Năm 2018, các dự án ODA của Nhật tiếp tục được triển khai theo ba trụ cột

Thứ ba, 20/02/2018 14:38
(ĐCSVN) – Nhật Bản là một trong những quốc gia có vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất dành cho Việt Nam. Nhân dịp đầu xuân mới Mậu Tuất, phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Fujita Yasuo – Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam về quan hệ hợp tác giữa hai nước thông qua các dự án ODA.
Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Fujita Yasuo 

Phóng viên (PV): Trong một buổi họp báo ông có nói, JICA tiếp tục thực hiện các dự án hợp tác phát triển tập trung vào ba lĩnh vực trụ cột trong năm tài khoá 2017 là “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc tế”, “Tăng cường ứng phó với các biến đổi xã hội” và “Tăng cường quản trị”. Xin ông giải thích rõ hơn về các trụ cột này.

Trưởng đại diện JICA: Là cơ quan triển khai các dự án ODA Nhật Bản, các hoạt động của JICA nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt mức tăng trưởng bền vững theo mục tiêu quốc gia “trở thành nước công nghiệp hiện đại” dựa trên Kế hoạch Phát triển Kinh tế – Xã hội 5 năm (2016 – 2020) và Chiến lược Phát triển Kinh tế – Xã hội (2011 –2020) của Việt Nam. Chiến lược hỗ trợ phát triển của Chính phủ Nhật Bản đối với Việt Nam được triển khai theo 3 trụ cột sau:

Trụ cột 1: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh cạnh tranh quốc tế

Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững cùng nhịp đập của nền kinh tế thế giới là một trong các chính sách quan trọng hàng đầu của Việt Nam. JICA nhận thấy Việt Nam cần đặc biệt giải quyết các thách thức: ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế như đổi mới khu vực doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường sức cạnh tranh công nghiệp và phát triển nguồn nhân lực cùng cơ sở hạ tầng.

Liên quan đến đổi mới chính sách, JICA trong thời gian qua đã hỗ trợ Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư thông qua đối thoại và tư vấn về chính sách, chuẩn bị các chiến lược công nghiệp hóa dài hạn cho sáu khu vực chủ chốt, đồng thời thực hiện đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu khu vực ngân hàng.

Về hoạt động phát triển kinh doanh, JICA cũng đã và đang hỗ trợ hoạt động phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và các ngành công nghiệp phụ trợ thông qua cải tiến quản lý doanh nghiệp, nâng cao kỹ thuật sản xuất, và đẩy mạnh tiếp cận tài chính. JICA cũng luôn nỗ lực hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực thông qua nâng cấp các trường đại học, cũng như các trường kỹ thuật và đào tạo nghề.

Trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, JICA đặc biệt chú trọng các dự án phát triển giao thông huyết mạch (đường, cảng biển, sân bay, và đường sắt), các nhà máy điện và các mạng lưới truyền tải điện, thông qua ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Một trong các dự án tiêu biểu có thể kể đến là Nhà ga T2, sân bay Quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân, và đường nối Nhật Tân – Nội Bài. Cụm công trình này đã giúp giảm đáng kể thời gian di chuyển từ sân bay về trung tâm thành phố Hà Nội. Ngoài ra, 11 nhà máy nhiệt và thủy điện được xây dựng trong các dự án của JICA cũng góp phần cung cấp 14% tổng công suất phát điện của Việt Nam.

Trụ cột 2: Tăng cường khả năng ứng phó

Tuy đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề xã hội và môi trường, trong đó có nạn nghèo đói, chênh lệch kinh tế giữa các nhóm dân cư, sự thiếu hụt các dịch vụ y tế, phòng chống thiên tai, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu vv…JICA hỗ trợ Việt Nam ứng phó với các thách thức này thông qua các hoạt động sau: Xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người, như hạ tầng nước sinh hoạt và nước thải, cầu / đường nông thôn…; Phát triển nông nghiệp và nông thôn, trong đó xây dựng các hệ thống tưới tiêu, phát triển chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp, nâng cấp kỹ thuật sản xuất,… Cải thiện dịch vụ y tế thông qua nâng cấp các bệnh viện lớn (Bạch Mai, Chợ Rẫy, và Trung ương Huế), sản xuất vắc xin, phòng chống các bệnh lây nhiễm, đẩy mạnh sử dụng sổ tay bà mẹ trẻ em, tăng cường năng lực cho các bệnh viện địa phương và các cán bộ y tế…; Phòng chống thiên tai thông qua một số hoạt động, như: dự báo thời tiết, hệ thống cảnh báo lũ sớm, hệ thống phòng tránh thiên tai dựa vào cộng đồng,…; Quản lý môi trường và bảo tồn môi trường tự nhiên, ví dụ như bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường quản lý rừng; Giảm thiểu thiệt hại và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua phát triển chính sách, và phòng tránh hiện tượng xâm nhập mặn tai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; Thiết lập đường dây nóng phòng chống mua bán người.

Trụ cột 3: Tăng cường quản trị

Quản trị tốt là một trong các nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. JICA cho rằng các thách thức mà Việt Nam cần giải quyết trong lĩnh vực quản trị là: đổi mới pháp luật và bộ máy tư pháp, tăng cường năng lực và các chức năng hành chính, đẩy mạnh các chức năng hoạt động của Quốc hội, đồng thời, tăng cường sự tham gia của người dân.

Trong lĩnh vực đổi mới pháp luật và bộ máy tư pháp, JICA đã triển khai rất nhiều dự án hợp tác kỹ thuật từ năm 1996. Các dự án này đã giúp Việt Nam xây dựng và sửa đổi các bộ luật dân sự và pháp luật thủ tục, tăng cường việc thực thi các luật và quy định, cũng như tăng cường năng lực cho các đơn vị và nguồn nhân lực hoạt động trong bộ máy tư pháp.

Về các hoạt động trong lĩnh vực hành chính, JICA đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cán bộ, viên chức nhà nước thông qua hợp tác với Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh, đổi mới các dịch vụ công và cải cách hành chính, đồng thời tăng cường năng lực cho Văn phòng Chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động xây dựng và triển khai chính sách. JICA hiện dự kiến sẽ thực hiện một dự án hợp tác kỹ thuật quy mô lớn liên quan đến phát triển nguồn nhân lực dành cho các cán bộ lãnh đạo, cũng như hoạt động cải cách hành chính trong năm 2018.

Đối với Quốc hội, JICA hỗ trợ tăng cường năng lực của Văn phòng Quốc hội nhằm đẩy mạnh các chức năng của Quốc hội về lập pháp cũng như chức năng giám sát các hoạt động của Chính phủ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có các hoạt động hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hướng đến nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề phát triển xã hội.

PV: Có rất nhiều dự án ODA của Nhật đã và đang triển khai tại Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả thực hiện nói chung của các dự án ODA Nhật Bản tại Việt Nam? Xin ông cho biết thêm về thành quả một dự án mà ông cho là tiêu biểu trong năm tài khóa 2017 tính đến thời điểm này.

Trưởng đại diện JICA: Việc triển khai các dự án ODA Nhật Bản đã được tiến hành tương đối hiệu quả. Các dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra và đem lại lợi ích cho các đối tượng dự án cũng như cộng đồng và xã hội. Các bạn có thể nhận thấy hoạt động hợp tác phát triển của JICA trên nhiều lĩnh vực, như: phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và các nhà máy điện, tăng cường chất lượng dịch vụ y tế, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ đổi mới chính sách,…Tất cả những hoạt động này đã góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế và chất lượng đời sống của người dân Việt Nam.

Trong số các dự án kết thúc vào năm 2017, tôi muốn giới thiệu đến các bạn công trình đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện được khánh thành vào ngày 2/9/2017. Đây là một hợp phần trong Dự án xây dựng Cảng quốc tế nước sâu quy mô lớn Tân Vũ – Lạch Huyện tại thành phố Hải Phòng.

Công trình này sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển đường biển ngày càng tăng tại Việt Nam và đáp ứng năng lực tiếp nhận tàu chở hàng tải trọng lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của khu vực miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. Hơn nữa, công trình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chiến lược phát triển kinh tế hội nhập của Việt Nam hướng tới tái cơ cấu nền kinh tế, phân phối lại hoạt động sản xuất và nguồn lực lạo động nhằm tối đa hóa tiềm năng của các địa phương nơi mà cơ sở hạ tầng được thiết lập.

Đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện có tổng chiều dài là 15,63km, trong đó có 5,44 km là phần cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á. Dự án áp dụng các công nghệ xây dựng tiên tiến Nhật Bản với ưu điểm thi công nhanh, và kiểm soát chất lượng tốt trong quá trình xây dựng. Cùng với đó, phương pháp xây dựng trụ cầu cũng cân nhắc đến việc phòng tránh hiện tượng sụt lún nền do đất bồi đắp ở khu vực hạ lưu trong tương lai.

Cảng quốc tế Lạch Huyện dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2018. Do đó, tại thời điểm hiện tại, còn quá sớm để có thể kết luận về các lợi ích mà dự án mang lại cho nền kinh tế, ngành công nghiệp và người dân; tuy nhiên, thời gian di chuyển giữa hai đầu Đình Vũ và Cát Hải đã được cải thiện đáng kể. Trước đây, khi sử dụng dịch vụ phà qua sông, chúng ta phải mất từ 60 đến 75 phút, và tần suất hoạt động của phà là 1 lần/giờ. Hiện nay, cây cầu mới giúp việc đi lại chỉ còn 15 phút, và không hạn chế về tần suất sử dụng. Số lượng các phương tiện sử dụng cầu đã đạt đến 2.000 phương tiện/ngày, và con số này theo kế hoạch là 35.000 phương tiện/ngày vào năm 2020...

  PV:  Xin ông cho biết định hướng hợp tác của JICA tại Việt Nam trong năm 2018?

Trưởng đại diện JICA: JICA sẽ tiếp tục triển khai ODA Nhật Bản tại Việt Nam theo 3 trụ cột hoạt động trên trong năm 2018, đồng thời điều chỉnh nội dung hợp tác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mới của Việt Nam.

Trong năm 2018, JICA sẽ chú trọng vào 3 vấn đề (1) thúc đẩy các dự án hiện đang thực hiện, (2) tái khởi động các dự án hiện đang bị đình trệ như Dự án Đường sắt nội đô Hà Nội số 1 và 2, và (3) triển khai các dự án đã được hai bên thông qua. Dự án Hợp tác Kỹ thuật với Ban Tổ chức Trung ương nhằm hỗ trợ cải cách hành chính, và phát triển nguồn nhân lực cho đội ngũ các nhà lãnh đạo chính trị cũng như các cán bộ của Chính phủ Việt Nam trong 5 năm tới là một trong số các dự án dự kiến triển khai trong thời gian tới. Đồng thời, chúng tôi vẫn tiếp tục tham vấn các cơ quan liên quan để chuẩn bị các dự án mới.

Trong quá trình xây dựng và triển khai dự án, thông qua việc áp dụng kinh nghiệm và bí quyết của Nhật Bản, JICA mong muốn hỗ trợ “tăng trưởng chất lượng” và “phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao”; phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, lĩnh vực kỹ thuật, y tế, cao học, tư pháp, quản lý công, tiếng Nhật,…; đồng thời, giới thiệu và thử nghiệm các ý tưởng mới cũng như các tiếp cận mới của các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, các cơ quan chính quyền địa phương, các trường đại học, và các tổ chức của người dân Nhật Bản để giải quyết các thách thức trong quá trình phát triển của Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Kiều Giang (thực hiện)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực