Miễn học phí sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ ba, 28/11/2017 10:30
(ĐCSVN) - Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố bản Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành, trong đó có điểm mới là miễn học phí cho học sinh tới cấp THCS. Vấn đề này đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Giờ chào cờ của học sinh trường THCS Thu Cúc (Tân Sơn – Phú Thọ). Ảnh: Thế Lượng

Học phí vốn là khoản tiền mà phụ huynh phải nộp cho nhà trường theo quy định trong quá trình con em mình học tập. Tính đến nay, Nhà nước ta có chính sách miễn học phí từ mầm non đến hết bậc tiểu học. Còn các bậc học khác, chế độ miễn, giảm học phí thực hiện theo các chính sách ưu tiên cho học sinh theo khu vực, chế độ hộ nghèo, cận nghèo, chế độ chính sách…

Chính sách miễn, giảm học phí theo cấp học, theo đối tượng được hưởng chính sách đã tạo nên hiệu ứng tốt đối với học sinh ở tất cả các địa phương trong cả nước, giúp học sinh thuộc các đối tượng bớt đi những khó khăn, gánh nặng về kinh tế và có thêm động lực để học tập tốt.

Trong Dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây, việc đưa ra phương án miễn học phí đến hết bậc học THCS khối các trường công lập đã được dư luận quan tâm và đưa ra nhiều ý kiến. Xin dẫn ra ở đây một số ý kiến của công dân về điểm mới của Dự thảo.

Cô giáo Dương Thị Hải Yến (Trường THPT Hạ Hòa – Phú Thọ) có ý kiến: “Bản thân tôi thấy rất mừng khi nghe được thông tin dự thảo miễn học phí cho học sinh bậc THCS, bởi lẽ, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như nước ta hiện nay, việc miễn học phí cho học sinh đến hết bậc THCS là hoàn toàn phù hợp. Làm được như vậy, chúng ta sẽ thể hiện sâu sắc sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện tốt cho con em nhân dân ở mọi đối tượng, ở các địa phương có điều kiện để học tập”.

Bà Hoàng Thị Quyên (bản Nà Đình, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, Lào Cai) chia sẻ: “Tôi ở xã vùng 3, học sinh ở đây đều là con em đồng bào các dân tộc, nên được miễn học phí. Khi nghe tin Dự thảo Luật Giáo dục có điểm sửa đổi là sẽ miễn học phí cho học sinh đến bậc THCS, tôi nhận thấy đây là sự công bằng đối với học sinh ở mọi miền, mọi đối tượng, phù hợp vào thời điểm phát triển của đất nước ta hiện nay”.

Em Nguyễn Trường Vũ (Học sinh, lớp 11A5, trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ) cho ý kiến: “Ngày học THCS, chúng em vẫn phải đóng học phí bình thường. Tuy giờ đã là học sinh THPT nhưng em thấy dự thảo miễn học phí cho học sinh đến bậc THCS là một chính sách đúng đắn, phù hợp của Đảng và Nhà nước ta. Nếu dự thảo này được thực hiện, học sinh vùng trung du chúng em sẽ bớt đi những lo lắng về các khoản đóng góp, yên tâm và có thêm động lực để học tập”.

Anh Nguyễn Văn Thạo (Xóm 2, Sạ Sơn, xã Quang Trung, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) chia sẻ: “Miễn học phí đến bậc THCS là hoàn toàn phù hợp với nền giáo dục quốc dân hiện nay. Chắc chắn, việc miễn học phí sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi miền trên đất nước”.

Như vậy, qua một vài ý kiến và lắng nghe sự bàn luận của dư luận xã hội, chúng tôi nhận thấy, đông đảo người dân rất đồng tình và ủng hộ chính sách miễn học phí đến bậc học THCS. Đa số người dân cho rằng, trước kia, do kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất các nhà trường còn thiếu thốn nên cần có sự chung tay của xã hội bằng việc đóng học phí, trừ bậc mầm non và tiểu học. Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đã phát triển, việc miễn học phí đồng bộ đến bậc THCS sẽ thể hiện sự quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục của Đảng và Nhà nước, của ngành Giáo dục. Hơn nữa, miễn học phí đến bậc THCS sẽ tạo cho học sinh có thêm động lực để học tập tốt, phụ huynh học sinh sẽ bớt đi những gánh nặng về đóng góp cho con em mình.

Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình và ủng hộ việc miễn học phí đến bậc THCS, nhiều phụ huynh học sinh và người dân cho rằng, số tiền học phí đóng góp hằng năm không nhiều nhưng các khoản đóng góp khác lại khá cao như: Các khoản chi phí phục vụ cho học sinh, các khoản ủng hộ, xã hội hóa ở nhiều trường học đã tạo ra gánh nặng không nhỏ.... Hiện nay, theo Luật, học sinh tiểu học được miễn học phí. Thế nhưng hầu hết phụ huynh có con học ở cấp tiểu học đều ít khi nào nhận ra điều này vì hằng tháng, họ vẫn phải đóng một khoản tiền không nhỏ với rất nhiều loại "học phí" khác. Ngoài trừ tiền bán trú và những chi phí xung quanh việc phục vụ bán trú, học sinh còn đóng các loại phí như: tin học, tiếng Anh...Vì vậy, điều mà phụ huynh và xã hội đặc biệt quan tâm không chỉ ở việc miễn học phí mà còn quan tâm ở sự chỉ đạo ở các nhà trường, các địa phương làm sao giảm thiểu các khoản đóng góp ngoài quy định để mỗi gia đình không còn canh cánh nỗi lo về đóng góp vào đầu mỗi năm học.

Là một giáo viên dạy trường THPT, tôi nghĩ rằng, lứa tuổi học sinh THCS vẫn còn nhỏ, việc học tập và sinh hoạt hằng ngày 100% phụ thuộc vào cha mẹ. Vì thế, cùng với học sinh bậc mầm non, tiểu học, đối tượng này cần được xã hội quan tâm về mọi mặt để các em có điều kiện học tập đầy đủ, học tập tốt là đúng đắn. Việc miễn học phí đối với bậc THCS thể hiện sự quan tâm của Ngành Giáo dục, của Nhà nước đối với quá trình học tập của con em nhân dân, giúp cho nhiều đối tượng học sinh có hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn không phải bỏ học giữa chừng vì thiếu điều kiện học tập, tạo động lực để mỗi gia đình có thêm quyết tâm đưa con em mình đến trường học tập. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, các nhà trường, mỗi địa phương cần phổ biến, tuyên truyền rõ mục đích, ý nghĩa của việc miễn học phí đến phụ huynh và học sinh. Cần tác động vào nhận thức của học sinh và nhân dân tính ưu việt của chính sách này để tránh sự nhận thức và thái độ thụ động, ỷ thế vào chính sách miễn học phí nên dẫn đến sự lơ là, thờ ơ và thiếu động lực vươn lên trong học tập./.

Nguyễn Thế Lượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực