Cần mạnh tay với việc lấn chiếm vỉa hè

Thứ ba, 10/09/2019 16:36
(ĐCSVN) - “Đến hẹn lại lên”, cứ đến độ tết Trung thu hàng năm, các quầy bánh trung thu di động của các hãng bánh lại đua nhau lấn chiếm vỉa hè và hành lang đường, vừa làm mất mĩ quan đô thị, vừa gây mất an toàn giao thông.
Quầy hàng bánh trung thu đua nhau dựng trên đường Phạm Hùng
trong thời điểm "nước rút" năm nay.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu, chúng tôi thấy khá nhiều tuyến đường bị quầy hàng di động bày bán bánh Trung thu chiếm dụng.

Có mặt trên đường Hoàng Quốc Việt, đường Phạm Hùng chiều ngày 09/09, chúng tôi chứng kiến dọc hàng lang 2 tuyến đường có hàng chục quầy hàng di động bày bán bánh. Có những gian hàng còn ngang nhiên đè cả vạnh ranh giới giữa hành lang đường và phần đường đi bộ. Hậu quả người đi bộ lúc đi trên hè, lúc đi dưới lòng đường, với bao nguy hiểm rình rập.

Trên đường Lê Văn Lương, con đường vốn đông đúc phương tiện, tiêu biểu cho vấn nạn kẹt xe các giờ cao điểm, tuy nhiên có vẻ lại được xem là vị trí trưng bày bánh Trung thu lý tưởng. Ngoài ra các trục đường khác như Thành Thái, Dương Đình Nghệ, Mễ Trì, Lê Đức Thọ, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Ngụy Như Kon Tum…cũng chung số phận!

Một gian hàng bánh trung thu còn đè lên vạnh ranh giới trên hè
đường Hoàng Quốc Việt.

Anh Phạm Xuân Hiền, nhà ở phường Mễ Trì Thượng, quận Nam Từ Liêm cho biết: Tôi rất thắc mắc việc vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, hành lang đảm bảo an toàn giao thông, nhưng lạ thay cứ vào dịp Trung thu, các vị trí này lại bị các quầy bánh trung thu chiếm dụng ngang nhiên, việc này vừa gây mất mĩ quan, vừa mất an toàn giao thông, tôi đề nghị cơ quan chức năng xử lý mạnh tay với tình trạng này!

Theo quy định, để được tạm sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, chủ các điểm bán bánh trung thu phải được Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp phép và chỉ được hoạt động trong thời gian ngắn. Ngoài ra, tại các tuyến phố theo phân cấp được giao cho UBND các quận, huyện quản lý, lực lượng Thanh tra giao thông có trách nhiệm nhắc nhở các trường hợp thực hiện không đúng với giấy phép do quận, huyện cấp phép và yêu cầu những trường hợp này phải điều chỉnh vị trí, diện tích gian hàng.

Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo (xin được giấu tên) phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm cho biết: Đối với một số quầy bánh trung thu hoạt động trên địa bàn, đa số đã được quận cấp phép tạm thời, do là đơn vị cấp dưới nên chúng tôi chỉ biết làm theo và không có thẩm quyền xử lý. Còn qua thông tin phản ánh của báo chí, nếu kiểm tra phát hiện các quầy bánh hoạt động không được cấp phép, lấn chiếm vỉa hè sai quy định, gây mất mỹ quan, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý…

Đại diện một số địa bàn khác cũng chia sẻ thêm, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, gây mất mỹ quan và mất an toàn giao thông khiến người dân và người đi đường rất bức xúc, tuy nhiên việc xử lý đều bị vướng về chế tài, quyền hạn, nên không thể can thiệp. Và đó cũng là lí giải một phần cho việc các quầy bánh trung thu xuất hiện dày đặc trên các tuyến phố Hà Nội sát dịp Trung thu mà không bị xử lý.

Việc sử dụng lòng đường, lề đường hay vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh là hành vi bị nghiêm cấm. Theo quy định tại Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trong một số trường hợp vẫn cho phép tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Đặc biệt, nghiêm cấm các hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trên lòng đường, lề đường hay vỉa hè đường bộ. Nếu chiểu theo Nghị định 46/2016/NĐ – CP của Chính phủ, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm cao nhất từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4 – 6 triệu đồng đối với tổ chức.

Không biết đến bao giờ tình trạng lấn chiếm vỉa hè  ở Thủ đô mới chấm dứt?

Bài, ảnh: Trần Sơn Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực