Hệ lụy khi con người bị “thế giới ảo” và “trí tuệ nhân tạo” điều khiển

Thứ sáu, 28/07/2017 10:31
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây ở một số địa phương xảy tình trạng một số người dân mới chỉ nhìn thấy “người lạ” có biểu hiện không bình thường đã vội vã hô hoán, xông vào hành hung, chụp ảnh, quay clip tung lên mạng xã hội… gây mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật. Phải chăng đang có hiện tượng một bộ phận người dân bị “thế giới ảo” và “trí tuệ nhân tạo” điều khiển?

 

Ảnh minh họa (nguồn: cafef.vn)

“Trí tuệ nhân tạo” đang ngày càng ảnh hưởng và chi phối con người

Theo các nhà khoa học, “trí tuệ nhân tạo” hay “trí thông minh nhân tạo” (“artificial intelligence” hay “machine intelligence”, thường được viết tắt là AI) là trí tuệ được biểu diễn bởi bất cứ một hệ thống nhân tạo nào. Thuật ngữ này thường dùng để nói đến các máy tính có mục đích không nhất định và ngành khoa học nghiên cứu về các lý thuyết và ứng dụng của “trí tuệ nhân tạo”.

Để dễ hình dung, chắc nhiều người đã xem những bộ phim “Terminator”; “2001: A Space Odyssey” hay “I, Robot”… đều thấy có cùng một nội dung là ban đầu con người thiết kế ra những máy tính, hệ thống máy tính và những con robot tự hoạt động bằng "trí tuệ nhân tạo". Trong những bộ phim này, con người kiểm soát và điều khiển chúng bằng những mệnh lệnh hay chương trình được lập sẵn. Nhưng sau đó, những máy tính và những con robot này ngày càng thông minh hơn bởi “trí tuệ nhân tạo”. Đến một ngày nào đó, “trí tuệ nhân tạo” thông minh vượt trội hơn trí tuệ con người, dẫn đến con người mất quyền kiểm soát đối với hệ thống do chính mình sáng tạo ra. Thậm chí, hệ thống máy tính, những con robot đã điều khiển, chỉ huy, ra mệnh lệnh ngược lại đối với con người, làm chủ con người, bắt con người phải hành động theo ý đồ của chúng cho những mục đích xấu… Đến một mức độ nào đó, trí tuệ của con người trở nên vô thức, hành vi của con người lệ thuộc vào sự điều khiển ngược lại bởi “trí tuệ nhân tạo”. Và những con người bị lệ thuộc đó sống trong một “thế giới ảo” được điều hành, quản trị bởi hệ thống máy tính hay những con robot có “trí tuệ nhân tạo”.

Trong những bộ phim kể trên, có điều may mắn vì đó đều là khoa học viễn tưởng, không có thật, xem chỉ để giải trí. Nhưng ngày nay, yếu tố khoa học viễn tưởng đó đang dần trở thành hiện thực. “Trí tuệ nhân tạo” giờ đây không chỉ hoạt động đơn lẻ trong một dây chuyền sản xuất hay trong một con robot, mà đã phát triển thành hệ thống, thành mạng lưới (hệ thống vệ tinh viễn thám, hệ thống tài chính chứng khoán toàn cầu, Facebook, Twitter, Zalo… lấy nền tảng Internet làm trung tâm). “Trí tuệ nhân tạo” được coi là một trong những thành quả tiêu biểu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới - “Cách mạng 4.0”.

Có muôn vàn ví dụ để chỉ ra rằng “trí tuệ nhân tạo” đang hiện hữu và phục vụ rất đắc lực cho đời sống con người. Nó không chỉ xuất hiện trong những công ty, công xưởng, phòng nghiên cứu, trung tâm thí nghiệm, dây chuyền tự động hóa công nghệ cao nữa, mà đã xuất hiện ngay trước mặt chúng ta (máy vi tính), ngay trong túi quần chúng ta (điện thoại di động) và thậm chí ngay trong cơ thể chúng ta (robotnano trợ tim), v.v…

Ngày 7/7/2017, Báo điện tử vietnamplus.vn, dẫn lại từ tờ Daily Mail cho biết mới đây, tại miền Nam nước Nga, một camera gia đình được cho là đã ghi lại cảnh chú robot tự động tiến đến đỡ chiếc kệ sắp đổ vào em bé đang chơi bên dưới, mặc dù chú robot này không được lập trình cho hành động đó.

Nhưng bên cạnh mặt tích cực, thì cũng đáng buồn là “trí tuệ nhân tạo” đang có xu hướng tác động tiêu cực đến đời sống con người với cấp độ ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, Internet và mạng xã hội.

Ngày 5/1/2017, Trang thông tin điện tử cafef.vn trong một bài viết dẫn lại nguồn tin của tờ Seattle Times cho rằng, Công ty Amazon có trụ sở ở thành phố Seattle, bang Washington của Mỹ, đã đưa vào sử dụng 45.000 robot; và chính đội quân robot này đang “cướp” việc làm của con người trong các kho hàng Amazon.

Vụ tai nạn xảy ra ngày 7/5/2016 ở thành phố Williston của Mỹ được biết đến như là thảm họa gây chết người đầu tiên liên quan đến việc sử dụng công nghệ lái xe tự động bằng “trí tuệ nhân tạo”. Tesla Motors là đơn vị phát triển chiếc xe Model S cho biết cảm biến trên xe không phân biệt được màu trắng bên hông xe tải và ánh sáng bầu trời khiến vụ va chạm xảy ra (nguồn: Tạp chí Thế giới vi tính, đăng ngày 11/3/2017).

“Thế giới ảo” cấp độ hai với những hệ lụy khó lường

Cách đây 5 - 10 năm, những trò chơi trên Internet (games online) đã tạo ra “thế giới ảo”, tạm gọi là cấp độ một, có ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, hành vi, lối sống của một bộ phận trong xã hội, chủ yếu là thanh thiếu niên.

Đối với những người nghiệm games online, suy nghĩ, hành vi của họ gần như chỉ diễn ra trong “thế giới ảo” cấp độ một với những kịch bản, nhân vật, tình huống, bối cảnh do game tạo ra. Dù gì thì những suy nghĩ, hành vi đó chỉ ảnh hưởng đến bản thân những người chơi game. Nhưng nay, mạng xã hội (Google, Facebook, Zalo, Twitter, YouTube…) dường như đang tạo ra một “thế giới ảo” cấp độ hai. Vì các trang mạng xã hội có ưu thế về sự kết nối và chia sẻ cộng đồng rất cao nên những suy nghĩ, hành vi, lối sống trong “thế giới ảo” cấp độ hai có tính lây lan rất nhanh và khó chống đỡ; không chỉ tồn tại trong một vài cá nhân, mà nó đang có dấu hiệu tồn tại trong nhiều nhóm cộng đồng. Do vậy, “thế giới ảo” cấp độ hai đã và đang bắt đầu hiện hữu những nguy cơ còn nguy hiểm hơn “thế giới ảo” cấp độ một.

Các trang mạng xã hội đang ngày càng thu hút rất đông người sử dụng, thậm chí đã có nhiều người mắc chứng bệnh “nghiện facebook”. Những thông tin gồm cả thật và giả đang ngày càng chi phối đến đời sống xã hội, mà trước hết là đối với nhiều người hay dùng mạng xã hội hoặc nghiện mạng xã hội. Bực tức điều gì thì lên mạng xã hội chửi; buồn vui gì cũng lên mạng xã hội chia sẻ; mua bán gì thì cũng lên mạng xã hội giao dịch; tranh luận, phản đối, ủng hộ gì thì cũng lấy mạng xã hội làm diễn đàn… Tóm lại, họ gần như sống trên mạng xã hội với một “thế giới ảo” cấp độ hai.

“Thế giới ảo” cấp độ hai được sự tiếp sức bởi “trí tuệ nhân tạo” ngày càng thông minh hơn đang mang đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho xã hội. Một ví dụ, các trang mạng xã hội giờ đây đều có chức năng tùy biến tìm kiếm theo sở thích người dùng. Điển hình là Google có chức năng AdSense, tự động tìm kiếm, thu thập thông tin, thói quen, sở thích của người dùng xem họ thường hay truy cập vào những trang nào, thông tin gì… từ đó, các thuật toán của hệ thống sẽ tự động tập hợp những thông tin có liên quan để chủ động cũng cấp cho người dùng. Nếu những thông tin này lặp đi, lặp lại nhiều lần, tập trung với cường độ cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của người dùng, cho dù đó là thông tin thất thiệt, không tin rồi nghe mãi cũng sẽ tin. Xét ở góc độ này, trong “thế giới ảo” cấp độ hai, rõ ràng “trí tuệ nhân tạo” đang có dấu hiệu tiếp tục uy hiếp trí tuệ con người.

Ở một góc độ khác, trong “thế giới ảo” cấp độ hai, chính con người ngày càng “sống ảo” nên đánh mất dần trí thông minh của mình hoặc tự mình rơi vào u mê không phân biệt được thật - giả, phó mặc cho “trí tuệ nhân tạo” dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Có rất nhiều ví dụ cho chuyện này, hồi tháng 9 năm 2012, cậu thanh niên Ryan French, 16 tuổi, ở thành phố Liverpool của nước Anh đã nằm trên đường ray xe lửa để tự tử bởi cậu cảm thấy bị áp lực trước những tin đồn lan truyền trên facebook rằng mình có quan hệ tình cảm với một cô gái (nguồn: tinmoi.vn, đăng ngày 28/5/2013).

Ở Pháp, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khi còn đương chức đã phải bày tỏ sự tức giận và có động thái cải tổ triệt để hoạt động của Văn phòng Phủ Tổng thống sau hàng loạt tin đồn thất thiệt trên báo và mạng Internet về cuộc sống riêng tư của vợ chồng ông (nguồn: tienphong.vn, đăng ngày 3/11/2015).

Còn ở Việt Nam, vừa mới đầu tháng 7/2017, hai cô gái ở huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận cũng suýt tự tử chỉ vì trên mạng xã hội có người chế ảnh gán ghép hai cô vào một vụ hiếp dâm một nam thanh niên, mặc dù hai cô không hề liên quan (nguồn: Báo Giao thông, đăng ngày 10/7/2017).

Gần đây nhất, ngày 23/7/2017, hai phụ nữ bán tăm dạo đã bị một số người dân ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đánh hội đồng oan “thừa sống thiếu chết” phải nhập viện cấp cứu, chỉ vì một phụ nữ là người dân ở đó nhìn thấy và nghĩ các chị này bắt cóc trẻ em (vì trước đó trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin thật - giả về hiện tượng bắt cóc trẻ em), vậy là quay clip tung lên mạng xã hội và hô hoán nhiều người khác xông vào đánh đập, rồi lại tiếp tục quay cảnh đánh đập để tung lên mạng. Các clip nhanh chóng được phát tán, lan truyền càng thu hút sự tò mò và kích động tâm lý đám đông của nhiều người khác. Vụ việc này hiện đang được cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý.

Cần có ý thức trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng

Quay trở lại với chủ đề của một số bộ phim giả tưởng đã đề cập ở đầu bài viết, rất có lý khi các tác giả kịch bản đều dàn dựng phần kết phim: con người bằng trí thông minh siêu việt vốn có của mình rồi cuối cùng cũng vùng lên đấu tranh với robots để giành lại quyền kiểm soát. Phần kết cũng chính là những lời cảnh báo cho con người hãy cẩn thận với những phát minh kiểu như vậy.

Quả thật, đến giờ, với những gì đang diễn ra thì sự cảnh báo đó không hề thừa; tuy không còn mới nhưng luôn mang tính thời sự. Chúng ta hãy mau chóng xác lập và khẳng định quyền lực tuyệt đối của trí tuệ con người trước “trí tuệ nhân tạo”; kéo một bộ phận đang ngày càng đông trong xã hội thoát ra khỏi “thế giới ảo” để quay trở về với thế giới hiện thực.

Chính bản thân các trang mạng xã hội như: Google, Facebook, YouTube… đã nhận ra điều này và đang phải tự mình giải quyết vấn đề chống tin giả, tin đồn nhảm, tin rác, thông tin độc hại trên mạng xã hội.

Ở Việt Nam, ngày 13/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, tại điểm b, khoản 2, điều 64 quy định xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định; và tại điểm a, khoản 3, điều 64 quy định phạt từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Bộ luật Hình sự cũng đã có những quy định về tội danh xúc phạm nhân phẩm của người khác. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng đã có những quy định và mức xử phạt đối với những hành vi thuộc dạng này. Nhưng xem ra, các mức phạt đó so với những hệ lụy của của việc tung tin đồn nhảm, thông tin sai sự thật trên mạng gây ra, e rằng vẫn chưa đủ sức răn đe.

Thiết nghĩ các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý và xử lý việc trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội; đồng thời cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của Internet và các trang mạng xã hội.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là chính mỗi cá nhân trong cộng đồng, nhất là những người dùng mạng xã hội cần có ý thức trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin trên mạng; cần biết tự sàng lọc và thẩm định những thông tin không rõ nguồn gốc; nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, trong đó có quyền riêng tư của mỗi cá nhân trong cộng đồng; đừng để bị cuốn vào “thế giới ảo”; con người hãy làm chủ “trí tuệ nhân tạo” chứ đừng để bị nó điều khiển./.

Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực