Chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam còn nặng về giải quyết hậu quả

Thứ hai, 23/07/2018 14:03
(ĐCSVN)- Chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam còn rất nặng về giải quyết hậu quả và nhẹ về phòng ngừa và giảm thiểu tác động. Nếu phòng ngừa "cháy nổ" mà tốt, không phải chi trả những hậu quả thì sẽ đỡ tốn kém hơn.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp với báo chí mới đây. Theo Thứ trưởng, trong chính sách bảo hiểm xã hội thì có ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, thất nghiệp. Nhóm xây dựng đề án chính sách bảo hiểm xã hội nhận định rằng, thời gian qua, chính sách bảo hiểm xã hội của chúng ta nặng về giải quyết hậu quả. Khi người lao động thất nghiệp thì chúng ta chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo các kỹ năng mới cho họ để đáp ứng được yêu cầu công việc của thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: TT

“Trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta còn rất nhẹ về phòng ngừa và giảm thiểu hậu quả của thất nghiệp. Cần phải thấy rằng, trong bất kỳ một chính sách bảo hiểm nào thì các giải pháp phòng ngừa là quan trọng nhất. Tôi lấy ví dụ như vấn đề cháy nổ. Nếu phòng ngừa cháy nổ mà tốt, không phải chi trả những hậu quả thì sẽ đỡ tốn kém hơn. Qua đánh giá thấy rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta còn rất nặng về giải quyết hậu quả và nhẹ về phòng ngừa và giảm thiểu tác động”- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chia sẻ thêm.

Thứ trưởng dẫn chứng một số nước, chẳng hạn như bảo hiểm thất nghiệp của Hàn Quốc. Khi mà nguy cơ sa thải của doanh nghiệp cao, phải giảm giờ làm thì họ sẽ giảm xuống 80%, trong khi đáng nhẽ phải giảm 100%, chứ không sa thải lao động. Đó là nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp. Khi đó, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ một phần tiền lương để doanh nghiệp có thể duy trì, không sa thải lao động, không tạo gánh nặng cho nền kinh tế. Hoặc là đối với những ngành nghề nguy cơ sa thải rất là cao, quỹ có thể hỗ trợ họ thành lập những doanh nghiệp tự làm với nhau, nhất là những người già. Ở Hàn Quốc, họ thành lập các doanh nghiệp gọi là “Ever Young”, tức là doanh nghiệp của những người đã “từng trẻ” bây giờ đến tuổi không làm việc nữa. Những người này sẽ tập hợp lại với nhau và quỹ sẽ hỗ trợ họ tự tạo việc làm, có thể năng suất không cao, có thể chất lượng dịch vụ không thật tốt nhưng ít nhất họ còn có một công việc, vẫn còn làm ra sản phẩm và cung cấp được dịch vụ. Qua đó, GDP tiếp tục được cộng vào, còn năng suất lao động xã hội thì tăng lên.

Theo Thứ trưởng, sắp tới sẽ phải sửa đổi cả chính sách bảo hiểm xã hội theo nghĩa là chúng ta phải có giải pháp phòng ngừa. Để doanh nghiệp tránh sa thải lao động, giảm giờ làm của họ thì cần có quỹ hỗ trợ. Rất nhiều nước, đối với những người nguy cơ sa thải rất là cao và khả năng tìm việc làm rất khó, quỹ sẽ hỗ trợ một phần bảo hiểm. Như vậy sẽ giảm được chi phí cho doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ giữ họ ở lại làm việc. Đấy là một sự kết nối, hỗ trợ giữa cộng đồng doanh nghiệp với nhau, giữa những người lao động với nhau, những người mà có chất lượng cao, việc làm ổn định. Họ chia sẻ với những người lao động khác ở trong đất nước mình.

Trước lo ngại việc hỗ trợ đó có vi phạm cam kết khi mà chúng ta gia nhập WTO không? Thứ trưởng khẳng định: "Rất nhiều nước họ đã làm và không hề vi phạm. Lý do là hỗ trợ doanh nghiệp ở đây là hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp là nguồn đóng của người lao động và người sử dụng lao động, không phải từ ngân sách nhà nước".

“Chúng tôi nghĩ rằng, cải cách chính sách bảo hiểm về việc làm, bảo hiểm về thất nghiệp là những cải cách rất lớn và tránh được tình trạng kết dư quá nhiều. Như thế thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi và doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều khi là quan trọng hơn người lao động được hưởng lợi. Bởi được hưởng lợi, họ sẽ giữ lao động ở lại.  Khi doanh nghiệp giữ lao động ở lại thì lao động tiếp tục có việc làm, tiếp tục đóng bảo hiểm, tiếp tục được mở rộng và tránh được tình trạng được bảo hiểm một lần, từ đó mở rộng được diện bao phủ”- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chia sẻ./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực