. Các công trình thủy lợi đã góp phần tăng năng lực tưới tiêu, giúp đồng bào có đất canh tác, trồng cấy các loại cây công, nông nghiệp, cây ăn quả, tăng sản lượng lương thực và chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa…

Nhờ được phổ biến học tập các mô hình sản xuất, làm ăn có hiệu quả, năng suất cao, tăng cường khuyến nông, khuyến lâm kết hợp với việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, Chương trình 135 đã làm thay đổi nhận thức của một bộ phận lớn đồng bào các dân tộc, giúp nhiều hộ thoát nghèo, nhiều hộ có thu nhập cao.

Năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở từng bước được nâng lên. Đội ngũ cán bộ cơ sở được đào tạo, tập huấn thường xuyên, đáp ứng yêu cầu quản lý của các hợp phần trong Chương trình.

Những kết quả trên đã làm thay đổi nhanh, cơ bản diện mạo nông thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, góp phần hạn chế sự “dãn ra” khoảng cách chênh lệch, phân hóa giàu - nghèo mà cực nghèo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Chương trình 135 thực sự trở thành lực lượng vật chất to lớn, góp phần thúc đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo ở các xã, thôn bản vùng III.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã đến, đánh dấu là năm bản lề, có ý nghĩa quan trong, chuẩn bị kết thúc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, mà trong đó Chương trình 135 là một Tiểu dự án thành phần.

Ở những bản làng vùng cao, vùng xâu, vùng xa, vùng cao biên giới tuy vẫn còn nhiều khó khăn, những cánh hoa Đào, hoa Mơ, hoa Mận đang hé nở báo hiệu một mùa Xuân mới lại về mang theo nhiều niềm vui, hy vọng và sự tin tưởng vào kết quả của công cuộc xóa đói, giảm nghèo mà Đảng và Nhà nước ta tích cực thực hiện với phương châm “Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau”.

Trên rất nhiều bản làng ngày càng có thêm nhiều mái nhà mới, mô hình sản xuất mới hiệu quả; đường làng, ngõ bản ngày một khang trang; trẻ em và người cao tuổi dân tộc thiểu số vui tươi trong những bộ quần áo mới sặc sỡ sắc màu… chính là những chỉ dấu tin cậy nhất, chứng minh rằng một mặt thôn nông mới vùng cao đang dần đổi mới, tiến kịp với miền xuôi./.


Trần Quỳnh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực