Nhìn lại 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Thứ sáu, 05/07/2019 11:30
(ĐCSVN) – Sau 10 năm triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đến nay đã có hơn 12,6 triệu người tham gia. Kết dư quỹ hiện khoảng trên 79.000 tỷ đồng. Dự báo đến năm 2020, Quỹ BHTN vẫn đảm bảo an toàn.
Ảnh minh họa: ĐH

Số người tham gia BHTN vượt so với phương án xây dựng chính sách

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, qua 10 năm triển khai thực hiện, chính sách BHTN đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, được người lao động và người sử dụng lao động đón nhận một cách tích vực và được dư luận xã hội đánh giá cao.

Đặc biệt, theo đánh giá, đối tượng tham gia BHTN được mở rộng và số người tham gia BHTN vượt so với phương án xây dựng chính sách.

số lượng người tham gia và đóng BHTN tăng qua các năm và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu năm 2009 khi bắt đầu triển khai chính sách BHTN có khoảng 6 triệu người tham gia thì tới năm 2015 (năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có trên 10,3 triệu người tham gia; đến năm 2018 đã có hơn 12,6 triệu người tham, bằng 87,7% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Cùng với đó, tổng số tiền thu BHTN không ngừng tăng qua các năm, tính đến thời điểm năm 2018, bình quân tiền đóng BHTN hằng tháng của người lao động là 4.937.117 đồng, tăng 9,94% so với bình quân tiền đóng năm 2017, tổng số tiền thu BHTN năm 2018 là trên 15,5 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, số lượng đối tượng thụ hưởng chính sách BHTN ngày càng tăng, góp phần hỗ trợ người lao động khi mất việc làm. Theo thống kê, năm 2010 là năm đầu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ người thất nghiệp có hơn 162,7 nghìn người nộp hồ sơ hưởng các chế độ thất nghiệp thì có hơn 156,7 nghìn người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, hơn 125,5 nghìn người được tư vấn giới thiệu việc làm và 270 người được hỗ trợ học nghề. Đến năm 2018 có hơn 773,3 nghìn người nộp hồ sơ, hơn 763,5 nghìn người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, có khoảng 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm và gần 38 nghìn người được hỗ trợ học nghề để có thể chuyển đổi việc làm.

Còn theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước kết dư Quỹ BHTN tính đến cuối năm 2018 là hơn 79 nghìn tỷ đồng, dự báo đến năm 2020, Quỹ BHTN vẫn an toàn.

Ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, bằng việc tham gia vào quỹ BHTN, khi người lao động mất việc làm, toàn bộ chế độ cho người lao động được quỹ BHTN đảm bảo. Người lao động không chỉ được hưởng một khoản tiền trợ cấp để bù đắp, thay thế một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp, quan trọng hơn nữa là có các biện pháp để hỗ trợ người lao động tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới; đồng thời người thất nghiệp còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Quyền lợi của người lao động được đảm bảo, doanh nghiệp không bị áp lực về mặt tài chính, nhất là trường hợp có nhiều lao động thôi việc.

Cần sửa đổi Luật Việc làm

Ông Lê Quang Trung nhận định, để chính sách BHTN đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, nên sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Trước hết cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm. Theo đó, chính sách BHTN, chính sách việc làm không chỉ chú trọng các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua chi trả trợ cấp thất nghiệp. Quan tâm hơn đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm. Xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của hai bên nhằm tăng cường sự liên kết. Có sự hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ.

Bên cạnh đó cũng cần hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện BHTN. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt tư vấn và hỗ trợ việc làm, vì đây là hướng giải quyết người thất nghiệp một cách bền vững nhất. Nghiên cứu, xem xét xây dựng mô hình chuẩn của trung tâm dịch vụ việc làm để thực hiện tốt các nhiệm vụ tư vấn, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, cung cấp lao động và dạy nghề...

Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHTN nhằm rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHTN để có các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện BHTN cũng không thể chậm hơn. Qua đó, bảo đảm đồng bộ các yếu tố về công nghệ, kỹ thuật gắn kết với cải cách hành chính, phương thức làm việc trong tổ chức thực hiện BHTN./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực