Xin chữ, cho chữ xưa và nay

Thứ sáu, 16/02/2018 21:53
(ĐCSVN)- Xin chữ, cho chữ trong những ngày Tết đến xuân về là một tục đẹp có tự lâu đời, nhưng mỹ tục này cũng đang biến đổi, như một tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, dẫu có thay đổi, nhưng hàm ý trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và những mong ước tốt lành có lẽ vẫn còn và phải được phát huy.

 

Tục xin chữ, cho chữ sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển.

( Ảnh: cpv)

Chữ Nho là kiểu chữ tượng hình, mang tính trang trí cao nên hoành phi, câu đối. Chữ Nho có một vẻ đẹp cổ điển, giàu tính thẩm mỹ, bên cạnh nội dung hàm súc. Suốt chiều dài lịch sử ngàn năm, chữ Nho được ông cha ta sử dụng thuần thục, trở thành một công cụ hữu ích trong hành chính, thi cử, văn chương, văn hóa, lễ nghi…và cả trong đời sống thường nhật của người dân, từ lễ nghi đến hội hè, đình đám.

Ngày xưa đám cưới người ta cũng mừng câu đối, không tự làm được thì đi xin chữ của những người có khoa cử, của người văn hay chữ tốt. Cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến có nhiều giai thoại về câu đối. Một lần cụ cho chữ mừng đám cưới: “Oanh đề phượng ngữ nghinh xuân trướng / Nhạn vũ loan phi phất cẩm bình” nghĩa là: Trướng xuân đón phượng kêu, oanh hót/ Bình phong lay nhạn múa, loan bay. Mọi người tấm tắc khen hay, cụ cười bảo: Hàng thường thôi, chưa phải hàng đặt. Mọi người tò mò, góp nhau biện lễ đến xin cụ đôi câu đối hàng đặt xem sao.

Cụ tủm tỉm cười, đồng ý viết ngay đôi câu đối mới: “Bình cẩm phất phi, oanh vũ nhạn / Trướng hoa nghinh ngữ, phượng đề Oanh” nghĩa là: Bình gấm phất phơ oanh múa nhạn/ Trướng xuân nghiêng ngửa phượng đề oanh. Cụ chỉ đổi đi vài chữ, khiến chữ "múa" và chữ "đề", đọc na ná thành "mó" và "đè", đôi câu đối đúng chất trẻ trung mừng đám cưới, có “oanh mó nhạn”, “phượng đè oanh”…

Dùng chữ quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là dịp Tết, nhà nghèo, thậm chí không biết chữ cũng đi xin, đi mua mấy chữ viết trên giấy điều để trang hoàng nhà cửa đón xuân. Nhà giàu có thì đồ thờ, hoành phi, câu đối sơn son thếp bạc, thếp vàng, nhà nghèo thì mỗi năm một lần thay giấy mới, trên bàn thờ gia tiên xin chữ “Phụng tiên đường” hay chữ “Phúc”, bàn thờ Thổ công dán chữ “Thần”, chữ “Phụng”, ngoài thềm nhất định có đôi câu đối nội dung quen thuộc, ví dụ “Xuân thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm thọ/ Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường” nghĩa là: Xuân thêm năm tháng, người thêm thọ/ Xuân đầy trời đất, phúc đầy nhà.

Trong “Việt Nam phong tục”, cụ Phan Kế Bính viết về Tết Nguyên đán có nêu: “Trước Tết nửa tháng, nhà nào nhà nấy đã rộn rịp sắm Tết… Các thầy đồ nhà quê ra chợ viết câu đối bán… Cách Tết vài hôm, ai nấy dọn dẹp nhà cửa, lau  rửa đồ thờ phụng. Câu đối đỏ dán cửa, dán cột sang choang, treo tranh, treo liễn trang hoàng lịch sự”. Và bài thơ “Ông Đồ” nổi tiếng của Vũ Đình Liên đã tạc vào văn học hình ảnh ông đồ ngày Tết buổi giao thời, một vẻ đẹp hoài cổ không ai đọc mà không thương nhớ.

Trào lưu Tây hóa ở thế kỷ XX và những đổi thay của thời cuộc, của đời sống kinh tế, xã hội đã khiến thứ văn hóa “xin chữ, cho chữ” lùi vào dĩ vãng, mãi cho đến thời kỳ Đổi mới, nhiều giá trị truyền thống được phục hưng, mỹ tục này mới được phục hồi. Và những năm gần đây, xin chữ, cho chữ trở thành một trào lưu, phát triển và lan rộng nhanh chóng. Biểu hiện rõ nhất, đặc sắc nhất là chợ chữ, nơi hội tụ các “Ông Đồ” áo the, khăn xếp trải chiếu viết chữ. Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 tại khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) có 77 " Ông Đồ" là những người đã được sát hạch tham gia viết thư pháp.

Chợ “Ông Đồ” Văn Miếu đã trở thành một điểm hẹn văn hóa, đầy phong vị Tết, thu hút sự quan tâm của du khách cả nước và người dân thủ đô. Sau một số năm phát triển tự phát, có người biết rất ít chữ, tập nhanh dăm ba tháng cũng đóng vai “Ông Đồ”, cho ra những sản phẩm nhếch nhác,  thì nay thư pháp của các “Ông Đồ” đã tiến bộ, nhiều người viết sạch đẹp, tuy hiếm có người đạt đến trình độ thư pháp chuẩn mực, chữ viết sai cũng giảm đi nhiều. Bên cạnh đó, có những người viết thư pháp quốc ngữ.

Có điều ngày nay văn hóa chữ Nho đã mai một, ít người biết, nên dù có đến mấy chục “Ông Đồ” nhưng không mấy ai có trình độ đủ rộng, đủ sâu để chuyển tải được vẻ đẹp hình thức và nội dung của chữ đến với mọi người. Điều quan trọng hơn là thị trường không có mấy người có nhu cầu, có trình độ thưởng ngoạn chữ nghĩa cao cấp, vì thế chữ nghĩa xô bồ vẫn chiếm thế thượng phong. “Ông Đồ” nhiều khi viết theo ý khách hàng, muốn đỗ đạt viết ngay chữ “Đỗ”, vốn là họ Đỗ; muốn phát tài viết ngay chữ “Tài”, chữ “Lộc”… Có trường hợp một ông cụ ngót 70 xin chữ bày tỏ nỗi niềm nhớ cha đã khuất thì “Ông Đồ” hỏi tên hai cha con và viết “Hải vĩnh hoài Phong” nghĩa là Hải nhớ Phong mãi. Bốn chữ nông cạn, trái ngược với truyền thống văn hóa của người Việt khi nói đến cha mẹ đã khuất.

Người xưa xin chữ, cho chữ như lời chúc tốt lành, như phương châm xử thế, và trước hết là để trang trí cho nhà cửa thêm đẹp, thêm sắc xuân. Ngày nay, với trình độ dân trí ngày càng cao, những giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc dân tộc ngày càng được đánh giá đúng và phát huy, tục xin chữ, cho chữ sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển cả về bút pháp lẫn nội dung chữ nghĩa vốn rất đẹp, rất sâu.

Hy vọng rằng sau chợ chữ “Ông Đồ”, nghệ thuật thư pháp được nghiên cứu, truyền dạy, luyện tập một cách căn bản, chuyên nghiệp để Việt Nam có những nhà thư pháp Hán Nôm mang phong cách Việt, tâm hồn, cốt cách Việt, vừa truyền thống, vừa hiện đại và sáng tạo, xứng đáng với nền văn hiến ngàn năm của cha ông./.

 

 

 

Thái Vũ
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực