Tết và lễ hội

Thứ năm, 07/02/2019 12:49
(ĐCSVN) - Tết Nguyên đán là lễ hội lớn, mở ra một mùa lễ hội từ quy mô làng xã đến vùng miền, trải dải khắp cả nước. Bên cạnh những giá trị văn hóa, tinh thần, kinh tế mà lễ hội mang lại, những bất cập, thái quá của lễ hội cũng đặt ra những vấn đề phải suy ngẫm.

 
Gói bánh chưng ngày Tết. (Ảnh: Vũ Diệu)

Tết Nguyên đán là lễ hội quan trọng hàng đầu của dân tộc Việt. Ngày Tết là dịp con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn, gắn kết tình gia đình, thân tộc, cộng đồng làng xã, vùng miền và cộng cảm tình yêu quê hương, đất nước. Ngày tết, ngày xuân cũng là những ngày nông nhàn của cư dân nông nghiệp, nên cũng là mùa lễ hội.

Ngày xưa, làng nào cũng có lễ hội xuân, trong đó mở đầu là tế lễ, rước kiệu, với đặc trưng của mỗi làng xã, nhằm tôn vinh thành hoàng, ca tụng công đức của danh nhân, của những vị thần thánh luôn phù trợ dân làng, phù trì cho “quốc thái dân an”, mang đến cho dân làng niềm tin tâm linh vào một năm mới tốt lành, may mắn và hướng con người đến những hành vi tốt đẹp, thiện lương.

Sau lễ là hội với các trò chơi dân gian như đánh đu, đi cà kheo, đánh cờ tướng, chọi gà, vật rồi đua thuyền, thổi cơm thi, chèo hát…mang lại niềm vui, niềm phấn chấn cho cư dân trong làng. Cùng với hội xuân là tục mừng thọ các cụ cao niên, với tinh thần trọng thọ “kính già, già để tuổi cho”.

Ngày nay, kinh tế thị trường phát triển, khiến cho các lễ hội phong phú hơn, đa dạng hơn nhưng cũng đối diện với những thách thức lớn trong gìn giữ những nét đẹp được chưng cất qua thời gian của mỗi làng quê.

Lễ hội truyền thống làng gốm cổ  Bát Tràng (Hà Nội).
( Ảnh: baotintuc.vn)

Do tuyên truyền quảng bá qua báo chí, đặc biệt là qua mạng xã hội, từng lễ hội, từng người dân tham gia lễ hội có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội dễ dàng nên các lễ hội thu hút khách du lịch bốn phương. Đây là sự thay đổi rất lớn đối với lễ hội truyền thống, mang lại lợi ích cho địa phương nhưng cũng gây ra những hệ lụy. Đó là lễ hội làng, vốn chỉ dành cho dân cư của làng và làng xã lân cận, nay có thể thu hút khách hành hương từ nhiều nơi đổ về, gây quá tải cho di tích. Bên cạnh đó, nhiều lễ hội với những nghi thức cố truyền vốn bình thường với cư dân địa phương, qua ống kính của những du khách thập phương trở thành hiện tượng bất bình thường, thậm chí gây sốc cho dư luận, đơn cử tục chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh) chẳng hạn. Qua phản ánh của dư luận, Tổ chức Động vật Châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn này vì lo ngại nghi thức chém lợn tác động tiêu cực đối với xã hội.

Văn hóa là cái đặc thù, phụ thuộc vào tập tục, truyền thống xã hội rất khác nhau của mỗi dân tộc. Văn hóa luôn là giá trị tốt đẹp đối với chủ nhân của nó, nhưng có thể sẽ là không thể chấp nhận được với các cộng đồng dân cư khác. Tuy nhiên, phân biệt giữa mỹ tục và hủ tục, văn hóa và phản văn hóa… nhiều trường hợp khó phân định, đòi hỏi các nhà khoa học và cơ quan quản lý phải tìm ra giải pháp phù hợp.

Các lễ hội thu hút khách du lịch, mang lại nguồn thu lớn cho các địa phương nên nhiều lễ hội cấp thôn, cấp xã cũng được nâng tầm; nhiều lễ hội vốn địa phương không có cũng mở ra, như trường hợp các lễ hội chọi trâu ở Nghi Thái (Nghệ An), Phúc Thọ (Hà Nội)…dẫn đến sự ví von Việt Nam trở thành cường quốc về lễ hội. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội.

Số lượng lễ hội nhiều tiêu tốn khoản chi phí rất lớn từ phía nhà tổ chức và từ những người tham dự lễ hội, đồng thời gây lãng phí thời gian, kéo dài thời gian rong chơi, như một lực cản cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Không ít Lễ hội cũng cổ suý cho tệ mê tín dị đoan, đốt nhiều vàng mã, và bói toán, lên đồng cũng theo đó phát triển. Điều đáng nói, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức cũng thi nhau đi lễ đầu năm với hình thức du xuân. Không năm nào không có xe ô tô “biển xanh” đi lễ bị đưa lên công luận, tuy nhiên thuê xe, đi xe biển trắng là cách che giấu phổ biến, khá an toàn nên không ít cơ quan vẫn ngang nhiên tổ chức đi lễ bái đầu năm.

Ngày xưa, người ta chê trách thói lười biếng, bê tha của một số người rằng: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai cờ bạc/ Tháng Ba rượu chè”… trong khi đó, với những người lao động thì: “Tháng Chạp là tháng trồng khoai/ Tháng Giêng trồng đậu/Tháng Hai trồng cà/ Tháng Ba cày vỡ ruộng ra”… Ngày nay, thay vì tiếp thu tinh thần yêu chuộng lao động của người xưa thì với không ít người, rong chơi ba tháng xuân là hiện tượng có thật và phổ biến. Đó là điều không thể không điều chỉnh, thậm chí ngăn chặn, xử lý để lễ hội trở về những giá trị nhân văn, giàu tính văn hóa của nó.

Lễ hội và tổ chức lễ hội đang đặt ra cho cơ quan quản lý, cho các địa phương và mỗi cộng đồng dân cư những đòi hỏi phải thay đổi thực trạng lễ hội hiện nay./.

Đăng Dương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực