Cần tạo một thói quen vào chợ mua hàng

Thứ tư, 19/12/2018 19:30
(ĐCSVN) - Một thói quen tưởng chừng đơn giản, nhưng lại rất khó thực hiện! Đó là thay đổi thói quen mua hàng theo kiểu “tiện thể” mua luôn chợ cóc họp ven đường, hành lang an toàn giao thông do ngại việc phải gửi xe vào chợ, phải mất thêm chút thời gian. Lợi của thói quen này thì trước mắt, nhưng hại rõ ràng là nguy cơ mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị và đó là lí do để các chợ cóc tồn tại.

Một chợ cóc họp thường xuyên tại đoạn Cống Tróc, đường ĐT491, xã Nhân Đạo, Lý Nhân, Hà Nam

Nếu tra cứu cụm từ “ô tô mất lái tông vào chợ cóc”, lập tức có hàng trăm kết quả liên quan, và điểm chung của các kết quả ấy đều có hai chữ “thương vong”. Điều này cho thấy sự đặc biệt nguy hiểm của việc mua bán ngay ven đường, hành lang an toàn giao thông. Đặc biệt, trong thời điểm cận Tết Nguyên đán như hiện nay, khi mà nhu cầu mua bán thực phẩm, hàng tiêu dùng của người dân cao đột biến, nguy cơ mất an toàn giao thông tại các chợ tạm, chợ cóc càng nguy hiểm…

Trong những năm qua, việc tổ chức dẹp hành lang, lập lại trật tự an toàn giao thông ở những điểm họp chợ gần đường đã được các cấp, các ngành các địa phương sát sao chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa có chuyển biến tích cực, và thực tế vẫn tồn tại không ít các chợ tạm, chợ tự phát lấn chiếm lòng, lề đường gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông đường bộ có xu hướng gia tăng.

Lý giải cho vấn đề này, chúng ta có thể thấy nó xuất phát từ nguyên lí “có cầu ắt có cung”, nếu không có người mua hàng có nhu cầu “mua nhanh rút gọn” chắc chắn các chợ cóc sẽ tự biến mất. Và nói cụ thể, nó xuất phát từ ý thức, nhận thức thiếu đầy đủ của một bộ phận người dân đi mua sắm hiện nay, nhất là việc đề phòng các nguy cơ mất an toàn cho chính bản thân mình.

Và từ thói quen mua hàng trên đường, ven đường nên hầu hết các chợ cóc, chợ tự phát “mọc lên” đều đáp ứng tối đa tiêu chí nằm gần đường, thậm chí nằm choán xuống lòng đường để thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán của các “thượng đế”. Mặc dù khu vực họp chợ đã được địa phương sở tại quy hoạch khuôn viên và xác định rõ chỉ giới hành lang, nhưng phần lớn các chợ cóc này vẫn bất chấp, họp lấn ra mặt đường, gây cản trở giao thông nghiêm trọng. 

Thực tế thực trạng này ở các địa phương, cụ thể trên một số tuyến đường như QL 70 đoạn chạy qua xã Đại Phạm, Hạ Hòa Phú Thọ và chợ ngã 3 xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ tình rạng chợ họp lộn xộn trên đường theo kiểu cứ đến phiên lại tái diễn khiến tình hình giao thông hết sức bất ổn. Đó là khu vực trung du miền núi, trở về vùng đồng bằng, tình trạng trên cũng phức tạp không kém. Dọc QL 21B, đoạn chạy qua thị trấn Vân Đình và khu vực chợ Đanh Xuyên, thị trấn Đanh Xuyên (Ứng Hòa, Hà Nội), những cái chợ cóc còn lấn chềnh ềnh cả ra quốc lộ. Còn tuyến đường tỉnh ĐT 491 nối từ trung tâm TP Phủ Lý xuống thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân (Hà Nam) với nhiều đoạn cũng thường xuyên là “nạn nhân” của vấn đề chợ tạm, chợ cóc.

Một chợ cóc họp trên QL 21B (bên cạnh còn một vết phanh gấp của ô tô kéo dài), đoạn qua thị trấn Đanh Xuyên, Ứng Hòa, Hà Nội.

Tại các địa bàn kể trên, cứ đến ngày họp chợ là người, xe, thậm chí cả các sạp hàng lưu động tùy tiện tràn xuống mặt đường, tiềm ẩn nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Sau mỗi buổi họp chợ, môi trường tại đây nhếch nhác, rác thải xả bừa bãi làm mất mỹ quan khu vực. Đáng chú ý, có một điều hiển nhiên, hầu hết những người bán hàng đều biết việc buôn bán bên lề hoặc dưới lòng đường là vi phạm luật giao thông và bị xử phạt. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, họ vẫn bám mặt đường để kiếm sống, biết làm thế là sai, nhưng họ vẫn tặc lưỡi cho qua, khi cơ quan chức năng đi kiểm tra, bà con tìm cách dọn hàng, khi cơ quan chức năng đi rồi, đâu lại vào đấy.

Những ngày lễ, Tết người dân họp chợ tràn ra lòng đường còn gây ách tắc giao thông nhất là các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ, liên tỉnh, liên huyện. Mặc dù đã từng xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông đáng tiếc do xe mất lái tông vào chợ cóc nhưng tình trạng họp chợ dưới lòng đường vẫn diễn ra khá thường xuyên.

Một hộ dân gần chợ Km22, QL70, xã Đại Phạm, Hạ Hòa, Phú Thọ cho chúng tôi biết, tại đây, nhất là những phiên chợ họp vào dịp cận tết, người xe, hàng hóa đông đúc nên thường xuyên xảy ra cảnh cãi cọ nảy lửa giữa lái xe ô tô với người đi chợ do va quẹt vào nhau. Từ những va chạm giao thông thường xuyên xảy ra. Nhiều lái xe ô tô rất ngán ngẩm mỗi khi đi qua đoạn đường này. 

Cùng với sự phát triển các khu dân cư ven đường, các chợ tạm, chợ cóc dọc tuyến đường làng, đường huyện mọc lên như nấm, cả người bán và người mua vẫn lấy sự “tiện” để tụ tập họp chợ, buôn bán ngay trên lề đường mà quên đi những nguy hiểm về tai nạn giao thông luôn rình rập. 

Và như một chứng bệnh lây lan, phát triển và không được điều trị kịp thời, gần đây số người buôn bán lấn chiếm lòng đường nhiều, khiến chợ cóc phát sinh một cách tràn lan, dường như đi bất cứ tuyến đường nào, địa phương nào chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp chợ cóc. Sự tồn tại của chợ cóc chợ tạm, của thói quen “tiện đâu mua đấy” đã gây ra biết bao nguy hiểm, bao hậu quả đáng tiếc cho người tham gia giao thông, cho người bán hàng cũng như người đứng mua hàng.

Chợ tự phát ở tỉnh, thành phố nào cũng có đang gây nên tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan đường phố, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông trên tuyến đường. Chỉ cần một chiếc bàn gỗ tự chế, một tấm bạt, thậm chí là một bóng mát sát lòng đường, người dân đã có một nơi lý tưởng để buôn bán.

Ở góc độ hoạt động giao thông cho thấy, có rất nhiều lý do có thể gây ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, như lái xe buồn ngủ mất lái, nhấn nhầm chân ga, phóng nhanh, vượt ẩu, hoặc đang lưu thông nhanh gặp chướng ngại vật bất ngờ, đã khiến cho nhiều người tham gia kinh doanh chợ cóc và người mua hàng trên đường thiệt mạng hay mang thương tích suốt đời… 

Thực tế, trong những năm qua, các địa phương đã nỗ lực tổ chức nhiều đợt ra quân giải tỏa hành lang an toàn giao thông, dẹp bỏ chợ cóc, chợ tự phát. Nhưng, sau những đợt ra quân lập lại trật tự, tình trạng buôn bán lộn xộn tại các chợ tạm lại tái diễn. Theo quy định của Nghị định 23/NĐ-CP và 34/NĐ-CP của Chính phủ, với trường hợp vi phạm họp chợ ven đường, mức xử phạt rất cao, thế nhưng các mức phạt nặng này lại không khả thi. 

Bởi đa số các trường hợp lấn chiếm đều là những người “buôn thúng, bán bưng”, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Phần lớn những người này không có tài sản, không có tài khoản nên chính quyền không có căn cứ để cưỡng chế, xử lý. Nhưng nếu chỉ thu hồi tang vật vi phạm là vài rổ rau, vài kg trái cây như hiện nay thì chưa đủ tính răn đe, thậm chí nếu bị người dân quay clip lại rồi cắt ghép, dàn dựng tung lên mạng, hình ảnh của người thi hành công vụ lại bị ảnh hưởng nặng nề.  

Một nguyên nhân khách quan khác dẫn đến tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để họp chợ còn xuất phát từ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật một số chợ ở các địa phương chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân khiến tiểu thương đem hàng ra ngoài đường bán dẫn đến mất an toàn giao thông. 

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, đi cùng với việc đẩy mạnh công tác, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành luật cho người dân, các cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ban quản lý chợ cần nhanh chóng giải tỏa và có biện pháp mạnh tay đối với những trường hợp cố tình vi phạm, sớm chấm dứt tình trạng họp chợ trên vỉa hè, lề đường nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông, đẩy mạnh hoàn thiện xây dựng các cơ sở hạ tầng chợ tập trung… Nhưng có một yếu tố chủ quan có thể cải thiện được tình hình này, đó là người dân hãy nhận thức lại, cần một sự thay đổi, đó là tạo một thói quen vào chợ mua hàng!

Bài, ảnh: Tuấn Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực