Độ bao phủ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam rất thấp, tốc độ tăng chậm

Thứ ba, 13/06/2017 16:27
(ĐCSVN)- Tại kỳ họp thứ 3,Quốc hội khóa XIV, phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước 2017, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) nhấn mạnh bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội đang có vấn đề.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa)

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho biết, đất nước ta hệ thống an sinh, xã hội cũng được đánh giá rất quan tâm đến nhân dân và trong đó có hai trụ cột rất cơ bản, đó là bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Hai vấn đề này, hiện nay đang có vấn đề.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi phân tích: Đối với chính sách bảo hiểm y tế, cho đến nay chúng ta rất tự hào, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 82% dân số, nhưng điều đáng suy nghĩ là 1/3 số người thuộc nhóm 40% đáy thu nhập chưa được bảo hiểm, ảnh hưởng đến vấn đề chăm sóc sức khỏe của nhân dân và nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ hai là hệ thống y tế cơ sở của chúng ta, đặc biệt là tuyến huyện và tuyến xã chưa có uy tín và chất lượng chưa cao.

Thứ ba, dịch vụ của chúng ta thiên về điều trị nội trú, can thiệp bằng công nghệ nên dẫn đến quá tải bệnh viện tuyến trên, nhưng lại giảm tải ở tuyến dưới. Bệnh viện thì ngày càng được tự chủ về thu phí tuyển dụng đầu tư cơ bản đi vay, nhưng lại không bị ràng buộc trách nhiệm về hiệu quả. Y tế tư nhân đang phát triển, nhưng quy mô rất nhỏ và không gắn với hệ thống bảo hiểm y tế. Quản lý các nhà cung cấp dịch vụ còn hạn chế và manh mún, giám sát chất lượng của chúng ta tập trung vào đầu tư thay vì chất lượng dịch vụ. Hệ thống y tế công phải đối mặt với các thách thức mới, bệnh không lây nhiễm, lối sống, già hóa dân số và phải đảm bảo sẵn sàng trước các tình huống khẩn cấp về biến đổi khí hậu, thảm họa và dịch bệnh.

Đối với bảo hiểm xã hội thì hệ thống hưu trí của chúng ta có nguy cơ không bền vững về tài khóa. Nếu không cải cách sẽ bị thâm hụt trong thập kỷ 2020. Độ bao phủ bảo hiểm xã hội của chúng ta rất thấp, tốc độ tăng chậm. Hiện nay, chỉ có 24,5% lực lượng lao động tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Trong đó, số vào hệ thống bảo hiểm xã hội của chúng ta mỗi năm là 2 thì số ra là 1, do chúng ta thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần. Đây là một cảnh báo. Đại biểu muốn chuyển một khuyến cáo đến người lao động, xem xét suy nghĩ và chú ý đến việc có nhất thiết phải về bảo hiểm xã hội một lần hay không vì đóng bảo hiểm xã hội hiện nay của người lao động là 22% thì người lao động đóng 2,64 tháng/năm. Nhưng khi về một lần chỉ được hưởng 2 tháng, người lao động thiệt và chúng ta không thể lấy tiền này để đầu tư phát triển sản xuất. Điều này rất đáng lưu ý.

Xuất phát từ hai vấn đề này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề xuất 2 vấn đề sau: Vấn đề thứ nhất, đề nghị Chính phủ, ngành y tế cần tập trung hoàn thiện các quy định để hướng dẫn về tuyến khám, chữa bệnh, không tách tuyến theo địa giới hành chính và tuyến chuyên môn kỹ thuật. Nếu tách thế này rất khó khăn cho người dân. Sớm ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản để chi trả bảo hiểm y tế. Điều chỉnh giá dịch vụ y tế để phù hợp nhằm khắc phục, lạm dụng chỉ định để tăng lợi nhuận, chuẩn hóa các quy định về cung cấp dịch vụ như khám bệnh, xét nghiệm, chuẩn đoán hình ảnh, tăng cường công tác giám định và quản lý giám sát bằng công nghệ thông tin. Tăng cường dịch vụ y tế công và tư chất lượng cao và tập trung chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân./.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung tuyên truyền để làm chuyển biến nhận thức của người lao động, chủ sử dụng lao động để thực hiện tốt Luật bảo hiểm xã hội với mục tiêu là phải mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, Chính phủ cần quan tâm để chuẩn bị cân đối nguồn lực vào năm 2018 để chúng ta thực hiện hỗ trợ cho người lao động tham gia vào chính sách bảo hiểm xã hội, hộ nghèo được hỗ trợ 30%, cận nghèo là 25%, các đối tượng khác là 10%./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực