Xã Noong Hẹt (Điện Biên): Nông thôn mới, cuộc sống mới

Thứ ba, 20/02/2018 19:27
(ĐCSVN) - Sau gần 6 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Noong Hẹt, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã đạt được những kết quả quan trọng: Kinh tế phát triển, các giá trị văn hóa được bảo tồn, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt…
Trường mầm non xã Noong Hẹt được xây mới khang trang cùng quá trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: QĐ

Nằm ở trung tâm khu vực phía Nam của huyện Điện Biên, xã Noong Hẹt hiện có hơn 9 nghìn nhân khẩu thuộc 2 dân tộc Kinh, Thái cùng chung sống ở 27 thôn, bản; trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm 38%. Với đặc điểm địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng còn yếu, thu nhập của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nên giai đoạn đầu khi mới triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Noong Hẹt gặp phải khá nhiều khó khăn.

Thực hiện phương châm “cán bộ, đảng viên đi đầu”, Đảng bộ xã Noong Hẹt đã chủ động ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới; kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành chương trình xây dựng nông thôn mới từ xã đến thôn, bản. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú. Đội ngũ cán bộ các ban, ngành, đoàn thể của xã cũng được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn gắn với việc thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Kết quả, chỉ sau thời gian ngắn, nhận thức của cả hệ thống chính trị ở xã về xây dựng nông thôn mới đã có nhiều chuyển biến tích cực; trong đó, đại bộ phận người dân trên địa bàn xã Noong Hẹt đã nhận thức được đầy đủ vai trò chủ thể của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng nông thôn, Đảng bộ xã Noong Hẹt cũng đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, người dân tại nhiều thôn, bản đã tập trung thực hiện hiệu quả chương trình cải tạo vườn tạp; phát triển mô hình trồng nấm ăn; sản xuất lúa giống, lúa thuần chủng chất lượng cao… Đồng thời chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nên sản lượng lương thực và tổng đàn gia súc, gia cầm hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhờ đó, bình quân thu nhập của người dân xã Noong Hẹt đã tăng từ 5,6 triệu đồng/người/năm (2009) lên trên 23 triệu đồng/người/năm (2017); tỷ lệ hộ nghèo toàn xã năm 2011 là 22,8% đã giảm mạnh xuống còn hơn 7% năm 2017.

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt cho biết: Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, một trong những nhân tố hàng đầu giúp địa phương về đích nông thôn mới đó là việc phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân. Là địa bàn miền núi, tiêu chí khó thực hiện nhất của Noong Hẹt đó là tiêu chí thu nhập. Song, với những chuyển biến, thay đổi về tư duy, cách làm ăn nên xã Noong Hẹt đã sớm thực hiện thành công tiêu chí quan trọng này. Người dân còn giữ vai trò quyết định trong thực hiện các tiêu chí về môi trường, văn hóa, an ninh trật tự...

Chị Lò Thị Thơm ở bản Châu Bình, xã Noong Hẹt phấn khởi chia sẻ: Hiểu rõ xây dựng nông thôn mới chính là điều kiện phát triển mọi mặt đời sống của người dân nên mọi người trong bản đều bảo nhau tự giác tham gia thực hiện các tiêu chí. Nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đường giao thông và xây dựng các công trình công cộng… Vì vậy, nhiều vấn đề khó khăn trong xây dựng nông thôn mới đã lần lượt được tháo gỡ với sự đồng thuận cao của người dân địa phương. Đó đồng thời cũng là cơ sở để Noong Hẹt trở thành xã thứ 2 của huyện Điện Biên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 5/2017 vừa qua.

Phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Noong Hẹt đã có sự lan tỏa sâu rộng, là tiền đề để huy động được sức mạnh của toàn dân. Cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã trực tiếp tham gia họp bàn công việc với bà con qua các buổi sinh hoạt tập trung. Từ đó vừa tuyên truyền chủ trương, đường lối vừa lắng nghe tâm tư, nguyên vọng của người dân và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc từng việc cụ thể. Đối với những tiêu chí nào khó đạt được, cần sự đóng góp của dân, ban lãnh đạo xã cùng các đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở tích cực vận động người dân hưởng ứng. Nhờ vậy, xã Noong Hẹt đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp công sức, kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và tích cực phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Chỉ tính trong giai đoạn 2012 - 2017, xã Noong Hẹt đã huy động được trên 13,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới; trong đó người dân đã đóng góp khoảng hơn 2 tỷ đồng và trên 5.000 ngày công lao động để xã sớm đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Nguyễn Hữu Khởi, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, được đánh giá là một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, những kết quả mà xã Noong Hẹt đạt được là rất cơ bản, thiết thực: Đường giao thông được bê tông hóa; hệ thống trường học được xây dựng mới, khang trang; kênh mương được mở rộng tạo thuận lợi cho sản xuất… Chính những kết quả đó đã đã góp phần quan trọng để củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, vững tin vào tương lai, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Có thể thấy, cùng với những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới, một cuộc sống mới ấm no, đầy đủ đã và đang được hiện thực hóa tại xã miền núi Noong Hẹt, huyện Điện Biên. Phát huy những kết quả, với sự đoàn kết thống nhất của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã, tin tưởng Noong Hẹt sẽ tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được để xây dựng nông thôn mới thực sự là điều kiện để phát triển toàn diện mọi mặt đời sống của người dân./.

Quang Đạo
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực