Nỗ lực thắp sáng đảo Bé

Chủ nhật, 16/09/2018 11:29
(ĐCSVN) – Từ ngày có điện, người dân trên đảo Bé (đảo An Bình) huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có thêm điều kiện để nâng cao đời sống và sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó mà bây giờ đến với đảo Bé, ai cũng dễ dàng nhận ra nơi đây đang có nhiều thay đổi. Những đổi thay này đều bắt nguồn từ điện.
Ông Đoàn Yên, Giám đốc Điện lực Lý Sơn giới thiệu về mô hình
ghép điện năng lực mặt trời và điện phát bằng máy phát điện diezel 

Đây là chia sẻ của ông Đoàn Yên- Giám đốc Điện lực Lý Sơn khi mở đầu câu chuyện, giới thiệu về đảo Bé, thuộc huyện đảo Lý Sơn với chúng tôi trên con tàu cao tốc mang tên “Biển Đông”, bắt đầu rời Cảng Sa Kỳ để ra thăm Lý Sơn vào tháng 8 vừa qua.

Theo lời ông Yên, đảo Bé còn có tên là đảo An Bình, một trong ba xã của huyện đảo Lý Sơn, có diện tích 0,69 km2, nằm tách biệt và cách đảo Lớn (hai xã An Vĩnh và An Hải) khoảng 3,5 hải lý về phía Tây Bắc và cách đất liền 18 hải lý.

Trên đảo hiện có 150 hộ với gần 500 nhân khẩu. Trước đây, cũng như 02 xã đảo còn lại của huyện đảo Lý Sơn, đảo Bé (An Bình) phát triển khá chậm. Đặc biệt, nơi đây vốn là một hòn đảo có diện tích không lớn, lại do đặc điểm của địa chất và biển bao bọc nên trên đảo hoàn toàn không có nguồn nước ngọt. Do không có nước ngọt nên người dân ở đây khó có thể làm được gì ngoài nghề đánh cá nhỏ ven đảo và trồng tỏi, nhưng trồng tỏi cũng phải lấy nước mưa hoặc nước vận chuyển từ bên đảo Lớn về, rất khó khăn, tốn kém… Vì thế mà kể cả với du khách trước đây, khi đến với Lý Sơn họ chỉ quanh quẩn bên đảo Lớn mà không muốn qua đảo Bé. Chính điều này càng làm cho đảo Bé gần như bị cô lập, ít ai lui tới…

“Trước tình hình đó, để thực hiện việc phát điện phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bà con trên huyện Đảo, đặc biệt là tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế mà Lý Sơn có tiềm năng như du lịch, trồng tỏi…., từ những năm đầu thập niên 2000, ngành Điện lực Quảng Ngãi và Điện lực Lý Sơn đã nỗ lực không ngừng để bà con trên đảo có điện sinh hoạt, dù ban đầu chỉ vài tiếng đồng hồ mỗi ngày”- Giám đốc Điện lực Lý Sơn Đoàn Yên cho biết.  

Theo ông Đoàn Yên, dấu ấn về điện đến với Lý Sơn mở đầu từ cuối năm 2003, sau khi tiếp nhận Nhà máy phát điện diezel và lưới điện trên Đảo từ UBND huyện Lý Sơn, ngành điện đã đầu tư nhiều mặt để từng bước phát điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đảo. Theo đó, đến năm 2014, tổng công suất lắp đặt nguồn diezel lên đến 4,2 MW, có 06 máy biến áp nâng với tổng dung lượng 6 MVA. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, ngành điện Lý Sơn mới chỉ thực hiện phát điện 6h/ngày, từ 17h đến 23h cho cả 3 xã đảo.

Không thể chấp nhận mãi những khó khăn của mình, rất nhiều lần cấp ủy và chính quyền huyện đảo Lý Sơn đã đề xuất, tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi để đưa điện về cho huyện đảo này.

Đáp lại nhu cầu bức thiết của cấp ủy, chính quyền và người dân huyện Đảo, cuối năm 2013, đầu năm 2014, với sự vào cuộc giúp đỡ của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, ngành điện Quảng Ngãi và Lý Sơn đã được đầu tư xây dựng hệ thống cáp ngầm xuyên biển 22kV từ Bình Hải ra Lý Sơn với tổng nguồn vốn 672 tỷ đồng, đưa vào sử dụng trong tháng 9/2014.

Từ đây, Lý Sơn được hòa lưới điện quốc gia để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo cú hích cho sự chuyển mình của huyện đảo trong việc phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Cũng từ khi có điện lưới Quốc gia, nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân tăng cao. Phụ tải cao điểm đến cuối năm 2017 là: 3 MW, trong khi đó phụ tải cao điểm trước khi có điện lưới quốc gia chỉ là 2 MW.

Đối với đảo Bé (xã đảo An Bình) hiện nay cũng đã được cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời lai ghép với 02 máy phát điện diezel 2x110kVA, cung cấp điện liên tục 24/24h/ngày bắt đầu từ ngày 22/01/2017 (nhằm ngày 25 tháng chạp năm Bính Thân), theo chỉ đạo của Điện lực Việt Nam.

Tuy nhiên, để có được thành công đó, khác với 2 xã đảo An Vĩnh và An Hải do tọa lạc trên đảo Lớn nên được hưởng nguồn điện Quốc gia bằng đường tải cáp ngầm từ đất liền kéo ra, ở đảo Bé hiện nguồn điện này chưa được kéo đến. Vì thế, với sự nỗ lực của ngành điện lực Quảng Ngãi và Lý Sơn, từ tháng 8/2017 tại đây đã đưa vào vận hành nhà máy điện mặt trời tại An Bình với tổng đầu tư 20 tỷ đồng.

Ông Đoàn Yên cho biết: Điện ở đảo Bé hiện có hai hệ thống là điện mặt trời và hệ thống diesel. Hệ thống điện diesel công suất 2x110kVA đưa vào sử dụng, hoàn thành giai đoạn 1 chính thức từ ngày 31/8/2017. Sau đó Tổng Công ty Điện lực miền Trung tiếp tục đầu tư dự án cấp điện cho xã An Bình giai đoạn 2 bằng hệ thống năng lượng mặt trời. Dự án điện năng lượng mặt trời tại xã An Bình được xây dựng trên diện tích 2.021m², bao gồm hạng mục hệ thống pin quang điện, công suất 96kW; hệ thống lưu trữ năng lượng và các công trình phụ trợ.

Ngay sau khi hoàn thành, hệ thống năng lượng mặt trời được đấu nối với nhà máy phát điện diesel tạo thành một hệ thống điện lai ghép giữa năng lượng và máy phát thực hiện cấp điện 24/24 giờ, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh cho người dân trên đảo Bé. Đặc biệt năng lượng điện chủ yếu được phục vụ cho nhà máy Doosan chuyển đổi nước mặn thành nước ngọt cho bà con ở đảo sinh hoạt.

Hệ thống pin năng lượng mặt trời dùng để phát điện trên đảo Bé (Lý Sơn)

Theo giới thiệu của ông Đoàn Yên, quy trình hoạt động của hệ thống điện năng lượng mặt trời theo quy trình điện được hấp thụ ánh nắng chói chang ở đảo sau đó được đưa lên điện lưới 0,4KV để cấp điện cho người dân trên đảo, phần còn lại sẽ chuyển từ xoay chiều sang một chiều trong ắc- quy thường trực. Về đêm khi thiếu năng lượng mặt trời, dung lượng áp quy dưới 45% thì máy phát tự động phát điện, khi lên 75% thì máy tự động dừng ắc-quy trở lại phát điện.

“Để dòng điện xuyên suốt phục vụ cho người dân trên đảo Bé, 29 cán bộ công nhân viên Điện lực Lý Sơn đã thay phiên nhau hoạt động không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm, cố gắng đem tới dòng điện sinh hoạt kịp thời và an toàn nhất cho bà con, giúp bà con nhân dân ở đảo Bé phát triển đời sống xã hội và kinh doanh du lịch hiệu quả nhất”- ông Đoàn Yên chia sẻ thêm.

Như vậy, việc đưa vào hoạt động tổ hợp điện năng lượng mặt trời và máy phát điện diesel trên đảo Bé của huyện đảo Lý Sơn không những đã đáp ứng nhu cầu phát triển và sinh hoạt của người dân trên đảo mà còn mang lại một nguồn sống mới trên hòn đảo này. Bởi khi đã có điện, người dân dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin và áp dụng vào việc đánh bắt hải sản hiệu quả hơn. Đặc biệt, ngành du lịch tại đây gần đây cũng đã có những khởi sắc. Đây là điều kiện thuận lợi lớn để huyện Lý Sơn nói chung và đảo Bé (xã đảo An Bình)- một trong những xã đảo tiền tiêu của Tổ quốc ngày càng phát triển./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực