Nâng tuổi nghỉ hưu và bài toán mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội

Thứ năm, 16/03/2017 09:19
(ĐCSVN) – Theo các chuyên gia, việc nâng tuổi nghỉ hưu chỉ là một trong những giải pháp giảm nguy cơ mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong tương lai.

Ảnh minh họa: TH
Vì sao các quỹ đều được dự báo mất cân đối?

Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, dự kiến đến năm 2031 chênh lệch thu - chi Quỹ Hưu trí bắt đầu âm 35.962 tỷ đồng; quỹ bảo hiểm thất nghiệp dự báo đến năm 2020 chênh lệch thu chi hơn 668 tỷ đồng; còn quỹ bảo hiểm y tế đến cuối năm 2019 quỹ dự phòng sẽ hết và âm 144 tỷ đồng.

Giải thích vì sao số người lao động tham gia các loại hình BHXH, BHYT, BHTN đều tăng, nhưng theo dự báo các quỹ lại mất cân đối, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, không chỉ trong các cơ quan Việt Nam mà ở cả Tổ chức Lao động quốc tế, Ngân hàng Thế giới đều có dự báo là quỹ hưu trí của chúng ta đến một thời điểm nào đó sẽ mất cân đối, 2031 hoặc có thể chậm hơn chút nếu chúng ta sửa đổi chính sách. Nguyên nhân là do quan hệ đóng hưởng của chúng ta, tỷ lệ hưởng của Việt Nam gần như cao nhất thế giới (75%). Thứ hai là tỷ lệ tích lũy gần như cao nhất thế giới; ví dụ như nam giới tham gia BHXH 20 năm thì mức tối thiểu là 45% cứ tăng thêm mỗi năm đóng BHXH được cộng thêm 2% khi mà các nước xung quanh chỉ 1% hoặc hơn 1%.

Thứ ba, đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí thì 22% tiền lương cả doanh nghiệp và người lao động, 30 năm tham gia BHXH mỗi năm đóng 22% thì đóng 66 tháng lương vào đó, khi về hưu họ hưởng 75%, tức là nếu không có lãi suất đóng thì chỉ đủ cho 88 tháng hưởng lương hưu, cộng tất cả lãi suất đầu tư thì có thể trả tối đa là 120 tháng (tương đương 10 năm sau khi về hưu).

“Một người về hưu tuổi 60 với tuổi thọ bình quân hiện nay là 73 thì người nào 60 tuổi trung bình sống thêm 19 năm. Trong khi đó phần đóng BHXH chỉ đủ trả cho 10 năm, 9 năm còn lại là quỹ BHXH phải chi trả, âm hay không là ở chỗ này” – Thứ trưởng giải thích.

Về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phân tích: Hiện nay, mức đóng BHXH tiếp tục giữ nguyên từ Luật BHXH năm 2006 (Quỹ hưu trí tử tuất, người sử dụng lao động đóng 14% và người lao động đóng 8%; Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp người sử dụng lao động đóng 1%; Quỹ ốm đau, thai sản người sử dụng lao động đóng 3%). Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung thêm nhiều quyền lợi đối với người hưởng, đặc biệt chế độ thai sản (mẹ sinh con thì bố cũng được nghỉ việc hưởng trợ cấp, lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng trợ cấp thai sản …); tăng mức hưởng chế độ BHXH một lần; mở rộng đối tượng được hưởng BHXH một lần. Như vậy, mức thu không tăng trong khi mức chi tăng dẫn đến các quỹ sớm mất cân đối là tất yếu. Kết quả dự báo việc mất cân đối các quỹ có nguyên nhân chính từ việc tăng các mức hưởng.

Bài toán tăng tuổi nghỉ hưu

Để giải quyết thực trạng trên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, cần phải có nhiều giải pháp như: giảm thiểu tình trạng trốn đóng, nợ đóng; nỗ lực tăng lợi tức đầu tư để quỹ có thể bảo tồn và phát triển được; sử dụng hiệu quả chi phí quản lý theo hướng tiết giảm, ứng dụng CNTT để minh bạch, để cập nhật tất cả tình hình...

Đặc biệt, theo Thứ trưởng, một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề trên là nâng tuổi nghỉ hưu. “Tham gia vào quỹ BHXH thêm 2 năm thì phần đấy ít nhất cũng trả được trong 2 năm sắp tới, đồng thời 2 năm không hưởng hưu trí cộng thêm vào nữa là 4 năm. Nhưng hiện nay, mất cân đối khoảng 9 năm nên cho dù mình có nâng tuổi nghỉ hưu lên thêm 2 hoặc 3 năm thì cũng chỉ giải quyết được một phần của câu chuyện mất cân đối” – Thứ trưởng ví dụ. Ông cũng cho biết thêm hiện nay, các nước hầu hết đều nâng tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi. Thậm chí, nước Pháp còn cho phép người dân tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian học đại học.

Tán thành ý kiến trên, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng nếu nâng tuổi nghỉ hưu thì bài toán mất cân đối quỹ vẫn hiện hữu nhưng cũng đã đến lúc chúng ta phải nâng tuổi nghỉ hưu. Ông nhấn mạnh: “Sau này lớp trẻ được đào tạo bài bản, sức khỏe tốt hơn, tuổi thọ cao hơn, chúng ta cũng phải có lộ trình dần. Nếu hôm nay chúng ta không đặt ra để chúng ta chuẩn bị tâm thế cho người lao động thấy tương lai nâng lên như thế thì không được”.

Vẫn theo ông Bùi Sỹ Lợi, bài toán này phải đặt ra để xin ý kiến nhân dân trong việc tăng tuổi nghỉ hưu. Đồng thời phải chia các nhóm lao động như những người làm trong môi trường độc hại thì hiện tại chưa nên nâng, nhưng trong tương lai, nếu điều kiện làm việc tốt lên thì có thể lại đề xuất nâng.

Còn theo ông Phạm Lương Sơn, để ổn định quỹ lâu dài thì chỉ có 3 giải pháp là tăng mức đóng, giảm mức hưởng hoặc kéo dài thời gian tham gia. “Tăng mức đóng có thể nói rất khó khăn, còn việc giảm quyền lợi thì không nên làm, do vậy cũng phải nghĩ tới một lộ trình thích hợp để kéo dài thời gian đóng ra thông qua việc tăng tuổi nghỉ hưu một cách hợp lý” – ông phân tích. Theo ông, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vừa bảo đảm tương quan giữa đóng và hưởng, vừa giải quyết việc thiếu hụt lao động khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người nghỉ hưu ngày càng giảm đi do mức sinh giảm. Đây cũng là một trong các giải pháp để bảo đảm vấn đề an toàn, lâu dài cho quỹ hưu trí và tử tuất, đưa chế độ hưu trí về đúng với bản chất là chế độ bảo hiểm tuổi già.

Ông cũng khẳng định việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không liên quan gì đến chi phí bộ máy của cơ quan BHXH. Bởi  chi phí quản lý của BHXH Việt Nam không lấy từ nguồn thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực