Thận trọng với đề xuất không phân biệt bằng đại học chính quy và tại chức

Thứ sáu, 15/12/2017 19:45
(ĐCSVN) - Những ngày gần đây, việc Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất không ghi tên loại hình đào tạo trên bằng tốt nghiệp đang thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này đã vô tình đưa đến nguy cơ “vàng thau lẫn lộn” bởi đang có sự khác xa giữa các loại hình đào tạo đại học ở nước ta hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng nên giữ nguyên việc ghi loại hình đào tạo trên bằng tốt nghiệp như hiện nay. Ảnh QĐ

Theo đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất sửa đổi 36/73 điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012. Đặc biệt, đối với Điều 6 dự thảo đề xuất sửa đổi cách gọi hình thức đào tạo chính quy và tại chức (hệ vừa học vừa làm, giáo dục thường xuyên) được kiến nghị chuyển thành tập trung và không tập trung. Và tên loại hình đào tạo sẽ không được ghi trên bằng tốt nghiệp như hiện nay. Nói cách khác, bằng tại chức sẽ có giá trị giống như bằng chính quy.

Ngay khi được công bố, nội dung dự kiến đề xuất sửa đổi nói trên đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân cũng như các chuyên gia giáo dục.

Phần nhiều ý kiến khi được hỏi đều bày tỏ lo ngại về chất lượng đào tạo giữa hệ tại chức và chính quy ở Việt Nam hiện nay đang có sự “chênh lệch” nhau khá lớn. Nếu đề xuất của Bộ Giáo dục & Đào tạo được thông qua, khi đó sẽ không phân biệt bằng chính quy và bằng tại chức. Điều đó rất có thể sẽ đưa đến việc “đánh đồng” chất lượng đào tạo.

Với góc độ của người học, chị Đặng Lan Phương - cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Công bằng mà nói, ngay khâu tuyển chọn đầu vào của 2 loại hình đào tạo này đã rất khác nhau. Trong khi người học chính quy phải trải qua quá trình tuyển chọn tương đối chặt chẽ, nghiêm túc thì đối với hệ đào tạo tại chức, khâu tuyển chọn đầu vào lại “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều. Tiếp đó là quá trình học tập, thi cử của đào tạo chính quy và đào tạo tại chức cũng có nhiều điểm khác nhau. Đó là chưa kể đến việc điểm chuẩn đầu vào của hệ chính quy luôn cao hơn rất nhiều so với hệ tại chức. Vì thế, nếu vì một lý do nào đó chúng ta không ghi loại hình đào tạo trên bằng tốt nghiệp thì rất dễ dẫn tới việc “cào bằng” chất lượng giữa 2 loại hình đào tạo này”.

Để tốt nghiệp và được nhận tấm bằng hệ chính quy, người học đã phải trải

 qua quá trình tuyển chọn và học tập nghiêm túc. Ảnh QĐ

 Cùng chung quan điểm nói trên, thạc sỹ Phạm Hà Thanh - giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) chia sẻ: Thực tế công tác giáo dục bậc đại học ở nước ta những năm cho thấy, chất lượng đào tạo giữa hệ chính quy và hệ tại chức, vừa học vừa làm có sự khác nhau khá rõ nét. Hệ chính quy đầu vào cao, học tập nghiêm túc hơn; còn hệ tại chức thì nhìn chung vẫn được đánh giá là lỏng lẻo hơn, tạo điều kiện cho người học hơn. “Cũng có ý kiến cho rằng việc không phân biệt bằng chính quy và tại chức là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, trong khi chúng ta chưa có được chuẩn đầu ra với chất lượng thống nhất thì theo tôi vẫn nên duy trì việc ghi tên loại hình đào tạo trên bằng tốt nghiệp như hiện nay” - cô Phạm Hà Thanh cho biết thêm.

Khách quan nhìn nhận, thực tế cũng có không ít người sau khi tốt nghiệp hệ tại chức vẫn thực hiện tốt công việc chuyên môn, thành đạt trong công việc. Song, cũng không thể phủ nhận một thực tế đã diễn ra nhiều năm đó là có rất nhiều người không thể vượt qua khâu tuyển chọn của hệ chính quy mới buộc phải theo học hệ tại chức. Và cũng không phải ngẫu nhiên khi dư luận xã hội và các nhà tuyển dụng luôn có sự “phân biệt” giữa 2 loại bằng cấp cho 2 loại hình đào tạo: Chính quy và tại chức, bởi đối tượng học chính quy bắt buộc phải học tập trung, liên tục, tức là người học toàn tâm toàn ý với việc học tập, lĩnh hội kiến thức của quá trình đào tạo. Còn với hệ tại chức, với tính cách là loại hình đào tạo dành cho đại đa số người vừa học, vừa làm để hoàn thiện kiến thức chuyên môn hoặc muốn học thêm một ngành khác với ngành mình đang làm. Người học hệ tại chức thường bị chi phối bởi rất nhiều nội dung công việc khác nên chất lượng học tập cũng sẽ khác rất nhiều so với hệ chính quy. Do vậy, vấn đề ở đây chính là chất lượng đào tạo thể hiện ở sản phẩm đầu ra quá trình đào tạo, tức là trình độ thực tế của người học sau khi tốt nghiệp.

PGS, TS Đặng Sỹ Lộc (Hoc viện Chính trị, Bộ Quốc phòng) đánh giá: Không phân biệt hệ chính quy và tại chức sẽ đi liền với nguy cơ tiềm ẩn là khả năng dẫn tới việc lạm dụng bằng cấp. “Trong khi chúng ta chưa kiểm soát được chất lượng đào tạo thì chưa thể cấp một loại văn bằng”, PGS. TS Đặng Sỹ Lộc khẳng định.

Có thể thấy, những lo lắng của dư luận xã hội về nguy cơ “vàng, thau lẫn lộn” khi Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất không phân biệt bằng chính quy và tại chức là hoàn toàn có cơ sở.

Bởi về mặt quy định, chương trình đào tạo giữa chính quy và tại chức không có sự khác biệt nhiều, nhưng thực tế giữa 2 loại hình đào tạo này hiện đang còn một khoảng cách khá xa. Đã có thời điểm, việc theo học tại chức trở thành một “phong trào” có sự tham gia của khá nhiều người nhằm mục đích “có thêm” bằng cấp phù hợp với yêu cầu công việc họ đang làm, hoặc đáp ứng đòi hỏi của vị trí mà họ đã được bổ nhiệm. Do vậy, việc không ghi loại hình đào tạo trên bằng tốt nghiệp, thực chất là đồng nhất giữa đào tạo chính quy và đào tạo tại chức cần phải được các nhà khoa học, nhà quản lý cân nhắc kỹ lưỡng.

Ở một góc tiếp cận khác, đích đến cuối cùng của quá trình đào tạo là các cơ quan, doanh nghiệp, nơi sử dụng người lao động. Thước đo lớn nhất đối với chất lượng đào tạo bậc đại học dù là chính quy hay tại chức phải là trình độ, năng lực của người học sau khi tốt nghiệp.

Do đó, chỉ khi nào ngành giáo dục thực sự quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo bậc đại học, khi nào quá trình đào tạo được minh bạch, chất lượng đào tạo được kiểm soát thì khi đó, bản thân việc ghi loại hình đào tạo trên bằng tốt nghiệp sẽ không còn cần thiết nữa./.

Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực