Vì sao hộ kinh doanh cá thể “né” chuyển đổi thành doanh nghiệp?

Thứ sáu, 21/04/2017 21:33
(ĐCSVN) - Rất nhiều hộ kinh doanh đủ điều kiện để chuyển đổi thành doanh nghiệp nhưng lại không muốn “lên đời”, vì sao?

 


Một hộ kinh doanh thiết bị điện trên phố Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: TH

Chị Hà - một chủ cửa hàng thời trang trên phố Hàng Da (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Mỗi năm, doanh số bán hàng đạt khoảng 250.000.000 đồng, chủ yếu là khách lẻ, không có nhu cầu về hóa đơn tài chính. Bản thân chủ cửa hàng cũng không cần pháp nhân của doanh nghiệp để vay vốn ngân hàng nên không nhất thiết phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Hơn nữa, mô hình hộ kinh doanh sẽ tiện lợi hơn vì không phải làm báo cáo thuế, không nhất thiết phải có kế toán…. “Trở thành doanh nghiệp, chúng tôi sẽ phải thực hiện nhiều quy định hơn, như: Báo cáo thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phòng cháy chữa cháy, đồng nghĩa với việc tăng chi phí” - chị Hà nói.

Anh Hoàng Tuấn - chủ cửa hàng đồ điện trên phố Phùng Hưng (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Cửa hàng của anh hoạt động gần chục năm nay. Theo quy định, doanh thu trên 100 triệu đồng/năm mới phải tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Năm 2016, anh nộp  mức thuế khoán là 1.800.000 đồng/tháng bao gồm thuế giá trị gia tăng 1.200.000 đồng (doanh số khoán 120.000.000 đồng/tháng) và thuế thu nhập cá nhân 600.000 đồng.  Nếu chuyển đổi sang doanh nghiệp, sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Theo nhận định của anh Tuấn, số tiền nộp các loại thuế này sẽ lớn hơn so với nộp thuế khoán áp dụng cho hộ kinh doanh cá thể.  

Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh cá thể chịu mức thuế khoán được tính như sau: Thuế giá trị gia tăng 1% + thuế thu nhập cá nhân 0.5%, nghĩa là phải đóng 1.5% trên doanh thu, trong khi nếu là doanh nghiệp, họ sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo thuế suất 20% trên thu nhập, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân…

Tại Tọa đàm "Để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp” vừa được tổ chức mới đây, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, quy định về mức thuế khoán cố định đối với hộ kinh doanh cá thể đang bị các hộ kinh doanh này lợi dụng để “né” thuế. Có khoảng 70% hộ kinh doanh nhỏ lẻ thường có thỏa thuận về mức thuế khoán với cơ quan thuế...

Theo Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Đây được xem là đối tượng chính để phát triển thêm số lượng doanh nghiệp, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên, với tâm lý “né” thuế, ngại các chi phí về quản lý kế toán, hóa đơn, sổ sách… như trên, liệu mục tiêu chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp có thuận lợi?

Một dẫn chứng mới nhất tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, thực trạng hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển thành doanh nghiệp còn khá phổ biến. Theo kế hoạch của UBND TP .Hồ Chí Minh, trong năm 2016-2017, chỉ tiêu cần chuyển 20.000 hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế việc chuyển đổi hiện vẫn khá chậm. Như tại quận Tân Phú, quý 1 có thêm 610 hộ kinh doanh thành lập mới, tăng 27% so với năm ngoái, nhưng chỉ có 6 hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Quận 12, 3 tháng đầu năm vận động được 87 hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp. Hiện nay, các quận đang tích cực rà lại những hộ kinh doanh, trước mắt chỉ vận động những hộ có doanh số lớn, thường xuyên sử dụng hóa đơn chuyển thành doanh nghiệp.

Để tránh tình trạng nhiều hộ kinh doanh cá thể đã đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp nhưng lại không chuyển đổi, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm đánh giá trên cơ sở thực tế những khó khăn, thuận lợi khi thực hiện chuyển đổi; đồng thời, nghiên cứu đưa ra chế tài đối với những hộ kinh doanh cá thể đã đủ điều kiện nhưng cố tình không chuyển thành doanh nghiệp.

Bên cạnh những giải pháp trên, các ngành chức năng cũng cần chỉ rõ những lợi ích lâu dài sau khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp như: Được hỗ trợ về tín dụng, có cơ sở pháp lý đảm bảo trong việc huy động vốn góp... Chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp là xu hướng lành mạnh, bài bản để cạnh tranh và vươn ra hội nhập quốc tế, đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước./

 

 

Trịnh Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực