Chặn nguồn ô nhiễm

Thứ ba, 13/11/2018 10:05
(ĐCSVN) - Có một thực tế, không một chính sách nào của Nhà nước có thể phát huy tốt hiệu quả nếu thiếu đi vai trò, tinh thần cộng đồng trách nhiệm thực thi của người dân, doanh nghiệp. Với các chính sách bảo vệ môi trường lại càng đúng như vậy.
“Dòng sông chết” trước làng nghề Bình Yên (Nam Định). Ảnh: Nam Dương.

 Hình ảnh những ngư dân làng biển Vịnh Hòa (xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) ngồi nhặt nhạnh những con cá hiếm hoi trong mẻ lưới nặng nhưng bên trong chứa chủ yếu là rác nhựa được truyền thông loan tải mới đây thêm một lần nữa gióng lên lời kêu cứu không lời nhưng đầy đau đớn của biển cả, rằng biển đang dần bị bị bức tử, rằng biển sẽ chết nếu những hành vi xâm hại của con người không bị ngăn chặn...

Ai cũng biết, rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng không có sẵn ở đáy đại dương. Đó là dưới biển, còn trên bờ thì sao?

Để cứu vãn môi trường ở làng nghề cô đúc nhôm Bình Yên (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực), cách đây chưa lâu, UBND tỉnh Nam Định đã phải quyết định chi ra 90 tỷ đồng ngân sách và hơn thế nữa chỉ để cho việc khắc phục, cải tạo môi trường đã bị ô nhiễm của một làng nghề..., nhưng rốt cuộc “chẳng ăn thua”.

Những hình ảnh, những câu chuyện tương tự giờ đây có thể bắt gặp, được nghe kể ở bất cứ đâu trên khắp chiều dài đất nước. Ngoài việc phản ánh môi trường sống đang bị xâm hại nghiêm trọng, nó cho thấy rõ hơn một điều, khi con người ứng xử tiêu cực với môi trường, cái giá phải trả nó “đắt” như thế nào? Không chỉ là tiền bạc mà còn là sức khỏe, sinh mạng, sinh kế của cả một cộng đồng...

Nhìn lại thì thấy, để góp phần bảo vệ môi trường có những việc không cần đến tiền hoặc cần rất ít, thay vào đó chỉ cần có thói quen, ý thức tốt.  Ví như, thay bằng chỉ có một thùng rác như hiện nay, mỗi gia đình sắm thêm một, hai chiếc, hình thành thói quen phân loại rác ngay tại nhà thì việc xử lý sau đó sẽ dễ dàng, thuận tiện, tiết kiệm hơn rất nhiều. Hoặc, mỗi lần đi chợ, mua sắm, thay bằng sử dụng túi nylon để đựng đồ như hiện nay, mọi người có thể dùng những đồ đựng làm từ vật liệu tự nhiên, dễ tiêu hủy như: Vải, mây, tre, cói, giấy... Nếu biết rằng, một chiếc túi nylon xả thải ra môi trường phải mất 400 năm sau chúng mới bị tiêu hủy thì mới thấy thay đổi này cần thiết và hữu ích thế nào, mới thấy “run tay” mỗi lần sử dụng túi nylon...

Rất tiếc, trong khi những nhà sáng chế vẫn đang phải đau đầu nghĩ cách chế tạo ra những thiết bị hiện đại, đa năng để có thể xử lý tốt rác thải thì những việc đơn giản, hiệu quả trên nhiều người Việt Nam vẫn chưa làm được. Thay vào đó, mọi người mới chỉ “ồ, à” lên, thể hiện sự ngưỡng mộ mỗi khi biết ở nước này, nước kia người ta thực hiện phân loại rác thải ngay tại nhà ra sao, tái tạo rác thải để làm việc này, việc khác thế nào.

Thực tế trên cho thấy, để chặn được nguồn gây ô nhiễm, cứu vãn tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng hiện nay, thiết nghĩ, rất cần có thêm những hành động mạnh mẽ, thiết thực hơn từ mọi thành phần xã hội. Theo đó, phía Nhà nước cần tăng cường thêm các nguồn lực bảo vệ môi trường, cả về chính sách, ngân sách, con người lẫn chế tài xử lý vi phạm; lựa chọn được những công nghệ bảo vệ môi trường hữu hiệu. Khuyến khích, hỗ trợ kịp thời những cá nhân, tổ chức, nhà sản xuất nghiên cứu, sản xuất ra những sản phẩm, vật dụng thân thiện môi trường, tiện lợi là an toàn cho sức khỏe con người...

Phía người dân, doanh nghiệp phải hình thành được thói quen, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đơn giản là không xả rác thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; đơn giản là sắm thêm một cái thùng đựng rác, phân loại rác ngạy tại nhà; tẩy chay túi nylon; lựa chọn, sử dụng những vật dụng làm từ nguyên liệu thiên nhiên... Ý thức, trách nhiệm không phải tự nhiên, dễ dàng hình thành trong mỗi người dân, doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, rất cần đến một chiến lược truyền thông mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn, cụ thể hơn, tác động và hiệu quả hơn cho vấn đề bảo vệ môi trường...

Có một thực tế, không một chính sách nào của Nhà nước có thể phát huy tốt hiệu quả nếu thiếu đi vai trò, tinh thần cộng đồng trách nhiệm thực thi người dân, doanh nghiệp. Với các chính sách bảo vệ môi trường lại càng đúng như vậy!

Khi ô nhiễm môi trường xảy ra, bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền bạc cứu vãn cũng chỉ như “muối bỏ bể”../.

Trần Nam Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực